Sức sống thổ cẩm Làng Teng

02:03, 15/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của làng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Và điều đáng mừng là, lớp trẻ bây giờ khéo tay, mắt cũng tinh hơn, nên dệt vải đẹp hơn lớp già như chúng tôi”, bà Phạm Thị Pót (70 tuổi) ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) vừa dệt tấm vải khổ lớn, vừa vui mừng nói.
Bà Phạm Thị Pót (70 tuổi), một trong những nghệ nhân của làng dệt.
Bà Phạm Thị Pót (70 tuổi), một trong những nghệ nhân của làng dệt. 
Như một mạch nguồn, nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng có sức sống bền bỉ. Để rồi, những tấm vải thổ cẩm được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Làng Teng không chỉ tạo nên những trang phục đầy sắc màu cho các mế, các chị trong những ngày hội của làng, mà sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao này đã được nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
 
 “Linh hồn nghề dệt thổ cẩm chính là làm thủ công, là công sức, là tâm huyết của những người dệt gửi gắm vào từng tấm vải. Dẫu tính toán giữa bài toán kinh tế, nhưng vẫn phải gữa mạch nguồn văn hóa truyền thống của làng”.
 
PHẠM THỊ Y HÒA (1991), thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ)
Dệt vải từ thuở mười ba
 
Phạm Thị Y Hòa, cô gái Hrê sinh năm 1991 ở Làng Teng dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xóm. Men theo con đường đất rợp bóng cây xanh, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Pót, một trong những nghệ nhân của làng dệt. Già Pót đội chiếc khăn thổ cẩm trên đầu thật đẹp. Trò chuyện với chúng tôi, già Pót bảo không nhớ mình đã dệt biết bao nhiêu tấm vải, khăn đội đầu, tấm địu em bé cả. Chỉ nhớ rằng, thuở nhỏ, cũng như những đứa trẻ khác trong làng, bà đã biết dệt từ khi 13, 14 tuổi. Bộ khung dệt vải mà già Pót đang dùng cũng có từ rất lâu. Cây thoi và những cây thêu làm từ gỗ rừng, tre, nứa trong bộ khung đều đã nhẵn bóng theo thời gian. 
 
Bà Pót bảo: “Thời bà ngoại của tôi còn sống, cây bông trồng trên triền núi thấp. Khi những cây bông trổ trắng cả triền núi, người làng hái về, quay vòng se thành sợi. Sau đó, dùng các loại rễ cây rừng nấu lên, rồi ngâm sợi chỉ để tạo nên các màu đen, đỏ. Sợi chỉ ngày ấy không trau chuốt, nhẵn mịn và đều như bây giờ. Hiện nay, thay vì sợi bông làm thủ công, người làng dùng những trục chỉ màu có sẵn rồi se vào khung dệt. Tấm vải vì thế có nhiều màu sắc hơn, khi được pha trộn thêm sắc hồng, tím, xanh...”. 
 
Dệt thổ cẩm là thước đo sự khéo léo của phụ nữ Làng Teng.
Dệt thổ cẩm là thước đo sự khéo léo của phụ nữ Làng Teng.
 
Đôi bàn chân đã trải qua tám mươi mùa rẫy, bà Phạm Thị Thung cũng là một trong những người già dệt thổ cẩm có tiếng ở Làng Teng. Như những người phụ nữ lớn lên ở vùng cao này, nghề dệt là thước đo cho sự khéo léo của phụ nữ trong làng. Thế nên, từ nhỏ bà Thung đã được mẹ dạy dệt. Mỗi lần dệt vải xong, bà Thung mang lên trung tâm huyện và tận xã Ba Vì để bán.
 
Những năm gần đây, bà Thung không chỉ ngồi dệt dưới hiên nhà, mà còn tham gia truyền nghề cho lớp trẻ được địa phương tổ chức trong làng. Nhóm ít thì 5 người, nhóm nhiều có khi lên tới 15 phụ nữ, mà toàn là người trẻ. Từ khi Nhà nước đầu tư, quan tâm, nghề dệt nơi này như được tiếp thêm luồng gió mới. Những người già không chỉ truyền nghề trong phạm vi gia đình, mà còn dạy nghề cho nhiều người ở địa phương.
 
Để dệt nên một tấm vải thổ cẩm, ít nhất phải mất vài ngày. Đầu tiên là se chỉ vào khung. Công đoạn này nhanh nhất cũng mấy tiếng đồng hồ, còn bình thường phải tốn cả buổi. Người dệt tự tính toán, tùy theo khăn quàng cổ, khăn trải bàn, tấm địu em hay dùng để may trang phục gì, cần họa tiết, hoa văn ra sao, rồi mới buộc chỉ lên khung, đếm tỉ mỉ từng sợi chỉ, để canh cho các hoa văn đối xứng nhau.
 
Đưa thổ cẩm Làng Teng vươn xa
 
Trước đây, nghề dệt thổ cẩm chủ yếu để làm trang phục khố cho nam, váy cho nữ, khăn choàng, tấm địu em bé... Ngay cả họa tiết trên thổ cẩm cũng được quy định riêng cho nam và nữ. “Trước tiên phải học dệt họa tiết, tập phối màu gồm có họa tiết mẹ và họa tiết con. Trong khi họa tiết mẹ theo khung nhất định, gồm 4 cây thêu mới tạo nên, thì họa tiết con chỉ gồm một cây thêu có thể tạo nên. Để thêu nên họa tiết mẹ khó hơn vì nhiều chi tiết, nên giới trẻ chuộng họa tiết con bởi có thể tha hồ sáng tạo thêm. Dệt họa tiết mẹ khó lắm, em học mãi mà vẫn chưa quen tay. Còn khó hơn nữa là họa tiết trên khố, trong làng chỉ có 3, 4 người dệt được các họa tiết này”, Y Hòa cho hay. 
 
 Những cô gái trẻ ở Làng Teng giờ đã thành thạo với nghề dệt thổ cẩm.
Những cô gái trẻ ở Làng Teng giờ đã thành thạo với nghề dệt thổ cẩm.
 
Ngày trước, những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công xong, rồi mang đi bán ở các chợ truyền thống. Bây giờ, lớp trẻ đưa lên mạng xã hội giới thiệu, quảng bá về thổ cẩm làng mình. Chính sự nắm bắt nhanh nhẹn và thoát ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống, mà thổ cẩm Làng Teng còn dùng để may vest nam, đầm dạ hội, kể cả đầm cưới phối thêm ren, lưới với những đường may tinh xảo.
 
Cũng không còn khắt khe quy định hoa văn trên vải dành cho nam hay nữ nữa, mà tùy theo sản phẩm, lớp trẻ sáng tạo thêm các mẫu hoa văn phong phú hơn. “Vải tự dệt ở nhà, rồi sau đó thiết kế mang đến thợ may để đo, cắt rồi tụi em tự làm người mẫu để giới thiệu. Bây giờ thổ cẩm Làng Teng còn để may các mẫu trang phục hiện đại, đa dạng hơn, sử dụng phổ biến hơn trong đời sống”, Y Hòa cho biết thêm. 
 
Hai chị em bà Phạm Thị Pót đầu đội những chiếc khăn do chính mình dệt nên.
Hai chị em bà Phạm Thị Pót đầu đội những chiếc khăn do chính mình dệt nên.
 
Gần nhà Y Hòa là nhà của Phạm Thị Mỹ Trinh, mới 19 tuổi. Trinh ngồi say sưa dệt vải bên khung cửa sổ dưới hiên nhà. Cô gái trẻ này nhận các đơn hàng về dệt, rồi còn học thêm nghề may để chủ động cho công việc sau này. Khi những thế hệ 8X, 9X giữ nghề dệt, đó không chỉ là giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào mình, mà còn là bài toán kinh tế để có thể sống "ổn" với nghề truyền thống. “Tụi em phải tính toán thời gian ngồi dệt để đảm bảo ngày công. Có khi cả ngày bận việc chưa dệt được, thì đến tối phải tranh thủ hoàn thành cho xong”, Y Hòa nói.
 
Nhờ những người trẻ như Y Hòa, Mỹ Trinh..., mà đơn đặt hàng thổ cẩm Làng Teng đã vươn ra ngoài tỉnh, nhiều nhất là khách hàng ở Kon Tum, Thanh Hóa. Còn vào mùa khai giảng năm học mới, làng dệt ở vùng cao này cũng tất bật hơn, để cho học sinh được diện trang phục truyền thống đến trường.
 
Giữa cuộc sống hiện đại, đời sống của người Hrê dần thay đổi. Thế nhưng, những tấm vải thổ cẩm dệt tay vẫn hiện diện như kết nối giữa các thế hệ với nhau và là sợi chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Có lần, khi nhìn thấy công đoạn dệt thủ công mất nhiều thời gian, công sức, có người khách ngỏ ý đầu tư máy dệt vải giúp nhanh hơn, nhưng Y Hòa liền từ chối. “Linh hồn nghề dệt thổ cẩm chính là làm thủ công, là công sức, là tâm huyết của những người dệt gửi gắm vào từng tấm vải. Dẫu tính toán giữa bài toán kinh tế, nhưng vẫn phải gữa mạch nguồn văn hóa truyền thống của làng”, cô gái 9X này khẳng định chắc nịch.
 
Đen, đỏ, trắng là ba màu chủ đạo
 
Thổ cẩm của người Hrê gồm ba màu chính đó là đen, đỏ, trắng. Đen thể hiện màu da của con trâu, một con vật linh thiêng đối với người Hrê. Trắng tượng trưng cho linh hồn, còn đỏ tượng trưng cho dòng máu. Bây giờ, thổ cẩm có thêm nhiều sắc màu hơn nữa để đa dạng hơn, nhưng đen, đỏ, trắng vẫn là những tông màu chủ đạo trên nền thổ cẩm.
 
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 

.