(Baoquangngai.vn)- Hằng ngày, trên tuyến đường Trường Chinh, người ta vẫn thường thấy anh xoắn xít với mọi công việc. Từ giao dịch với khách hàng cho đến vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng, chăm sóc ô tô. Anh là Đỗ Minh Cang, sinh năm 1985, ông chủ của một gara ô tô có tiếng tại TP.Quảng Ngãi. Ít ai biết được, đằng sau thành công ấy là nỗi bất hạnh đeo đuổi anh mấy chục năm trời, mà chỉ có nghị lực can trường mới vượt qua được.
Từ tuổi thơ bất hạnh…
Những chuỗi ngày tăm tối dồn dập đến với anh Cang từ khi anh còn rất nhỏ. Mới 1 tuổi đã mất cha, lên 3 tuổi mất mẹ. Cang cùng chị sớm trở thành trẻ mồ côi. Sự thiếu thốn tình thương, bảo bọc từ đấng sinh thành không gì có thể bù đắp được.
Niềm an ủi duy nhất còn lại đối với Cang là bà nội. Người dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) vẫn nhớ như in hình ảnh một cụ bà một tay bế bồng, một tay dắt cháu nhỏ đi học từ ngày này qua ngày khác.
Họ cũng thấy thắt lòng khi phải chứng kiến hoàn cảnh cơ cực của 3 bà cháu.
Nhưng rồi, vì tình cảnh bắt buộc, bà nội của Cang đành gửi Cang vào Trung tâm Nuôi dưỡng đối tượng chính sách xã hội tỉnh, nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Hôm chia ly, Cang khóc cạn nước mắt. Năm đó, Cang mới vào lớp 3.
|
Anh Cang (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn, những thế hệ đầu tiên được nuôi dưỡng ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh. |
Cang là một trong những thế hệ đầu tiên được chuyển đến nuôi dưỡng ở trung tâm. Ở đấy, có những số phận bi đát chẳng kém. Dần dà, Cang hòa nhập và bắt đầu có những “chỗ dựa” về mặt tinh thần. Cang gọi người lớn tuổi hơn mình là anh, là chị; nhỏ tuổi hơn mình là em như thể người thân trong nhà, tuy chẳng ruột rà máu mủ.
Gắn bó với Cang nhiều nhất phải kể đến cô Ngô Thị Nhơn Hạnh, người mà Cang hay gọi là má Hạnh. Từng bước Cang đi đều có bóng dáng của “người mẹ” thứ hai này.
Ở trung tâm, Cang được các cô chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tận tình, lo từng bữa ăn giấc ngủ. Ngoài ra, còn được dạy học để theo kịp bạn bè cùng lứa.
Mãi đến năm Cang học lớp 9, sau 6 năm vào trung tâm, với mong muốn tự lực, Cang xin ra khỏi trung tâm, hòa nhập cộng đồng. Một thời gian sau, Cang đăng ký theo học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Cơ giới, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, với quyết tâm tìm “sinh kế” lập nghiệp, sống một cuộc đời có ý nghĩa.
"Hoàn cảnh Cang rất đáng thương. Mình coi Cang như con cái của mình. Mong sao với những gì mình làm, Cang sẽ vượt qua số phận và đủ tự tin để bước tiếp chặng đường còn lại. Em là một cậu bé ngoan ngoãn nên mình tin em sẽ thành người có ích”.
Cô Ngô Thị Nhơn Hạnh
…Đến chặng đường lập nghiệp bền bỉ
T
ốt nghiệp ra trường, Cang nỗ lực tìm đủ nghề để sống. Thời gian đầu, khó khăn chồng chất. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự trợ giúp… khiến Cang nhiều lần có ý định từ bỏ.
May mắn thay, sau chuỗi ngày gian khó, anh xin vào được Công ty Dược vật tư Y tế Quảng Ngãi. Với nỗ lực của mình, từ chàng công nhân vác muối trong kho, anh được công ty tin tưởng giao những công việc quan trọng như phân phối muối sạch cho các huyện miền núi trong và ngoài tỉnh.
Nhưng cuộc đời lại trớ trêu, một lần nữa đẩy anh xuống vực thẳm khi công ty phá sản vì làm ăn thua lỗ. Anh Cang phải bươn chải ra ngoài làm ăn riêng. Tận dụng mối quan hệ tạo dựng được, cùng nghị lực sắt đá, anh Cang tiếp tục bám đuổi cái nghề bán muối đã cho gia đình anh cơm ăn, áo mặc. Dần dà, công việc đi vào ổn định, anh duy trì đến tận ngày hôm nay.
Cái chí làm giàu hừng hực lại thúc đẩy anh Cang nhảy sang lĩnh vực mới. Cách đây 3 năm, từ số tiền tích cóp suốt mấy chục năm trời, anh đầu tư cho việc học lái ô tô và mua thêm con xe Innova để cho thuê. Anh kể: “Cách làm này vừa giúp anh kiếm thêm thu nhập, vừa phục vụ cho gia đình khi cần”.
Nhờ sự tận tâm trong công việc mà anh Cang ngày càng tạo được uy tín cao đối với khách hàng của mình. Công việc cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Không tự mãn với những gì đã đạt được, anh lại nảy ra ý tưởng khởi nghiệp lớn hơn, khi thuê hẳn một không gian riêng để xây dựng gara ô tô bề thế nằm trên đường Trường Chinh (TP.Quảng Ngãi).
Gara của anh chuyên nhận bảo trì, sữa chữa, chăm sóc cho ô tô, trao đổi, mua bán các loại ô tô cũ, mới.
Công việc làm ăn ngày càng khấm khá, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư gần 10 chiếc xe ô tô từ 4- 29 chỗ để cho thuê xe dịch vụ phục vụ nhu cầu cá nhân, tham quan, kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh với hợp đồng ngắn hạn, dài hạn.
|
Gara ô tô của anh chuyên nhận bảo trì, sữa chữa, chăm sóc cho ô tô; trao đổi, mua bán các loại ô tô cũ; cho thuê xe dịch vụ trong và ngoài tỉnh. |
Phương châm mà anh đặt ra cho mình là lấy chất lượng, uy tín làm hàng đầu. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, anh đặc biệt chú trọng đến việc tuyển dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao về làm việc. Từ thợ rửa xe, kỹ thuật viên sữa chữa, bảo trì tô tô, giao dịch với khách hàng... đều phải chuyên nghiệp, thân thiện.
Theo tính toán, gara ô tô cho gia đình anh khoản thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ tháng. Nó còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Đáng nói, trong số này, có những người từng có “xuất phát điểm” như anh- nghèo khó hoặc bất hạnh.
“Công việc ở đây tuy có đôi lúc vất vả, nhưng bù lại thù lao cũng xứng đáng. Đặc biệt, được làm việc với một người trẻ ham làm, nhiệt tình và đầy nghị lực như Cang mình cũng học hỏi được nhiều thứ. Có đôi lúc chán nản trước cuộc sống nhưng nhìn vào tấm gương ấy, mình như có thêm động lực để tự tin, mạnh mẽ bước qua những khó khăn”, ông Nguyễn Đồng, 41 tuổi, ở xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi chia sẻ.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là nguồn vốn. Để có được số tiền đầu tư, anh Cang phải vay mượn khắp nơi, song song với đó, anh còn phải học cách lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lời. Vì lẽ đó, dù đã trở thành ông chủ, anh vẫn làm việc quần quật như nhân viên của mình.
“Chỉ cần một cuộc gọi điện thoại khách gọi về phản hồi là lo sốt vó. Xe vừa trả về gara là mình bảo trì cẩn thận như xe cá nhân để khách an tâm di chuyển trên những con đường...” anh Cang cho biết.
Thành công là vậy, thế nhưng theo anh Cang, đến tận ngày hôm nay, điều làm anh mãn nguyện nhất, đó chính là được đi học, được đến trường như bao bạn bè, được các má ở Trung tâm yêu thương, che chở suốt năm tháng ấu thơ. Đây chính là bước đệm, điểm tựa vững chắc để anh vững bước vào đời và có được tương lai như ngày hôm nay.
“Cang nó sống giản dị và chân thành lắm! Thỉnh thoảng cũng hay về thăm các má, các em ở đây. Vào những dịp Tết nhứt, ngày lễ kỉ niệm, lần nào đến cũng đều có quà cho các em”.
Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lê Thị Ba nói về anh.
Điều anh Cang trăn trở nhất hiện nay đó là tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh như mình trước đây, có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.
Từ đứa trẻ mồ côi, nhút nhát năm nào, anh Cang bây giờ đã trở nên lanh lẹ và giỏi giang hơn. Tương lai phía trước vẫn còn dài, vẫn đang chờ đợi anh với những gian nan, thử thách mới. Nhưng tin rằng, sự nhiệt huyết đang sục sôi, nghị lực can trường sẽ giúp anh Cang vượt qua tất cả, xóa tan những “rào cản” để tiến dài hơn trên hành trình chinh phục những tầm cao mới, thành công mới, như câu mà người xưa thường nhắc “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”.
Bài, ảnh: Thiên Hậu