Hủ tiếu của người Quảng trên đất Sài Gòn

02:12, 26/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Mỗi một chiếc xe hủ tiếu đậu đâu đó trên đường phố Sài Gòn là một câu chuyện riêng nhưng tựu chung đều có hoàn cảnh khó khăn nên phải tha hương để mưu sinh. Những chiếc xe hủ tiếu tôi từng ăn thử khi đến đây đều thật bình dị, chất chứa cả khẩu vị, tâm tình, niềm hạnh phúc riêng của người quê.

TIN LIÊN QUAN

Ước mơ lớn dần bên xe hủ tiếu
 
Một ngày mới của vợ chồng bà Lương Thị Túy Loan, 53 tuổi, quê ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ luôn phải tất bật để chở nhau đi mua các nguyên liệu như hủ tiếu, hành hẹ, xương, thịt heo, bò viên, tương ớt… về chế biến món hủ tiếu từ 5 giờ  sáng. 
 
Nghề hủ tiếu không quá nặng nhọc nhưng vẫn phải chấp nhận vất vả, tất bật cả buổi mới chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho hành trình đi kiếm tiền. Xong xuôi, vợ chồng bà cùng nhau đẩy xe hủ tiếu từ khu nhà trọ nằm trên đường Lạc Long Quân bán dạo qua khu vực chợ Tân Bình rồi đậu hẳn trên một góc vỉa hè đầu đường Trần Triệu Luật, giao nhau với Lý Thường Kiệt ở quận Tân Bình. 
 
Bà Loan cho hay, hôm nay là chủ nhật không có “đô thị” nên mới dám đứng đây bán. Mọi hôm hai vợ chồng phải đẩy đi liên tục hết đường này sang đường khác, khi nào hết nồi thì về chứ đô thị họ dí sát nơi. Cực nhất mùa mưa phải đi qua những con đường ngập nước hơn 2/3 xe đẩy.
 
Hủ tiếu
Xe hủ tiếu của bà Loan và ông Học đã viết ước mơ cho hai đứa con gái, các em đều ăn học thành người.
 
Nói rồi ông giúp bà đẩy chiếc xe lên lề đường, lấy vài cái bàn, cái ghế để thực khách ngồi ăn cho thoải mái. Thế nhưng, theo quán tính, bà lại ngó nghiêng xung quanh canh “đô thị” đột nhiên đi trực chủ nhật, để vợ chồng đẩy xe, “chạy” cho kịp.
 
Bà nhẩm tính, cái nghề này vợ chồng đã gắn bó hơn 20 năm. Đứa con gái đầu lòng bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm tha hương xứ người. “Ngày trước, vợ chồng mới cưới làm gì có ruộng đất nhiều để mà nuôi con. Thấy người ta đi bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn về có tiền, so đi tính lại thấy khỏe hơn làm ruộng, ham quá nên khăn gói đi luôn. Con sinh xong thì gửi lại cho bà ngoại”, bà Loan bộc bạch. 
 
Thuở mới vào đi làm thuê. Có chút kinh nghiệm, tích lũy vừa đủ thì mua xe đẩy đi bán. Hằng ngày, vợ nấu, chồng bưng, nhiều người khen ngon và ủng hộ ngày một đông hơn. Bây giờ, xe hủ tiếu này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với các tiểu thương ở chợ Tân Bình, nhân viên công sở, người lao động khu vực Bảy Hiền. Mỗi ngày, vợ chồng bà bán cũng hơn 100 tô, có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng.
 
“Tuổi cũng đã cao, sức khỏe không còn  như trước, hai vợ chồng đã nghỉ bán về quê vài lần. Thế nhưng nhớ quá quanh vào bán lại, kiếm tiền lo thêm cho con được tươm tất hơn. Chừng nào chúng học xong thì mình về, nhưng chắc mang theo chiếc xe về quê để mà mưu sinh tiếp” chồng bà Loan- ông Nguyễn Đức Học, 57 tuổi, bày tỏ.
 
 
Tô hủ tiếu bình dân, giản dị của người quê.
Tô hủ tiếu bình dân, giản dị của người quê.
 
Cái nghề hủ tiếu với ông bà như ơn nghĩa khó trả. Nó đã nuôi hai đứa con gái ăn học đến nơi, đến chốn. Cả hai đều được học ở những ngôi trường danh tiếng ở Sài Gòn. Cô con gái lớn nay đã tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ học và có công ăn việc làm ổn định, còn cô con gái thứ hai đang học đại học năm thứ 3 ngành ngân hàng. 
 
Niềm hạnh phúc lớn nhất là các con luôn hiểu được giá trị của cái nghề đã giúp mình nên người. Đứa nào cũng động viên cha mẹ nghỉ ngơi cho khỏe. Cha mẹ không chịu, chúng chỉ còn cách sau những giờ làm việc và đi học đều dành thời gian quay về bên xe hủ tiếu của cha mẹ để đỡ đần. Ước mơ lớn dần bên xe hủ tiếu tha hương theo năm tháng.
 
 
Món ẩm thực khuya của Sài Gòn
 
Khi trời đã chạng vạng tối, tôi ghé đến một quán hủ tiếu trên góc vỉa hè ở khu dân cư nằm trên đường số 16, quận Bình Tân của một cặp vợ chồng cũng quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Chúng tôi hỏi mãi mà hai vợ chồng chẳng chịu cho biết tên. Đến khi người dân sống ở đây cho hay thì mới biết được chị vợ tên Tiếu. 
 
Ngày trước, anh chị cũng đẩy xe đậu khắp phố phường để bán. Thế nhưng từ ngày TP.HCM siết chặt việc quản lý trật tự vỉa hè đô thị, anh chị thuê luôn nơi này vì gần đường lại sát nhà trọ bên cạnh.
 
Tôi có dịp ngồi thưởng thức từng cọng bún dai mềm, từng miếng thịt heo luộc chín, thái mỏng, miếng bò viên hấp dẫn và đặc biệt là cái nước lèo ngọt thơm đúng vị người Quảng nấu đầy thú vị giữa đêm Sài Gòn. Cái món gợi bao ký ức của bọn sinh viên chúng tôi ngày xưa, đám bạn thường gọi là “món cứu đói”  cuối tháng. 
 
Trong không gian thoáng đãng, dưới ánh đường đèn hiu hắt, một âm thanh “leng keng” từ đằng xa vang vọng tới, tựa như tiếng chuông kẹo kéo, cà-rem nơi quê nhà. Chị Tiếu nhanh nhảu cho hay, đó là tiếng chuông rao hủ tiếng của chồng chị.
 
Vợ chồng chị Tiếu bên chiếc xe hủ tiếu ở quận Bình Tân.
Vợ chồng chị Tiếu bên chiếc xe hủ tiếu ở quận Bình Tân để gắn bó với anh chị hàng chục năm.
 
Chồng chị gánh vác mọi việc trên chiếc xe này, từ chỗ chọn nguyên liệu để nấu cho đến làm đầu bếp và đẩy ra tới nơi mới bàn giao lại để chị bày biện và bán tại chỗ cho thực khách. Còn anh, trên chiếc xe đạp tròng trành cùng chiếc chuông gắn ở cổ xe lang thang các ngóc ngách phố xá để rao “Hủ tiếu đây!” tìm khách, thỉnh thoảng nghe điện thoại khách quen quay về nhận hủ tiếu từ chị để mang cho khách.
 
Chồng chị Tiếu cho hay, cái nghề hủ tiếu này ban đầu xuất phát từ một số người dân ở Quảng Ngãi, nhiều nhất là người dân quê anh ở Phổ Cường vào Sài Gòn làm thuê cho người Hoa ở Chợ Lớn, quận 5. Anh cũng là một trong số những người như vậy, từ cái thời còn 14- 15 tuổi đã đi gõ hủ tiếu, “học lỏm” nghề và rồi trở thành “ông chủ” của chính mình. 
 
Bây giờ, những tiếng rao, tiếng gõ hủ tiếu giữa khuya vơi dần. Anh liền gắn chiếc chuông lên xe để nhớ về một thời “hưng thịnh” của cái nghề đi đến đâu cũng đụng “đồng nghiệp”. Cái nghề đã giúp gia đình anh ở quê nhà vực dậy nghèo khổ. Lâu thành quen, từ tiếng chuông, nhiều người đến thưởng thức, gắn luôn cho quán nhỏ của anh là “hủ tiếu chuông”. 
 
 “Mình làm ở một siêu thị Bách Hóa Xanh gần đây, tối nào cũng về khuya đến tận 10 giờ đêm  đều không quên ghé quán này để làm một tô “hủ tiếu chuông”. Hủ tiếu nấu ngon như ở nhà nấu, ăn hủ tiếu lại nhớ quê da diết vì hợp khẩu vị”, chị Nguyễn Thị Thúy Sang, 25 tuổi, một người Quảng xa quê chia sẻ.
 
Chồng chị Tiếu vui vẻ đi giao hủ tiếu cho khách. Trên cổ xe đạp luôn có cái chuông để mời khách,
Chồng chị Tiếu vui vẻ đi giao hủ tiếu cho khách. Trên cổ xe đạp luôn được gắn cái chuông thay cho tiếng gõ trước đây để mời khách.
 
Hủ tiếu là một trong những điểm lựa chọn đầu tiên trong danh sách ẩm thực khuya ở Sài Gòn và trở thành một thói quen của nhiều người vì vừa đơn giản, vừa bình dân. Trải qua bao thăng trầm và dù ngày nay vật giá leo thang thì tô hủ tiếu của người Quảng cũng chỉ dừng lại ở giá bình dân 20.000 đồng một tô trở lại. Tùy vào sở thích và cách ăn của từng người muốn thêm cục giò hay nhiều thịt thì giá sẽ tăng thêm một ít. 
 
Nó rẻ và đơn giản như thế, bình dân như chính tên gọi “hủ tiếu”. Vậy nhưng, nó lại góp phần trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu khi nhắc đến của ẩm thực đường phố Sài Gòn. Lân la khắp các quán vô tình ta sẽ bắt gặp hình ảnh vừa ăn vừa đùa vừa trò chuyện của một nhóm bạn trẻ ăn khuya, hay một đôi bạn đói lòng dừng chân, hay một người tha hương đang nhớ về quê hương.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.