(Báo Quảng Ngãi)- Những người tôi gặp, bất hạnh của cuộc đời đã khiến họ như cạn dòng nước mắt. Và rồi, nụ cười lại rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người khi được cộng đồng sẻ chia yêu thương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trung tuần tháng Ba, chúng tôi đi cùng Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bùi Đức Thọ đến thăm những trẻ em có số phận kém may mắn.
Trái tim kết nối con tim
Trái tim nằm ngoài lồng ngực, thoạt nghe, nhiều người lấy làm lạ. Nhưng đó là hoàn cảnh mà cháu Nguyễn Thị Xuân Trang (4 tuổi), ở thôn Xuân Yên, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) phải gánh chịu từ khi mới lọt lòng mẹ. Bé Trang sống đến ngày hôm nay được xem như kỳ tích. Trái tim của cháu bé nằm ở ngoài rốn, được bao bọc bởi một lớp màng rất mỏng. Đây là trường hợp đặc biệt, hiếm có ở nước ta.
Chị Phước bùi ngùi kể lại: “Mỗi lần nhìn trái tim non nớt của con với nhịp đập yếu ớt, vợ chồng tôi lòng đau như cắt. Hoàn cảnh kinh tế gia đình quá nghèo, tôi không có nghề nghiệp ổn định, chồng thì làm công nhân, thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nên không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho con”.
Sau khi được phẫu thuật, em Trần Hữu Quân ở tổ 10, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) sống vui khỏe cùng với gia đình. |
Ở đời, cái nghĩa, cái tình luôn là vốn quý. Hôm chúng tôi đến thăm, gặp anh Bùi Đức Thọ, chị Phước tay bắt mặt mừng. “Bé Trang giờ đã khỏe rồi anh à. Vợ chồng em vui lắm, may nhờ có Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh giúp đỡ”, chị Phước xúc động nói.
Được sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cháu Trang đã trải qua 2 lần phẫu thuật, với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã đưa trái tim cháu bé vào trong lồng ngực và từng bước chữa trị bệnh tim. Vậy là, trái tim đã kết nối trái tim, tình yêu thương, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội đã mang đến cho bé Trang niềm vui của sự sống.
“Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh sẽ luôn cố gắng để đồng hành giúp đỡ những trẻ em kém may mắn, để các em nở nụ cười hồn nhiên và được chắp cánh ước mơ”. Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh BÙI ĐỨC THỌ |
Ôm bé Trang vào lòng, anh Thọ cùng với các thành viên đi trong đoàn lặng thinh quan sát nhịp đập trái tim của cháu bé. Dù không nói ra, nhưng chắc một điều rằng, trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều cảm nhận về giá trị của tình người.
“Tôi muốn nhắn gửi đến các bà mẹ rằng, đừng bao giờ tuyệt vọng, hãy cố gắng khi còn có thể, tương lai tươi đẹp của con trẻ đang chờ ở phía trước”, tôi vẫn không sao quên được câu nói của chị Phước lúc tạm biệt. Đúng vậy, hãy cố gắng khi còn có thể, rồi cuộc sống sẽ mỉm cười! Sắp tới đây, bé Trang sẽ được phẫu thuật lần ba, mong rằng ca phẫu thuật thành công để cháu bé tiếp tục vui sống như bạn bè cùng trang lứa.
Mang nụ cười đến với trẻ thơ
Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Có những chuyến đi như thế này mới biết được rằng, còn quá nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh cần sự giúp đỡ. Đối với những người làm công tác xã hội, thêm một cháu bé được giúp đỡ là thêm một niềm vui trong cuộc sống. Bởi vậy, giữa trưa nắng gắt, anh Bùi Đức Thọ cùng với mọi người vẫn đi đến từng gia đình có trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh và những đứa trẻ mồ côi... để hiểu rõ hoàn cảnh và động viên, kịp thời kêu gọi sự giúp đỡ.
Vượt qua đoạn đường gập ghềnh, lởm chởm đá, lên đến tận khu vực đồi núi, chúng tôi mới đến được nhà bà Lê Thị Được (62 tuổi) ở thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn). Trong ngôi nhà tuềnh toàng, nóng như lò lửa, bà Được kể về những đứa trẻ mà có lẽ nhiều người không nghĩ đó là câu chuyện thực ở đời. “Dung, Hạnh, Cường, Trung, Hiếu, Đào, Phước, An”, bà Được lần lượt đọc tên 8 đứa con của mình. Đó đều là những cái tên rất đẹp mà bà đặt cho các con với mong muốn đứa nào cũng mạnh mẽ, sống an lành, hạnh phúc. “Là tui mơ thế thôi, chứ khổ quá, tui đến già cũng còn khổ vì con, vì cháu”, bà Được nói.
Bé Nguyễn Thị Thủy Tiên (6 tuổi, con gái của chị Dung) và em trai. |
“Mẹ tụi nó đi chăn bò rồi, con bò Nhà nước mới cho. Mẹ nó bị bệnh thần kinh, đi miết ngoài đường, lúc về lại mang bụng bầu, đẻ ra rồi bỏ mặc chứ có nuôi đâu, khổ quá”, bà Được tiếp tục câu chuyện. Bà Được đang nói về người con gái đầu là Nguyễn Thị Mỹ Dung (41 tuổi). Chị Dung có đến 7 đứa con (5 gái, 2 trai), đứa con đầu năm nay 18 tuổi, đứa út 3 tuổi.
Chị Dung đi lang thang hết ngày này qua ngày nọ, đến khi trở về nhà lại bụng mang dạ chửa, cứ mỗi lần như thế bà Được gần như chết lặng. Chẳng ai biết cha của những đứa trẻ này là ai, tụi nhỏ đều mang họ mẹ. Trong đó có một bé gái vừa lọt lòng mẹ ở bệnh viện, bà Được đã cho người ta, đến giờ cũng chẳng biết mặt mũi thế nào.
“Con dại cái mang”, bà Được bảo thế, rồi thì bà vẫn cứ lam lũ như cái thuở nuôi 8 đứa con của mình, chỉ khác là bây giờ nuôi cháu. Chồng đau ốm triền miên nên không giúp được gì, bà một mình lên rừng đốn củi rồi đi buôn ve chai, tiền kiếm được ba cọc ba đồng, tụi nhỏ ăn không đủ no. Thế là 3 đứa trẻ phải nhờ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh gửi ra sống ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Được cái là các cháu con của chị Dung đều học giỏi.
Mỗi khi có khách đến thăm, bà Được chỉ vào vách tường ken dày giấy khen để khoe thành tích của tụi nhỏ, bà lấy đó làm niềm tự hào trong cuộc đời lam lũ của mình. “Con Diễm đang học năm thứ nhất Đại học Nha Trang; 3 đứa ở làng SOS là con My lớp 9, con Chi lớp 8, thằng Triều lớp 3; con Tiên 6 tuổi, thằng Hưng 3 tuổi chưa đi học, nhưng lanh lẹ lắm, còn cái đứa cho rồi thì không biết thế nào. Cũng may là tụi nhỏ ăn học có Nhà nước hỗ trợ”, bà Được phấn khởi nói.
Lần này, bà Được nói chuyện với anh Thọ, mong muốn cho bé Tiên ra Làng SOS Đà Nẵng sống với các anh chị, vì sợ ở nhà cuộc sống không đảm bảo. Nghe thế, bé Tiên vội bế em chạy ra khỏi nhà. “Nó cũng ưng đi, nhưng lại sợ xa em”, bà Được giải thích.
Mỗi người một số phận, dù có những bất hạnh, hay nhọc nhằn, thì hãy sống với niềm tin như lời của chị Phước từng nói và những gia đình đã bước qua gian khổ của cuộc đời mà chúng tôi đã gặp. Họ bỏ lại sau lưng nỗi đau bất hạnh để bước về phía trước. Và hãy sống với tình yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh để niềm vui được lan tỏa!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ