Bắc nhịp cầu cho học trò nghèo

09:10, 07/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 70 tuổi đời và 50 năm gắn bó với "sự nghiệp trồng người", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Ngọc Ngân vẫn luôn đau đáu một niềm riêng là làm sao cho tất cả trẻ em nghèo đều được đến trường.

TIN LIÊN QUAN


Vì lẽ đó, hơn 10 năm qua, kể từ ngày về hưu, ông đã dồn sức làm “cầu nối” để tiếp bước cho các em đến trường. Trong căn phòng nhỏ chật chội, lúc nào ông cũng tất bật với công việc. Gỡ đôi kính lão, ông Ngân lấy khăn chặm lại đôi mắt mờ đục, mồ hôi trên trán rồi bảo: “Tuổi cao rồi, đôi lúc cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng còn quá nhiều em có hoàn cảnh đáng thương cần tiếp sức đến trường, nên phải làm thôi”...

Kiên trì vận động

Ông Ngân công tác trong ngành giáo dục đã hơn 50 năm và trải qua nhiều chức vụ. Đến tuổi nghỉ hưu, ông tiếp tục gắn bó với học trò nghèo khi tham gia công tác ở Hội Khuyến học tỉnh. Hơn 10 năm qua, người dân ở bên cạnh vườn hoa Bưu điện tỉnh trở nên quen thuộc với hình ảnh ông giáo già với mái tóc bạc phơ, tay ôm cặp sách đã sờn màu luôn có mặt tại trụ sở từ rất sớm. “Lỡ một nhịp là học trò nghèo mất một cơ hội để đến trường, vì thế phải tranh thủ”, ông Ngân chia sẻ. Vì lẽ đó mà ông luôn sắp cho mình một lịch công tác khoa học, lúc thì tiếp nhận danh sách học sinh nghèo, tư vấn cho cơ sở giải quyết giấy tờ; khi thì lên kế hoạch, phương án vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp vào Quỹ Khuyến học để nuôi dưỡng ước mơ đến trường cho học sinh nghèo.

Ông Trần Ngọc Ngân trao thưởng cho học sinh Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn).
Ông Trần Ngọc Ngân trao thưởng cho học sinh Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn).


Sắp lại cặp giấy tờ để lại ngăn nắp trong tủ, ông Ngân kể: Vận động lo cho các em học sinh nghèo, nhưng thực sự cũng không dễ chút nào. Sau khi kế hoạch, thư ngỏ vận động được phát đi, chúng tôi đèo nhau đi gõ cửa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để quyên góp. Có nơi thì nhiệt tình chia sẻ, nhưng có chỗ thì viện cớ đủ điều, cá biệt có nơi không muốn tiếp. Dẫu vậy, ông Ngân cùng các "cộng sự" trong Hội Khuyến học tỉnh vẫn "say sưa" làm việc, miệt mài đi vận động để chắp cánh ước mơ cho các em học sinh, sinh viên nghèo...
 

Ông Trần Ngọc Ngân.
Ông Trần Ngọc Ngân.
“Làm việc nghĩa thì bỏ qua những lời nói của ai đó mà cảm thấy khó nghe; gạt cả quyền lợi riêng tư, làm việc với cái tâm, với tình người trong sáng thì mới mong có sự chung tay giúp sức cho học sinh nghèo”.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh TRẦN NGỌC NGÂN

Kết nối những tấm lòng

Những lần lên danh sách học sinh nghèo, ông Ngân lại thấy khóe mắt mình cay cay vì có quá nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ, nhưng tiền vận động thì có hạn. Các em chung nhau một điểm nghèo, mỗi trường hợp là một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chăm ngoan, học giỏi. Vì sâu sát như vậy nên ông Ngân nhớ rõ hoàn cảnh từng em. “Nhiều hoàn cảnh chúng tôi rất trăn trở. Tìm nguồn hỗ trợ các em 500 nghìn – 1 triệu đồng thì dễ, nhưng không giúp các em yên tâm cắp sách đến trường khi phải sống trong căn nhà tạm bợ, đời sống kinh tế gia đình quá khó khăn...”, ông Ngân bộc bạch.

Với trăn trở đó, năm 2011, ông Ngân đề xuất thành lập “Quỹ tấm lòng vàng” và đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý. Đây là cơ sở để hội huy động các doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức truyền hình trực tiếp đêm đóng góp Quỹ và đã huy động được cả tiền tỷ từ những nghĩa cử “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Từ đây, những món qùa có giá trị lại được trao tận tay cho học sinh, sinh viên nghèo, những mái nhà tình thương được dựng lên.

Chị Trần Thị Kim Anh ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), mẹ của em Phan Thị Ngọc Quỳnh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Khiết, vui mừng nói: Nhờ thầy Ngân mà mẹ con tôi có chỗ ở ổn định, con an tâm đến trường thực hiện ước mơ”. Ngọc Quỳnh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tàn tật. Cuộc sống hai mẹ con nương dựa vào nghề may vá, sửa đồ ở quê. Được đồng nào chị Anh cố gắng cho con đến trường. Theo năm tháng, chỗ ở của hai mẹ con bị dột nát, rệu rã. Vì thế, ngôi nhà được dựng lên bằng nguồn vận động của ông Ngân và Hội Khuyến học tỉnh đã mang đến niềm vui lớn lao cho hai mẹ con chị Kim Anh.

Đau đáu một niềm riêng
 

Luôn trao đúng địa chỉ       

Hằng năm, cứ đến ngày trao Quỹ học bổng Khuyến học, Khuyến tài, nhiều người thấy ông Ngân như trẻ lại, bởi đôi chân liên tục đi lại, với nụ cười tươi hạnh phúc, mặc cho mồ hôi ướt đẫm vai áo. Ông Ngân nói: “Việc gì cũng vậy, giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ thì mới có ý nghĩa”. Với suy nghĩ đó, sau khi tổng kết học kỳ, tổng kết năm học, ông Ngân ngồi lại rà soát danh sách, để những tấm lòng của các mạnh thường quân trao đúng học sinh, sinh viên nghèo.

“Thầy ơi, nghỉ ngơi đi thầy”. Đó là lời động viên của nhiều người đã từng làm học trò ông Ngân. Dẫu vậy, ông Ngân vẫn tự nhủ với lòng: Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn đây đó những miền quê nghèo. Nhiều phụ huynh phải oằn mình cho con đến trường. Những hình ảnh này chẳng khác nào tuổi thơ của ông ở làng quê nghèo xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) năm xưa.

Ông Ngân nhớ lời cha dạy: “Làm người phải lấy tình yêu thương, chia sẻ làm đầu”. Ngày đó, cha ông chỉ làm ruộng, nhưng năm nào trên vùng đất ông trồng cũng cho lúa trĩu hạt, cho khoai mì, khoai lang đầy gánh. Khi thu hoạch, trước khi đưa về nhà, ông đều chia ít nhiều cho người nghèo. Lớn lên đi làm cách mạng, ông Ngân lại gặp những tấm gương xả thân vì sự nghiệp trồng người.

Các thầy cô giáo như Tô Uyên Minh, Lê Hoài Minh, Lê Quang Hường, Nguyễn Thị Túy Em... cùng các đồng nghiệp khác đã vượt khó, gạt nỗi đau riêng để tiếp sức cho các em học chữ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Ông Ngân bộc bạch: Hoàn cảnh cô Túy Em có lẽ đến cuối đời tôi vẫn không quên được. Liên tiếp trong một tháng, cô mất cả chồng, hai con và mất cả mẹ chồng trong những trận địch càn quét. Thế mà cô vẫn gượng dậy để dạy chữ cho học trò.

Tình yêu thương của cô dành trọn cho bao thế hệ học trò, cho sự nghiệp trồng người. Những thầy cô giáo, đồng nghiệp từ miền Bắc vào, từ miền biển lên ngủ rừng, ăn khoai, đói rát ruột, nhưng vẫn lạc quan truyền ngọn lửa trí thức cho bao thế hệ học sinh. Và ông Ngân đã học được những người đi trước đạo làm thầy: “Làm thầy không chỉ dạy kiến thức mà phải hiểu từng hoàn cảnh, tính nết của các em để uốn nắn, dạy bảo”.

Ngày đất nước thống nhất, ông Ngân vinh dự được gắn bó với ngành giáo dục, dù trải qua nhiều chức vụ, nhưng ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giờ đến tuổi nghỉ ngơi ông vẫn lo nghĩ về lớp học trò hôm nay, nhất là những học sinh, sinh viên nghèo chăm ngoan, học giỏi, bởi theo ông chỉ có học con chữ mới mở ra chân trời mới cho tương lai các em.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.