(Báo Quảng Ngãi)- “Ngày trước, nước sông Vệ trong veo, cá tôm đầy ắp. Chúng tôi là những người sống trên ghe, ăn gạo chợ, tắm nước sông. Cũng trên những chiếc ghe ấy, ngày đêm chúng tôi vận chuyển lương thực, vũ khí, thương binh đóng góp cho cách mạng. Dù bây giờ không còn ai mưu sinh bằng nghề sông nước nữa, nhưng nhớ lại một thời vất vả ấy để trân quý cuộc sống hiện tại và nỗ lực hết mình góp sức vào quê hương”, những người lớn tuổi ở thôn Nguyên Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những ký ức như thế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cứ ngỡ, những chiếc ghe nhỏ có mui với những con người xuôi ngược ngày đêm trên sông nước chỉ ở vùng hạ lưu sông. Thế nhưng, ở xã miền núi Hành Tín Đông, phần lớn người dân thôn Nguyên Hòa cũng từng sống đời sông nước.
Từ muôn nơi về đây
Theo người dân thôn Nguyên Hòa nghe ông bà kể lại, thì gần trăm năm trước, sông Vệ không chảy thẳng như bây giờ mà chảy dưới chợ Suối Bùn (giờ là chợ Nhơn Lộc), rồi vòng vào giáp đến tận thôn Đồng Giữa xuống đến thôn Thiên Xuân. Theo thời gian bồi lấp, dòng sông Vệ đổi dòng chảy như bây giờ... Ngày trước, thôn Nguyên Hòa còn chưa có trên bản đồ mà chỉ là bãi bồi men theo sông Vệ. Dọc đoạn sông chỉ có vài chiếc ghe của những người sống trên sông nước. Đó là những người có quê quán khắp nơi từ Hải Phòng, Quảng Bình... cũng từng làm nghề sông nước rồi giong thuyền vào sinh sống ở cửa Lở (Mộ Đức), Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Dần dần ngược theo con nước, họ về khúc sông Vệ đoạn qua Hành Tín, bởi nơi đây tôm cá sinh sôi lại ít người đánh bắt.
Người dân canh tác trên bãi bồi ven sông Vệ gần dưới cầu Hành Tín. Từ hàng chục năm trước, họ trồng tre để chống sạt lở, bảo vệ xóm làng. |
Vào khoảng những năm 1930, chỉ có vài chục gia đình ở trên ghe, lúc đó hay còn gọi là một tổ của thôn Nhơn Lộc. Những năm sau, nhiều ghe đến đây hơn, họ lần lượt mua đất ở bãi bồi để làm lán trại hay căn nhà nhỏ, nhưng chủ yếu vẫn sống và mưu sinh trên ghe. Ngoài đánh bắt tôm, cá mang vào xóm, chợ để đổi gạo thì họ còn trao đổi thực phẩm giữa miền ngược và miền xuôi. Họ mang các sản vật của miền núi, chở củi đến vùng hạ lưu sông để đổi mắm muối, cá mang về bán lại. Sau này, số lượng người đến ở đông hơn nên cần thành lập thôn riêng. Theo ý của mọi người khi đó đặt tên thôn Vạn Hòa, nhưng vì xã Hành Thịnh đã có thôn Vạn Hòa nên quyết định chọn tên Nguyên Hòa.
Theo cụ ông Hồ Văn Lan (1937), ông bà tổ tiên của cụ ở tận tỉnh Quảng Bình, đã di chuyển theo đường thủy vào ở cửa Lở, xã Đức Lợi (Mộ Đức). Không rõ đến thời nào đã về xứ này, ông Lan chỉ biết đời ông cố đã mưu sinh ở đây. Lớn lên trên những chiếc ghe, ông Lan kể chẳng học bơi mà cứ thế rồi rành con nước và bơi rất giỏi. Vợ ông cũng là người từng sống trên ghe, nhưng lên đất liền ở chừng vài năm trước khi gặp ông. Ngày đám cưới, ông rước vợ về trên chiếc ghe nhỏ.
Góp sức vào kháng chiến
Xuyên suốt qua hai thời kỳ kháng chiến, những con người xuôi ngược sông nước trên những chiếc ghe nhỏ đã đóng góp công sức to lớn cho hoạt động cách mạng. Cụ ông Lương Văn Năm năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn còn sức khỏe dẻo dai và trí nhớ minh mẫn. Trong dòng ký ức của mình, ông Năm vẫn nhớ như in về những tháng ngày vất vả nhưng không kém phần tự hào, bởi gia đình ông dựa vào đường sông đã vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho cách mạng.
Ông Năm bồi hồi kể lại: “Năm 1949, mẹ tôi mất vì bị Pháp bắn ở sông Vệ. Sau đó, bốn cha con chèo ghe theo sông Vệ đoạn từ xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đến Ba Tơ để mưu sinh. Hồi đó có một chiếc ghe lớn dùng để ở, còn chiếc ghe nhỏ để bắt cá mưu sinh. Sau này, tôi và một người con cùng tham gia cách mạng, vận chuyển vũ khí từ Kon Plong (Kon Tum) về Hành Tín (từ năm 1998 tách thành hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây) theo cả đường sông và đường bộ. Có giai đoạn, trên chiếc ghe của gia đình, hai vợ chồng tôi liên tục vận chuyển lương thực, vũ khí từ xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) ngược về Ba Tơ. Đến năm 1965, tôi tham gia dân công vượt đường núi đến huyện Sơn Hà nhận ghe ở xã Sơn Thủy, rồi chèo ghe ngược lên Tà Ma. Tôi chèo ghe đi hết con nước chở hàng về sông Xà Lò để cất giấu. Khi đó, máy bay địch bắn chìm mấy chiếc ghe trong đoàn, vì là người biết sửa chữa nên tôi ở lại sửa ghe, rồi mới trở về lại Hành Tín”.
Nhờ lao động cần cù, chăm chỉ, đời sống người dân thôn Nguyên Hòa (nay sáp nhập với thôn Thiên Xuân thành Xuân Hòa) ổn định, phát triển. |
Tháng 11.1969, ông Năm bị địch bắt giam từ nhà lao Quảng Ngãi cho đến Côn Đảo, khám Chí Hòa. Đến tháng 12.1974, ông Năm được thả ra rồi lại bị quản thúc nhưng ông đã thoát được về vùng giải phóng. Năm 1976, gia đình ông Năm làm được căn nhà nhỏ trên bãi bồi ven sông nhưng chủ yếu vẫn sống trên ghe để buôn bán chở chuối, củi về sông Vệ, rồi về xã Đức Lợi (Mộ Đức) để bán.
Ở thôn Nguyên Hòa, không chỉ ông Năm mà còn rất nhiều người khác mưu sinh trên sông nước đã góp sức mình vào hoạt động cách mạng. Bởi sống và mưu sinh trên sông nên họ rành rọt từng con nước, nơi nào nước êm, nơi nào có ghềnh đá. Bàn tay họ không chỉ khéo léo đánh bắt thủy sản, mà còn vững chãi chèo lái từng chiếc ghe nhỏ vượt qua con nước để vận chuyển lương thực, vũ khí và thương binh. Ngày ấy trên bờ, bốn người mới thay phiên vận chuyển một ca thương binh thì dưới nước chỉ cần hai người đã chèo ghe vận chuyển đến tám ca thương binh.
Thôn đi sau, về trước
Đời sống ngày càng đổi thay. Giao thông đường bộ phát triển, phương tiện đi lại ngày càng thuận tiện. Những con người một thời mưu sinh trên sông nước rời ghe lên đất liền ở. Ông Nguyễn Quyết Thắng (1958), Bí thư Chi bộ thôn Nguyên Hòa chia sẻ: “Có lẽ bởi mưu sinh trên sông nước, giao thương với nhiều nơi nên họ nhanh nhạy, linh hoạt nắm bắt cách làm ăn. Người dân thôn Nguyên Hòa đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt trên vùng đất bãi bồi phì nhiêu, màu mỡ phù sa. Nhiều người già cũng không chịu nghỉ ngơi, tất bật với các khoảnh đất trong vườn như từ bao đời nay, họ luôn chịu thương chịu khó, cần cù. Nhờ lao động chăm chỉ, những vườn rau, hoa màu xanh tốt đã mang lại vụ mùa bội thu. Đây cũng là nơi nổi tiếng với những khu vườn trồng chuối ngự cung cấp chuối trong tỉnh.
Cụ ông Lương Văn Năm bên chiếc ghe từng gắn bó với mình một thời. |
Mãi đến năm 2007, ông Lương Văn Năm mới chính thức nghỉ hẳn nghề sông nước, rồi bán chiếc ghe nhỏ do tự tay mình đóng cho một người làm nghề chèo đò. Khi cầu Hành Tín khang trang, vững chãi bắc qua sông Vệ khánh thành thì chiếc ghe cũng đã hoàn thành “nhiệm vụ” của mình, neo lại gần đầu cầu Hành Tín. Mỗi khi có mưa lũ, người dân thôn Nguyên Hòa lại xung kích tiên phong chèo ghe để cứu người.
“Người dân thôn Nguyên Hòa, tuy không phải cùng gốc gác nhưng đã cùng nhau chọn vùng đất bên sông Vệ để an cư, sống đoàn kết, gần gũi với nhau. Vừa qua, sáp nhập hai thôn Nguyên Hòa và thôn Thiên Xuân thành thôn Thiên Xuân. Trước đây, thôn Nguyên Hòa, với 150 hộ dân là thôn "thành lập sau nhưng về trước trong các hoạt động, phong trào", có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Hành Tín Đông. Đây là thôn được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết.
Bài, ảnh: BẢO HÒA