Người trẻ hợp sức khởi nghiệp

09:12, 11/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đam mê phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tháng 10.2018, 15 bạn trẻ đến từ nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã cùng nhau hợp sức thành lập một hợp tác xã (HTX) chuyên trồng cây măng tây và nuôi thỏ. Có kiến thức, đam mê và chiến lược phát triển bài bản, sản phẩm sạch của họ làm ra được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Chọn lối đi riêng
 
Nhiều năm làm việc ở UBND xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng đến năm 2018, anh Nguyễn Hùng Cường (31 tuổi), ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp, đã xin nghỉ việc, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi riêng.
 
Sau đó, anh lặn lội đi từ Bắc đến Nam, làm đủ mọi nghề để mưu sinh, thấy ở đâu có mô hình làm kinh tế hay là anh Cường tìm đến tham quan, học hỏi. Rồi anh nhận thấy, mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khá phù hợp trên vùng đất quê mình. 
 
Các thành viên tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I - năm 2019 tham quan Mô hình trồng măng tây của Nguyễn Hùng Cường và cộng sự.
Các thành viên tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I - năm 2019 tham quan Mô hình trồng măng tây của Nguyễn Hùng Cường và cộng sự.
 
Trở về quê sau một thời gian “tầm sư học đạo” nơi xứ người, anh Cường lên phương án chuẩn bị cho ý tưởng đã ấp ủ. Tuy nhiên, để triển khai nuôi thỏ và trồng măng tây theo hướng nông nghiệp hữu cơ cần nguồn vốn khá lớn, một mình không đủ nguồn lực đầu tư, nên anh chia sẻ ý tưởng của mình với nhiều người bạn có cùng đam mê với mình. Bằng uy tín, sự cầu thị, anh Cường kêu gọi được nhiều thành viên cùng chí hướng, để khởi nghiệp với nuôi thỏ và trồng măng tây.
 
Lần lượt các bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Truyền, Nguyễn Quốc Tin, Trần Thị Cẩm Tiên - là những bạn thân của Cường - đồng ý góp vốn thực hiện dự án. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, tuổi đời đều dưới 32 tuổi, có người được đào tạo bên lĩnh vực xây dựng, người học kế toán... Từ đó, HTX chăn nuôi thỏ được thành lập, họ phân công nhau mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Người phụ trách sản xuất, người phụ trách makerting, người làm kế toán... cùng nhau đồng tâm hiệp lực thực hiện ước mơ làm giàu.
 
Gặp Cường ngay trên cánh đồng măng tây, lúc anh đang cần mẫn chăm bẵm cho lứa măng tây mới. Anh Cường chia sẻ: Tôi làm nông nghiệp không chạy đua theo phong trào. Vậy nên, khi “khai sinh” ra sản phẩm thì bản thân phải đi nghiên cứu, tìm kiếm thị trường trước đó rồi mới dám làm. Đầu ra chí ít phải đảm bảo 80% thì tôi mới dám đầu tư. Tôi vốn liếng ít, nên phải làm chậm mà chắc. Rồi anh Cường nhớ lại: Những ngày đầu cũng lo lắm, nhiều đêm cứ nằm thao thức hoài. 
 
Có hôm nửa đêm đang ngủ phải thức dậy ra đồng xem thử các loại côn trùng, sâu bệnh có gây hại gì cho cây trồng không... Dần dà đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Anh Cường vừa nói, vừa dùng chiếc cuốc bới lớp đất trên thửa ruộng măng tây và giải thích, phải bởi lên xem cây bén rễ mới chưa. Nếu rễ mới không bén thì phải xem lại chất đất có đảm bảo hay không.
 
“Những người am hiểu trong lĩnh vực trồng măng tây bảo rằng, nơi nào giun sống được thì cây trồng phát triển được vì giun làm đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu của đất. Chất đất phì nhiêu một cách bền vững thì cây trồng mới sinh trưởng tốt”, anh Cường đúc kết.
 
Ngoài ruộng măng tây 1ha, số lượng đàn thỏ của 15 thành viên trong HTX đã tăng lên hơn 1.000 con. Cây măng tây và thỏ mà HTX chọn để làm dự án, thoạt nghe tưởng chừng không liên quan đến nhau, nhưng dưới bàn tay cần cù, óc sáng tạo của các bạn trẻ thì nó trở thành vật nuôi, cây trồng bổ trợ cho nhau khá bài bản. Phân thỏ sau khi được xử lý bằng vi sinh sẽ đem ra bón cho cây măng tây; đồng thời cây măng sau khi thu hoạch, một số đoạn trên thân cây măng tây dôi ra sẽ được làm thức ăn cho thỏ.
 
"Tôi thấy những thành viên trong HTX là những người trẻ năng nổ, nhiệt tình, chịu khó tìm tòi học hỏi. Trước thực trạng các HTX đang “khát” nguồn nhân lực trẻ như hiện nay, việc những người trẻ chọn mô hình HTX để khởi nghiệp thực sự là một luồng gió, góp phần tạo sự đột phá trong việc phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh".
 
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh HỒ QUÝ NHÂN

Gắn trách nhiệm, đặt cái tâm vào sản phẩm

Hôm chúng tôi đến gặp Cường cũng là lúc anh vừa tiếp đoàn công tác của Sở KH&CN Quảng Ngãi đến tham quan, tìm hướng hỗ trợ cho HTX của anh trong thời gian sắp đến. Từ ngày nhóm bạn trẻ xây dựng HTX, đã có nhiều nhóm nghiên cứu trong, ngoài tỉnh và cả người của dự án nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Truyền, thành viên của HTX cho biết: "Dự án nuôi thỏ và trồng cây măng tây được đánh giá cao vì là mô hình thân thiện với môi trường; đồng thời sản phẩm có đầu ra tương đối ổn định". Song điều ấn tượng hơn nữa là các bạn trẻ đã biết cùng nhau hợp tác, tạo ra sức mạnh bó đũa, dám đương đầu với thử thách để xây dựng ước mơ khởi nghiệp của mình.
 
Ngoài bốn người trẻ đóng vai trò là hạt nhân của HTX, 11 bạn trẻ khác từ nhiều nơi trên địa bàn huyện qua nhiều kênh “mai mối” cũng đã xin gia nhập HTX. Những thành viên khi gia nhập HTX được cung ứng giống thỏ bách thảo, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật nuôi thỏ, cũng như được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ thỏ. 
 
Nguyễn Hùng Cường giới thiệu sản phẩm thỏ được nuôi ngay trong vườn nhà mình.
Nguyễn Hùng Cường giới thiệu sản phẩm thỏ được nuôi ngay trong vườn nhà mình.
 
Đến nay, lượng thỏ xuất bán hằng tháng khoảng 450kg; còn măng tây cho sản lượng bình quân 50kg/ngày. Bước đầu lợi nhuận được dùng để mở rộng quy mô của dự án. Trong thời gian đến, HTX sẽ mở rộng thêm 3ha măng tây và xây dựng một khu nuôi thỏ tập trung quy mô lớn ngay tại xã Tịnh Hiệp.
 
"Mở rộng thêm dự án, chắc chắn khối lượng công việc cũng sẽ tăng lên gấp bội, nhưng giờ kinh nghiệm đã có, nên chúng tôi không còn lo lắng nhiều như lúc đầu. HTX cũng đã hoạt động trơn tru nhờ tinh thần đoàn kết của các thành viên. Hơn nữa, HTX hoạt động theo hình thức cổ đông. Ai cũng bỏ vốn đầu tư, nên phải dồn hết tâm sức, trách nhiệm để thực hiện. Khi mọi người gắn trách nhiệm và cùng nhau hưởng lợi từ HTX, thì chắc chắn thành công sẽ đến", anh Cường bộc bạch.
 
Từng đến xã Tịnh Hiệp để tham quan mô hình HTX của 15 người trẻ, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân bày tỏ: Đây là một mô hình khởi nghiệp khá mới mẻ, vì phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, góp phần thay đổi hệ sinh thái đất đai ở khu vực của dự án. Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 HTX có mô hình phát triển kinh tế khá độc đáo, trong đó có HTX nuôi thỏ và trồng măng tây này. Sản phẩm của họ có đầu ra ổn định, nên chúng tôi cũng đang xem xét để hỗ trợ họ vay vốn, nhằm mở rộng quy mô sản xuất.
 
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I - năm 2019 vừa được tổ chức, dự án "Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ" của Nguyễn Hùng Cường và đồng sự đã đoạt giải Ba. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đoạt giải.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 

.