(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, ngôi nhà ở cạnh bến cá của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) là mái ấm thứ hai của nhiều mảnh đời nghèo khó. Nhờ tấm lòng thơm thảo, nhân hậu của chị Hoa mà nhiều gia đình đã vượt qua nghịch cảnh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là chủ cơ sở thu mua hải sản, chị Hoa tạo việc làm cho hàng chục lao động phổ thông và đỡ đầu, giúp đỡ nhiều phận đời khốn khó, bệnh tật.
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Những ngày biển động, tàu thuyền không ra khơi thì chị Hoa mới được thảnh thơi. Còn ngày thường thì chị tất bật từ sáng đến tối. Làm nghề thu mua hải sản đã hơn 30 năm, từ khi còn bán buôn nhỏ lẻ, cho đến giờ chị Hoa đã là chủ vựa cá, mỗi ngày thu mua 50 - 60 tấn hải sản. Nhưng để có được cơ ngơi như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của chị suốt hàng chục năm trời.
Chị Nguyễn Thị Hoa (thứ hai bên trái) cùng chị em phụ nữ nấu cơm trưa. |
Chị Hoa sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn). Cha hy sinh vào năm 1968, nên mẹ chị phải gồng gánh nuôi mấy anh, chị em.
Nhớ lại một thời gian khó, chị Hoa kể: "Nhà nghèo, nên học hết lớp 9 tôi đi buôn bán để phụ giúp mẹ. Thời ấy toàn buôn gánh, bán bưng, rong ruổi khắp các con đường. Dù vất vả, cực nhọc, nhưng có chút tiền giúp đỡ gia đình là tôi vui rồi".
Đến năm 20 tuổi, chị Hoa kết hôn về làm dâu ở xã Tịnh Kỳ. Chị nhận nấu cơm cho ghe thuyền, rồi tranh thủ sáng sớm mua vài ký cá để chạy chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào. "Tiền dành dụm, rồi bạn bè, người thân mỗi người cho mượn một ít để tôi có thêm vốn buôn bán. Ròng rã cũng cả chục năm trời, cứ thế mà “góp gió thành bão”. Hơn chục năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày tôi thu mua 50 - 60 tấn hải sản, để xuất bán khắp cả nước”, chị Hoa chia sẻ.
“Chị Nguyễn Thị Hoa là một người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh và giàu lòng nhân ái. Đi lên từ gian khó, nên chị Hoa rất đồng cảm, sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện vươn lên. Hằng năm chị Hoa không chỉ trao vài chục suất quà cho người dân địa phương mà chị còn trao quà cho người nghèo ở các xã lân cận, ở các bệnh viện trong tỉnh. Cuộc đời chị như chính tên gọi, cứ thế lặng lẽ tỏa hương cho đời”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Kỳ
NGUYỄN THỊ HỒNG ĐƯƠNG
|
Cưu mang người dưng
“Không có chị Hoa, tôi nào có được ngày hôm nay”, đó là câu nói tôi nghe nhiều nhất khi gặp những người được chị Hoa cưu mang, giúp đỡ. Chẳng phải bà con, họ hàng, cứ ai bệnh tật, nghèo khó tìm đến nhà thì chị Hoa đều dang rộng vòng tay giúp đỡ, tạo việc làm, để họ vươn lên.
Bà Đoàn Thị Liên từng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã được chị Hoa giúp đỡ hơn 20 năm nay. Nay đã 66 tuổi, nhưng nhắc về chị Hoa, bà Liên vẫn gọi trìu mến bằng chị. Bởi với người phụ nữ này, chị Hoa là người bạn lớn luôn ở bên cạnh chăm sóc, động viên bà lúc ốm đau, bệnh tật.
Bà Liên kể: "Tôi gặp chị Hoa từ lúc chị còn buôn bán nhỏ. Biết tôi là người hay suy nghĩ, dễ rối loạn cảm xúc, nên chị Hoa luôn khích lệ tinh thần và động viên tôi. Tôi có ba người con, chồng lại là thương binh, nên mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai. Trong khi bệnh càng thêm nặng, phải đi điều trị cả năm trời, nên lúc nào cũng bị áp lực về tiền bạc.
Thường thì với người bệnh tật như tôi chẳng ai muốn nhận vào làm việc. Thế mà chị Hoa tạo điều kiện để tôi làm phụ bếp cho gia đình chị. Ba đứa con tôi nay đã trưởng thành, đi làm đều nhờ tiền của chị Hoa hỗ trợ. Thuốc tôi uống cũng là chị Hoa cho tiền mua. Cuộc sống của tôi như thế này cũng là nhờ tấm lòng của chị Hoa".
Chẳng phải riêng gì bà Liên, mà nhiều người bệnh tật, đau ốm, không lành lặn đều được chị Hoa đưa vào cơ sở của mình như chị Bình, chú Tám... Trung bình ngày làm việc 8 tiếng, nhưng với những người không lành lặn, sức khỏe yếu, chị Hoa vẫn trả công như người khỏe mạnh từ 400 - 500 nghìn đồng. Còn ai làm giỏi, siêng năng thì chị thưởng thêm.
Gắn bó với cơ sở thu mua hải sản của chị Hoa đã hơn 10 năm, chị Phạm Thị Hậu ở cùng thôn rưng rưng nước mắt khi kể về ơn nghĩa mà chị Hoa đã giúp gia đình mình.
“Ở cơ sở của chị Hoa, tôi đảm nhận công việc phân loại hải sản. Ở nơi khác, ngày nào đi làm thì mới nhận tiền ngày đó, nhưng với chị Hoa thì không phải sòng phẳng như thế. Hôm nào tôi nghỉ vì đau ốm, chị vẫn hỗ trợ tôi ít tiền để trang trải cuộc sống. Các con tôi đi học xa nhà đều được chị cho tiền mua vé xe ra vào. Cảm động nhất là năm rồi, chồng tôi bị thận giai đoạn 3, chị Hoa giúp đỡ hơn 20 triệu đồng để tôi đưa chồng đi chạy chữa. Nếu không may mắn làm việc cho chị Hoa, thì không biết cuộc sống của gia đình tôi đi về đâu”, chị Hậu trải lòng.
Ròng rã mấy chục năm giúp đỡ người gặp khó khăn, không ngần ngại cưu mang người dưng, chị Hoa cũng chẳng nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đâ thoát khỏi đói nghèo. Chị chỉ nhớ rằng, dù vô tình gặp trên đường hay có duyên làm việc ở cơ sở của mình, chỉ cần biết họ đang cần giúp đỡ, đang gặp khó khăn, thì chị luôn sẵn lòng hỗ trợ bằng khả năng của mình.
Điểm tựa của người nghèo
Căn bếp nhà chị Hoa rộng chỉ khoảng 15m2 thế nhưng suốt 10 năm qua, nơi đây đã giúp biết bao người lao động nghèo ấm bụng, tiếp thêm năng lượng để họ mưu sinh. Điều đặc biệt ở căn bếp này là có 3 nồi cơm điện thuộc loại lớn và lúc nào cũng đầy cơm.
Cứ nồi cơm nào vơi đi lại tiếp tục được nấu thêm, bởi căn bếp không chỉ là nơi ăn uống của những lao động làm ở cơ sở của chị, mà còn là nơi lui tới của nhiều mảnh đời bất hạnh và những người làm các công việc có thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Hoa động viên chị Phạm Thị Bình, người bị hư một mắt đã gắn bó với cơ sở của cô Hoa hơn 20 năm qua. |
Chị Hoa chia sẻ: "Trừ những ngày mưa bão, biển động, hầu như ngày nào ở cơ sở thu mua hải sản của tôi cũng có gần trăm lao động đến làm việc. Ban đầu bếp ăn của tôi chủ yếu phục vụ cho lao động ở cơ sở của mình. Nhưng dần dần nhiều người nghèo, những người bán vé số, bán hàng rong... biết đến bếp ăn cũng đến ăn cùng, nên gần chục năm qua, căn bếp lúc nào cũng đỏ lửa, mỗi ngày nấu hơn chục ký gạo".
Không chỉ lo từng bữa ăn cho người lao động, người nghèo mà mấy năm nay, chị Hoa còn nhờ bác sĩ về nhà để khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho những người làm việc ở cơ sở của mình. Đa số người lao động làm ở cơ sở của chị Hoa đều là lao động phổ thông, cuộc sống còn lắm khó khăn, nên hiếm người có điều kiện đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ai ốm đau đa phần đều tự mua thuốc bởi thế nên chị Hoa “bao” luôn cả chuyện sức khỏe của họ.
Chị Hoa bảo: “Khả năng tôi đến đâu thì lo cho họ đến đó. Họ làm cho mình, cũng gần gũi, gắn bó như người thân nên họ ốm đau, tôi cũng xót lắm!”. Bởi cách sống tình nghĩa, giàu lòng yêu thương ấy mà đa phần những người làm ở cơ sở chị Hoa đều đã gắn bó với chị một quãng thời gian dài.
Gặp chị Hoa và những người đang làm việc cho chị, hay được chị cưu mang, giúp đỡ, tôi không còn phân biệt được đâu là người cho và đâu là người nhận. Bởi trên tất cả là tình yêu thương, sự hòa đồng như tình thân. Giữa mùa biển động, chia tay căn nhà nằm sát biển của gia đình chị Hoa, nhưng lòng tôi lại thấy ấm áp đến lạ thường.
Bài, ảnh: HIỀN THU