Người trưởng thôn bền bỉ

04:09, 17/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 20 năm rồi ông giữ chức trưởng thôn. Ông hiểu, để có được sự tín nhiệm của bà con ngoài sự tận tụy, gương mẫu, còn phải là người được việc cho cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Ông là Đinh Kê (58 tuổi), dân tộc Hrê, trưởng thôn Diên Sơn, xã Long Sơn (Minh Long). Hỏi chuyện, ông kể: "Có gì đâu. Trong chiến tranh, mình là du kích xã. Hết chiến tranh thì là cán bộ văn phòng UBND xã, rồi nằm trong diện tinh giản biên chế, nên về làm nông. Đến năm 1998, bà con bầu làm trưởng thôn. Rồi được bà con tín nhiệm, nên làm mãi"...   

Trưởng thôn... đi trước

Ông Kê nhớ lại thời ông mới nhậm chức, con đường từ huyện lỵ Nghĩa Hành về Minh Long băng qua xã Long Sơn chỉ là lối mòn. Đồng bào dân tộc cũng biết khai hoang làm lúa nước, nhưng mùa hạ về, sông Phước Giang khô cạn mà ruộng không có hệ thống thủy lợi, nên cây lúa ốm tong. Còn trên núi, cứ đến tháng 6 trời mưa dông là đồng bào vác rựa chặt đốt, rồi tỉa lúa. Có năm lúa đang trổ thì trời gió nên hạt lép, đến khi thu hoạch tuốt mỏi cả tay mà chẳng nấu được nồi cơm.  

 

 Ông Đinh Kê-người trưởng thôn bền bỉ.
Ông Đinh Kê-người trưởng thôn bền bỉ.


Ở Diên Sơn hồi đó tồn tại một nghịch lý đáng buồn là cả thôn nhà ai cũng nuôi trâu, nhưng con trâu cứ thả rông ngoài rừng đến mùa cày cấy mới lùa chúng về làm sức kéo, chứ chẳng có chuồng trại gì, nên chẳng nhà nào có phân chuồng để bón ruộng. Còn nhà nhà làm lúa nước, nhưng không dám đem rơm về nhà chất thành cây làm thức ăn cho trâu bò, vì sợ Giàng quở phạt bị ốm đau. Do vậy, trong những ngày đông giá rét, người thiếu ăn và con trâu, con bò cũng đói.

Thấy rõ những nghịch lý tồn tại trên quê hương, nhưng sâu thẳm trong lòng, ông Kê cũng lo ngại. Tuy nhiên, qua những lần tiếp xúc, nghe lãnh đạo huyện, cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông hiểu nhất định phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu tồn tại từ lâu đời. Nhưng xóa bỏ bắt đầu từ đâu?  

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông hiểu: Mình là trưởng thôn, mọi sự phải bắt đầu từ chính mình thôi. Bởi bà con lâu nay vẫn "trăm nghe không bằng một thấy".

Ông Kê nhớ cái hôm ông chuyển rơm về nhà. Không chỉ người làng mà vợ con của ông tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên, rồi lắc đầu e ngại. Nhưng kết cục là Giàng chẳng hề quở trách, mà mùa đông năm đó trong những ngày mưa dầm, giá rét đàn trâu của ông Kê nằm trong chuồng thảnh thơi "xơi" rơm. Trong khi đó, ở thôn, trâu của nhiều hộ dân thiếu ăn cộng với trời rét lạnh, nên bị chết. Bà con hiểu ra, phải xóa bỏ tập tục lạc hậu và làm theo cách của ông Kê.

Cho đến bây giờ, ở Diên Sơn nhà nhà đều có cây rơm và làm chuồng trại chu đáo. Cũng qua ông Kê, nhiều hộ còn trồng cỏ voi và phía bên ngoài chuồng trâu làm thêm một cái chuồng trống có lợp mái để làm nơi chứa phân. Phân chuồng cào ra, được trộn với lá cây sẽ mau hoai mục, bón ruộng sẽ tốt hơn.Rồi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, ông Kê lại sớm hôm đi vận động bà con đào đắp kênh mương nội đồng. Có nước dẫn về, áp dụng giống lúa mới cùng các biện pháp thâm canh, nên lúa trên cánh đồng thôn Diên Sơn cũng tốt tươi, trĩu hạt như người Kinh ở vùng Hành Dũng (Nghĩa Hành).

Đi cùng ông ra khu rẫy trồng keo xanh tốt bạt ngàn ở vùng giáp ranh với xã Hành Dũng, ông Kê kể: “Vài chục năm trước, Công ty Lâm đặc sản Quảng Ngãi lên đây hợp đồng với dân trồng rừng. Tui nghĩ trên núi, sau những mùa du canh, phát đốt làm lúa rẫy đất bạc màu nên đất "ở không" nhiều quá. Mình muốn làm ăn thì phải học. Thế là mạnh dạn hợp đồng với công ty trồng 3ha và vận động nhiều bà con cùng tham gia theo phương thức công ty đầu tư giống phân bón, mình có công trồng sau bảy năm thu hoạch lợi tức chia ba, mình được một phần.

Để rồi, sau một chu kỳ trồng rừng, tất cả các hộ trong thôn đều nắm khá vững quy trình trồng rừng, nên bà con tự trồng cho mình, chứ không còn hợp đồng với công ty nữa. Qua nhiều vụ trồng và thu hoạch có người kiếm được hàng trăm triệu đồng.   

“Làm cái cân thôi”  

Ở Diên Sơn cũng như nhiều làng quê miền núi khác, cuộc sống khá dần lên cũng phát sinh lắm điều lo ngại. Mở cuốn sổ theo dõi những vụ việc xảy ra ở thôn, ông nhẩm tính từ năm 2011 đến giờ, có 30 vụ tranh chấp đất rẫy, đất ở, nghi kị đồ độc, uống rượu quậy phá xóm làng, tảo hôn. Cứ mỗi vụ việc xảy ra, ông Kê lại cùng bí thư chi bộ thôn, các hội đoàn thể cùng các già làng đến tận nhà hòa giải, xử lý vụ việc.

 

 

 Cuốn sổ ghi các vụ hòa giải của trưởng thôn Đinh Kê.
Cuốn sổ ghi các vụ hòa giải của trưởng thôn Đinh Kê.

Cũng nhờ làm trưởng thôn tích cực nên ông Đinh Kê được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 2013, ông được Chủ tịch UBND tỉnh khen là người có uy tín trong đồng bào dân tộc giai đoạn 2008-2012. Năm 2016, ông được Hội Cựu chiến binh tỉnh khen là cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND tỉnh khen là người có thành tích tiêu biểu trong đồng bào dân tộc. Năm 2016, ông còn được tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam.


Như mới đây thôi, anh Đinh Phẩm ở thôn Đồng Tre thường uống rượu, đi chơi đêm về khuya, rồi trong xóm có người chết, nhiều người nghi anh có đồ độc, nên bà con xa lánh, thậm chí có người còn nghĩ cách loại bỏ anh ra khỏi cộng đồng. Ông Kê biết chuyện đến nhà động viên anh, rồi tổ chức họp dân tìm hiểu. Qua bà con, ông và những cán bộ trong thôn phát hiện ra người tung tin thất thiệt, buộc họ phải viết kiểm điểm. Cũng từ đó, chuyện nghi kị đồ độc ở xóm Đồng Tre không còn nữa...

Ở Diên Sơn cũng từ khi rừng trọc biến thành đồi keo bạt ngàn, nhu cầu mở đường khai thác vận chuyển gỗ càng bức bách. Nhưng mới bàn qua, bà con đã xì xào về chuyện kinh phí ủng hộ làm đường. Hiểu lòng bà con muốn có sự công bằng trong đóng góp, nên ông Kê xin ý kiến cấp trên cho phép huy động những hộ có diện tích trồng rừng keo lớn thì phải đóng góp nhiều hơn. Rồi khi phóng tuyến con đường lại đụng vào đất vườn của một số hộ, ông Kê lại kiên trì giải thích để bà con hiểu mà thông cảm hiến đất làm đường.

Ông Kê cười hiền, bộc bạch: “Không phải tự mình làm việc tốt đâu. Có những việc khi bí quá thì mình hỏi ý kiến chú Kỳ (tức ông Trần Đình Kỳ- nguyên Bí thư Huyện ủy Minh Long), chú Vầu (tức ông Đinh Sang Vầu- nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 Tỉnh đội Quảng Ngãi). Mình làm cái cân mà. Khi phân xử vụ việc hay vận động dân đóng góp phải xuất phát từ thực tế và xác định mình làm cái “cân” thì cân phải đúng, bà con mới tin, mới nghe”.

Chuyện nhà trưởng thôn  

Ông Đinh Kê làm trưởng thôn, chuyện làng, chuyện xóm bận rộn, nhưng ông hiểu nếu chỉ lo công tác xã hội mà chuyện nhà không tốt thì không thể làm gương cho mọi người được. Chính vì vậy, ngoài việc làng việc thôn, ông lại lo sản xuất. Ông Kê kể: “Lúc trước mình có đến 10ha rừng keo và 16 con trâu, nên ngoài công tác của thôn là cùng vợ lên rẫy ra đồng. Có những hôm khi con gà rừng mới gáy vợ chồng tui đã dậy nấu cơm ăn, rồi kéo nhau ra đồng và có nhiều hôm từ rẫy trở về trời đã tối mịt”.

Công việc bận rộn, nhưng cũng nhờ vậy mà vợ chồng ông Kê tích lũy được ít nhiều. Ông kể: Năm 1998, trong số 4 ngôi nhà ngói mới đầu tiên được xây dựng, có nhà tui. Vợ chồng tui bán trâu, dốc tiền tiết kiệm để làm nhà rồi vần đổi công với bà con cưa xẻ gỗ rồi xuống dưới Hành Phước mua gạch, ngói thồ về xây dựng nhà. Ngày về nhà mới, bà con đến chúc mừng, ai cũng bảo vợ chồng thằng Kê chăm chỉ làm ăn và thằng Kê vừa làm tốt công tác xã hội, vừa làm tốt việc nhà. Đám thanh niên trong làng phải noi gương nó thôi!

Bây giờ, bốn người con ông, người làm cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã, người trồng rừng kết hợp làm dịch vụ xe tải, làm máy xay xát. Ông luôn nhắc nhở các con, làm ăn thì phải cần cù chịu khó và đừng quên đóng góp cho cộng đồng, cho quê hương.


Bài, ảnh: CẨM THƯ

 


CÁC TIN KHÁC
.