(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1999, sau những chuyến bay cứu trợ ở vùng lũ Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) trở về, những phi công của Quân khu 5, thở dài: “Lũ khiếp quá. Dân vùng này khó mà gượng dậy”. Nhưng rồi Hành Tín Tây tiếp tục gồng mình qua cơn lũ lớn năm 2006, 2013. Trong lúc khốn cùng nhất, nhiều người cảm nhận được tình người, quê hương cao hơn đỉnh lũ...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi trở lại Hành Tín Đông một ngày cuối tháng 10.2016, người quê bảo nhau: Chưa biết lũ lớn sẽ “ghé thăm” lúc nào, nên mọi người lại cùng nhau chuyển lúa gạo lên rầm, tu sửa lại xuồng, ghe chống lũ.
Làng can nhựa
Đưa tay chỉ ra phía ngoài mé sông, ông Mai Quang, ở thôn Đồng Miếu, xã Hành Tín Tây nói: “Thôn này thấp trũng, mưa lũ là nước sông Vệ đổ về ào ạt. Năm 1999, lũ thật kinh hoàng. Đến năm 2006, 2013, nơi đây cũng trắng trời trong lũ. Không có anh em cứu hộ thì nhiều người đã chết trong lũ rồi”.
Các thành viên Đội Thanh niên xung kích Hành Tín Tây kiểm tra phao cứu sinh, cứu hộ trước mùa mưa lũ 2016. |
Nhớ lại cơn lũ ngày 18.11.2013, ông Quang kể, thấy nước dâng lên nhanh, tôi bèn trổ ngói cho vợ leo lên mái nhà. Rồi nước lũ chảy quá xiết, ngôi nhà chực chờ sập đổ. Trong đêm tối mưa gió đầy trời, nhìn vợ đang run, tôi cố gắng động viên: “Thôi thì cố gắng bám mái nhà được lúc nào hay lúc đó, bà ơi! Chứ kiểu này mình khó thoát rồi”.
Trong lúc tận cùng tuyệt vọng, thì có tiếng mái chèo khua và sau đó đèn pin loang loáng. Tiếng thằng Trà (ông Đào Trà - nay là trưởng Công an xã) rõ đanh như mệnh lệnh: “Nước quá xiết, nhưng anh em mình cố gắng chèo vô nhà ông Dung để cứu ổng bả”. Cho đến khi vợ chồng “yên vị” trên thuyền cứu hộ, tôi mới hoàng hồn: Thoát rồi!
Hành Tín Tây đã vượt qua những cơn lũ lớn nhờ sự đồng sức, đồng lòng của bà con. Tuy vậy, bão lũ ngày càng khắc nghiệt hơn, nên trong mùa mưa lũ năm 2016 này xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Đội thanh niên xung kích cùng 9 tổ phòng chống lụt bão ở các thôn. Ngoài 3 xuồng máy dùng cho Đội Thanh niên xung kích, xã chuyển 2 xuồng bơi lớn cho các thôn để cứu hộ vùng ngập sâu từ thôn Tân Hòa đến thôn Tân Phú 1 và vùng thôn Phú Thọ đến thôn Phú Khương. Đồng thời, huy động thêm 12 ghe máy, ghe chèo ở các thôn để tham gia cứu hộ. Ở xã hiện cũng đã có khoảng 50% số hộ có nhà kiên cố, cộng với trường học, trụ sở UBND xã làm điểm chuyển dân khi lũ dâng cao. Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây MAI VĂN TƯỜNG |
Từ thôn Đồng Miếu, tôi ngược đường lên thôn Phú Khương tìm ông Phan Thuận, người được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khen tặng Huân chương Dũng cảm và có thư động viên sau cơn lũ lớn năm 2013. Nhà ông nằm trên dốc cao. Ông đang phơi lúa trước hiên nhà. Hỏi chuyện, ông bộc bạch: “Thấy lũ dâng cao trong đêm ai mà không ngần ngại, nhưng bà con kêu cứu dậy trời, mình bó gối nằm yên sao được”.
“Sống chung với lũ” là khái niệm truyền đời của nhiều thế hệ ở Hành Tín Tây. Nhưng né tránh, giảm thiểu được thiệt hại mới là điều đáng nói. Anh Nguyễn Minh Tâm - Chánh Văn phòng UBND huyện Nghĩa Hành, quê ở Hành Tín Tây và đã nhiều năm giữ chức chủ tịch UBND xã này, kể: Sau cái đận lũ trắng trời năm 1999, một số bà con trong xã may mắn thoát chết nhờ ôm cái can nhựa đựng dầu phụng, dầu hỏa thắp sáng. Nghe thông tin này tụi tôi suy nghĩ, bàn bạc rất nhiều”.
Thời đó, nhà ai cũng mái tranh, vách đất. Cơm thì bữa đói, bữa no nên chuyện mua phao cứu sinh phao cứu hộ là điều không tưởng. Nhưng mua can nhựa thay phao là chuyện có thể làm. Xã đã thống nhất trích kinh phí của địa phương mua can cấp cho Đội thanh niên xung kích của xã cùng Đội cứu hộ của 7/9 thôn nằm trong vùng ngập lũ.
Thế là từ đó, chiếc can nhựa có dòng chữ viết bằng sơn đỏ “Phòng chống lụt bão xã Hành Tín Tây” được cột dây dù mang trên lưng trở thành chiếc phao cứu hộ cho từng thành viên Ban phòng chống lụt bão và Đội thanh niên xung kích cứu hộ, cứu nạn của xã. Có chiếc can nhựa làm phao, không chỉ bà con yên lòng, mà các thành viên trong đội cứu hộ cũng vững tin khi đi làm nhiệm vụ trong lũ. Rồi chẳng ai bảo ai, thấy lợi ích của chiếc can nhựa, bà con tự sắm lấy mà dùng nên cái tên “Làng can nhựa” cũng bắt đầu từ đó. Cho đến bây giờ, mặc dù cuộc sống có khá hơn, trang bị đầy đủ hơn, nhưng vẫn có người sử dụng can nhựa làm phao như thế.
San sẻ yêu thương
Cái được là bão lũ đi qua, soi bãi Hành Tín Tây đầy ắp phù sa. Trồng bắp tốt tươi, trồng đậu hạt căng tròn. Người quê cần cù chịu khó, qua mỗi mùa thu hoạch lại âm thầm tích góp. Một năm, hai năm và nhiều năm sau nữa rồi những ngôi nhà kiên cố dần mọc lên.
Ông Phan Thuận - người được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Dũng cảm được một doanh nghiệp tặng ghe cứu hộ để dùng trong mùa lũ này. |
Với nhiều vùng quê khác, xây dựng nhà cửa là để cải thiện điều kiện ăn ở và góp phần thay đổi diện mạo của làng, nhưng ở vùng quê ngập lũ này xây nhà trước là để tránh lũ, nên nhà ai cũng có tầng để chống lũ và nền nhà được tôn cao. Nhà ông Hồ Sở, ở thôn Phú Khương- người cùng với ông Phan Thuận được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Dũng cảm năm 2013, nằm cách không xa đường trung tâm xã.
Bà Nguyễn Thị Đợi đang sắp xếp đồ đạc trong nhà. Nghe hỏi chồng, bà đưa tay chỉ chiếc thuyền nhôm trước nhà, nói: “Ông đi TP.Hồ Chí Minh khám mắt rồi. Trước khi đi, ổng nói: Tui vắng nhà chỉ một tuần, nhưng nhỡ có lũ thì chiếc thuyền nhôm đã sửa lại rồi để bà con chòm xóm có cái mà chèo chống. Hễ lũ dâng cao thì bà nhớ gọi hàng xóm cùng lên rầm mà tránh lũ. Lo cho mình và tính toán tránh lũ cho hàng xóm là cùng nhau san sẻ khó khăn.
Ông Mai Quang đưa tôi lên tầng chống lũ của ngôi nhà vừa mới xây có diện tích sàn 34m, cao 4,2m so với nền nhà. Ông tính toán: Nếu so với cơn lũ lớn nhất ở Hành Tín Tây năm 2013 thì sàn vẫn cao hơn 1,2m nên yên tâm tránh lũ. Ông Quang diện hộ cận nghèo, năm nay, Nhà nước hỗ trợ cho ông 19 triệu đồng để xây nhà tránh lũ. Ông nghĩ: Cả đời, khó khăn nay xây nhà thì cố gắng xây cho cứng cáp trước là để ở, sau là có chỗ cho mình và vài hộ lân cận chưa xây dựng nhà kiên cố thì lên đây né tạm khi lũ dâng cao. Với suy nghĩ này nên khi nhà hoàn thành, tính ra chi phí lên đến 109 triệu đồng.
Còn vợ chồng ông Võ Minh ở thôn Đồng Miếu, cũng mới vừa xây xong ngôi nhà tránh lũ. Đưa tôi lên thăm tầng nhà tránh lũ rộng 12m2 mà ông được Nhà nước hỗ trợ cho 19 triệu đồng cộng với tiền tích cóp vay mượn thêm 11 triệu đồng để xây dựng, ông nói: “Tui chỉ có hai vợ chồng. Con cái ra riêng, cuộc sống cũng nghèo nên chỉ có thể làm được như thế. Nhưng có cái nhà tránh lũ cao ráo này hy vọng mùa mưa bão năm nay sẽ không còn làm phiền anh em trong đội cứu hộ nữa”.
Lo cho mình cũng là lo cho mọi người. Cứu người trong lũ dữ, hay tính toán tránh lũ cho mình cùng bà con hàng xóm là sự san sẻ lúc khó khăn. Chút tình người, tình quê hương ấm áp này quả là cao hơn đỉnh lũ, giúp Hành Tín Tây vững vàng hơn khi bão tố, mưa lũ trắng trời.
Bài, ảnh: CẨM THƯ