Về đâu hủ tiếu gõ?

08:05, 28/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhác thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ giục thực khách dắt xe máy đến nơi khác rồi vội đẩy xe hủ tiếu nép sát vỉa hè, bỏ mặc bát đĩa, bàn ghế chỏng chơ.

Đó là hình ảnh thường thấy của rất nhiều người dân xứ Quảng lấy vỉa hè làm nơi mưu sinh. Cuộc sống của họ vốn khổ càng thêm khó nhọc, sau đợt ra quân lập lại trật tự đô thị ở TP.Hồ Chí Minh.

Mưu sinh trong âu lo

TP.Hồ Chí Minh đang vào mùa “chợt mưa chợt nắng”, làm vơi đi nóng bức chốn thị thành. Nép dưới tấm bạt ni-lông che chiếc xe hủ tiếu gõ nằm trên Quốc lộ 1 chạy qua địa bàn quận Thủ Đức, anh Nguyễn Hoài Vang buông tiếng thờ dài: “Bán buôn gì đâu chú! Vừa bán, vừa canh lực lượng chức năng, chứ không mất hết cả dụng cụ làm ăn”. Dứt câu nói, anh nhớn nhác nhìn quanh.

Anh Vang bên xe hủ tiếu đẩy hằng ngày mưu sinh trên vỉa hè.
Anh Vang bên xe hủ tiếu đẩy hằng ngày mưu sinh trên vỉa hè.


Quê anh Vang, ở xã Phổ Cường (Đức Phổ), đất đai bạc màu nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Rời quân ngũ, anh vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân da giày, nhưng tiền lương cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày. Bấm bụng, người đàn ông đã ngót bốn mươi đành về quê vay mượn người thân gần 20 triệu đồng để trở lại nơi này mua chiếc xe hủ tiếu gõ cùng điểm bán từ người bạn vừa quen, hòng kiếm vốn lận lưng để cưới vợ.

Hơn 8 giờ sáng hằng ngày, anh đến chợ mua thực phẩm rồi trở về phòng trọ nấu nướng chuẩn bị cho buổi bán chiều đến đêm khuya. Sau bữa cơm và giấc nghỉ trưa ngắn ngủi, anh đẩy xe hủ tiếu đến điểm bán, cách nơi trọ chừng một cây số.

Mãi đến hơn 1 giờ sáng, anh mới thu dọn đồ, rồi lầm lũi đẩy xe hủ tiếu trở về phòng trọ khi đường phố dần vắng bóng người. Mỗi bữa như thế anh kiếm được trên dưới 600 nghìn đồng, khoản thu nhập đáng kể đối với người dân quê. Nhưng sau một lần bị lực lượng trật tự đô thị phạt, cùng lời nhắc nhở, anh Vang ngày nào cũng canh cánh nỗi lo.

Cũng bán hủ tiếu gõ, lại cùng quê ở Phổ Cường, anh Thử còn là đồng đội của anh Vang khi cả hai cùng nhập ngũ ở một sư đoàn. Rời quân ngũ, anh sánh duyên với cô thôn nữ cùng làng. Không việc làm, vợ chồng anh vay mượn người thân ít vốn rồi đưa nhau vào TP.Hồ Chí Minh bán hủ tiếu gõ. Nhiều năm vất vả nơi thị thành giúp vợ chồng anh có điều kiện lo cho 2 con ăn học và phụ giúp cha mẹ xây dựng căn nhà khang trang.

“Ở quê làm vài sào ruộng nên không đủ sống. Vì vậy mà phải tha phương để kiếm tiền lo cho con. Nhiều đêm nhớ tụi nó đến phát khóc, nhưng biết làm sao được! Giờ mấy ông cán bộ làm mạnh tay quá chừng, nên vợ chồng tôi lo lắm. Chẳng biết bán được bao lâu nữa!", chị Hòa (vợ anh Thử) lo lắng.
 

"Tô hủ tiếu gồm hủ tiếu sợi, nước lèo, giá đỗ, hẹ, chân giò, xương và thịt heo... cùng các loại gia vị với giá bán từ 10 – 15 nghìn đồng. Phần lớn thực khách là sinh viên xa quê và người dân lao động nghèo. Khách hàng đa phần là người nghèo nên phải bán giá rẻ thì họ mới ăn. Dù lãi ít nhưng tôi vẫn luôn mua thực phẩm tươi ngon để nấu và bán cho khách”
Anh NGUYỄN HOÀI VANG

Tản mát tứ phương

Sau đợt giải tỏa vỉa hè ở Sài Thành, nhiều người bán hủ tiếu gõ trôi dạt tứ phương tìm kế mưu sinh. Những người bám trụ luôn lo sợ bị cơ quan chức năng cấm triệt buôn bán trên vỉa hè, nơi gắn bó với họ bao năm qua. Và, dịch vụ “ăn theo” hủ tiếu gõ: Sản xuất mì sợi, hủ tiếu, cung cấp thực phẩm... cũng bị ế ẩm.

Hơn 20 năm bán hủ tiếu gõ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh mua được căn nhà ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Giờ anh thêm nghề sản xuất giá đỗ, để cung cấp cho người bán hủ tiếu, nhưng những ngày qua lượng bán ra chẳng đáng là bao.

“Lúc trước, mỗi ngày, tôi xuất bán hơn 3 tạ giá, nhưng giờ chưa đến trăm ký. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn làm để bán cho anh em cùng quê, vì nếu nghỉ sợ nơi khác lấy giá cao thì họ lại thêm khó khăn”, anh Minh tâm sự.

Lúc trước, anh Trần Văn Hoàng ngược xuôi trên đường với chiếc xe máy chất đầy mì sợi, hủ tiếu, bò viên, giá đỗ... đến tận nơi bỏ mối cho hơn 20 người bán hủ tiếu. Sau cả ngày vất vả, anh kiếm được hơn 700 nghìn đồng. Giờ chỉ còn bỏ mối cho vài người nên anh khá nhàn rỗi, nhưng cái nhàn mà anh chẳng hề mong đợi. “Cả gia đình trông chờ vào việc bỏ hàng của tôi và chiếc xe bán hủ tiếu của vợ.

Bây giờ, làm ăn kiểu này không đủ trả tiền thuê trọ và sinh hoạt hằng ngày, thì lấy đâu ra tiền để lo cho ba đứa nhỏ ăn học. Dân Phổ Cường vào đây bán hủ tiếu đông lắm, nhưng giờ họ phiêu bạt khắp nơi. Việc làm ăn sẽ khốn khó trăm bề, vì gầy dựng được điểm bán mới đâu phải dễ. Với lại, tôi nghe thông tin ở nhiều nơi cũng ra quân dọn dẹp vỉa hè. Không biết rồi sẽ ra sao nữa!”, anh Cường lo lắng.

Chia sẻ với khó khăn của những đồng hương làm ăn xa quê, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Nguyên Giang cho biết: Toàn xã có khoảng 2.800 người trong độ tuổi lao động phải tha phương tìm kế mưu sinh, chiếm gần 40% lao động trong xã. Trong đó, hầu hết họ bán hủ tiếu gõ ở TP.Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể những người đã qua tuổi lục tuần vẫn rời quê mưu sinh nhọc nhằn bên xe hủ tiếu.

“Nhờ bán hủ tiếu mà họ có điều kiện cho con em ăn học, mua sắm vật dụng trong gia đình, sửa chữa nhà cửa khang trang làm thay đổi diện mạo xóm làng. Địa phương đồng tình với việc lập lại trật tự đô thị, nhưng mong muốn các cấp tạo điều kiện cho họ được thuê điểm bán giá rẻ để tiếp tục làm ăn...”, ông Giang tâm sự.

 Từ nhiều năm nay, tô mì gõ, hủ tiếu gõ nóng hổi là sự lựa chọn khi đói lòng của nhiều người bình dân ở đô thị lớn nhất nước này. TP.Hồ Chí Minh sau những ngày ra quân dọn dẹp vỉa hè, đường phố đã khang trang, thông thoáng hơn. Mì gõ không còn bày bán trên phố. Thế nhưng, vì nhu cầu thực khách và kế mưu sinh, những xe hủ tiếu vẫn tìm cách nép mình trong những con hẻm, chiếc xe đẩy vẫn bốc khói nước lèo cho đến tận đêm khuya.

Nức tiếng “Việt kiều hu – ti” một thời

Nửa thế kỷ trước, nhiều thanh niên ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) rời quê đi bán hủ tiếu thuê cho người gốc Hoa định cư tại Sài Gòn. Sau đó, họ học hỏi cách thức chế biến và mở ra bán riêng, nhưng vì không đủ vốn nên phải đóng xe hủ tiếu bán rong qua từng con phố nhỏ. Lời mời khách là tiếng gõ lốc cốc phát ra từ hai thanh tre nhỏ trên tay của người giúp việc.

Nhờ rong ruổi bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn mà sau 11 năm, vợ chồng anh Võ Dương tích cóp được 5 cây vàng trở về quê hương mở cửa hiệu bán tạp hóa. Nhờ khoản vốn ban đầu ấy, mà hiện anh chị đang sở hữu cửa hiệu bề thế cùng căn nhà 3 tầng trị giá trên 1,5 tỷ đồng.

Còn với bà Ngô Thị Lấm, chồng mất sớm, bà vất vả nuôi 4 con thơ dại. Dãi nắng dầm sương trên ruộng đồng, nhưng cuộc sống vẫn khốn khó, bà đánh liều vay mượn tiền của người thân dắt con vào Sài Gòn bán hủ tiếu.

Sau 20 năm “biệt xứ”, bà lo cho các con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định. Và những người như anh Dương, bà Lấm được mệnh danh là “Việt kiều hu – ti” (Việt kiều hủ tiếu). Vùng đất Phổ Cường một thời có đến hàng nghìn người như thế.

 

Bài, ảnh: TRANG THY
            
 


CÁC TIN KHÁC
.