Vãi chài nghề sông nước

01:11, 18/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một tỉnh miền Trung, hệ sông ngòi khá phong phú gồm các sông chính: Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu... các chi lưu và một số sông nhỏ khác. Về phía hạ lưu độ dốc ít, nước không chảy mạnh, đáy sông bùn và cát, tương đối bằng phẳng thuận lợi cho nghề vãi chài (quăng chài, tung chài) trên sông.  

TIN LIÊN QUAN

Chài là tấm lưới tròn, đường kính khoảng hơn 7 mét. Lỗ lưới có các cỡ to bằng 1, 2, 3 ngón tay tùy nhu cầu đánh cá lớn hay nhỏ. Loại chài lỗ nhỏ bằng ngón tay út dùng để bắt các loại cá, tôm. Chính giữa tấm lưới là rốn chài có dây dài, nơi cầm chính khi tung lưới. Xung quanh biên tấm chài có dây mềm, chắc chắn gọi là triên chài, kết chì đủ nặng để khi tung chài ra, đường biên lưới chìm xuống đáy nước. Thời gian quăng chài trong ngày suốt từ sáng sớm đến chiều và về đêm tùy theo con nước. Vãi chài đường sông thì chọn lúc nước ròng, nước đục; vãi chài vùng cửa biển thì chọn lúc nước vừa lên, cá từ biển theo thủy triều vào sông.

 

Vãi chài trên sông.                                  Ảnh: Internet
Vãi chài trên sông. Ảnh: Internet


Hành nghề quăng chài cần hai người điều khiển chiếc thuyền nhỏ, nhưng cũng có khi  chỉ cần một người, cùng một tấm chài và các dụng cụ hành nghề khác. Lúc hành nghề, người ta chèo thuyền ra sông, chọn vị trí có nhiều cá, tôm theo dự đoán của họ và cho thuyền dừng lại. Một người dùng mái chèo đứng đầu mũi thuyền ghìm giữ cho thuyền đứng yên. Người đứng ở mũi thuyền kia thu tấm chài thành một bó dài, cuộn gấp phần bó lưới phía cuốn, sao cho hai tay nắm chặt nơi ấy để ngang bụng thì triên gắn chì vừa chạm bàn chân.

Tiếp theo người ta vạch miệng bằng cách dùng các ngón tay và vắt vào khuỷu tay phải (đối với người vãi chài phía phải). Sau cùng là động tác quan trọng nhất, họ đưa người về phía sau, xuống tấn lấy đà rồi rướn nhanh, mạnh về phía trước, cùng lúc hai tay vãi mạnh chài ra, sao cho các lực cộng hưởng lại. Nhờ biên tấm chài có gắn chì nên khi vãi mạnh miệng chài xòe to và bung mạnh như chiếc lồng bàn to úp xuống nước. Nếu người vãi chài khỏe, động tác nghề nghiệp thành thạo, đủ lực thì tấm chài bung rộng hết cỡ và tròn trịa, trông rất đẹp mắt. Hình ảnh tấm chài bung ra rồi rơi xuống nước trở thành tác phẩm của nhiều nhà nhiếp ảnh nghệ thuật.

Ngược lại nếu làm sai kỹ thuật, khi vãi tấm chài còn dính vào người thì người vãi sẽ bị chài lôi theo xuống nước. Sự phối hợp giữa người giữ thuyền và người vãi chài nhịp nhàng đến mức thuyền không chao động mấy, nhờ họ sử dụng mái chèo khua vào nước làm triệt tiêu lực sinh ra khi quăng chài. Sau khi tấm chài rơi hẳn xuống sông, đường triên chạm đáy nước, người ta chèo thuyền ra một đoạn ngắn rồi từ từ kéo rốn chài, biên chì tự xếp tấm chài lại thành túi lớn, cá thì chui vào các dụi. Cuối cùng họ kéo cả chài lên thuyền để bắt cá, tôm,…

Xong mẻ này người ta lại sửa soạn rồi vãi tiếp mẻ khác, mỗi mẻ mất độ 15 phút. Cứ thế khi cá tôm đầy giỏ cũng là lúc họ về nghỉ. Thủy sản bắt được hoặc dùng trong gia đình hoặc người nhà mang ra chợ bán. Cũng có trường hợp ngư dân hành nghề bằng cách lội dọc theo bờ sông vãi chài. Động tác vãi và cách bắt cá giống như dùng thuyền nhưng lúc này, người vãi chài đứng ngay trên mặt đất, chỗ mé nước cạn. Thủy sản bắt được từ nghề chài gồm cá, tôm đủ cỡ, đủ loại, chúng sạch và tươi ngon.

Ngày trước, khi môi trường tự nhiên chưa bị xâm hại, không có nạn rà điện, suốt cá, thủy sản đường sông, lạch rất phong phú, nghề quăng chài là phương kế sinh nhai của nhiều gia đình ngư dân nghề sông. Cụ Trần Quí nay tuổi đã 85, ở xóm Vạn Chài, thôn 2, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), người thành thạo nghề vãi chài trên sông và đan tấm chài bán cho bạn nghề. Nay tuy cụ không còn làm nghề được nữa nhưng rất vui khi có dịp kể về cuộc đời ngư nghiệp của mình. Nghề vãi chài nay không còn thịnh, ở một số địa phương như Tịnh Long, Tịnh Hà, Tịnh Ấn… chỉ một số rất ít người hành nghề.

 

Thế nhưng hình ảnh chiếc thuyền nhỏ, người điều khiển thuyền, người vãi chài, rồi tấm chài bung tròn đã tạo nên những bức ảnh nghệ thuật vừa được lưu giữ trong kho tàng ảnh đẹp vừa được lưu giữ trong ký ức của bao thế hệ.


Bùi Văn Tạo


 


.