Video: Cần chung tay bảo vệ loài voọc chà vá trước nguy cơ tuyệt chủng

09:09, 30/09/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Voọc chà vá là loài linh trưởng thuộc nhóm 1B, loài đặc hữu của Việt Nam nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, thời gian qua, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý các đối tượng săn bắt, vận động người dân giao nộp nhiều cá thể voọc cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương chăm sóc, bảo tồn.
[links()]
 
>> Xem Video:
 
 
Dù biết voọc chà vá là loài động vật quý hiếm, cần bảo tồn thế nhưng nhiều đối tượng vì hám lợi nên đã tìm mọi cách để săn bắn. Thời gian qua, lực lượng Công an, Kiểm lâm của tỉnh đã phát hiện và xử lý các đối tượng săn bắn trái phép loài linh trưởng quý hiếm này. 
 
Tháng 3 năm 2021, trong lúc đi tuần tra tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Ba Khâm và Ba Trang đoàn công tác liên ngành của huyện Ba Tơ phát hiện đối tượng Phạm Văn Phấy (27 tuổi), ở thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm vừa dùng súng săn bắn con voọc chà vá chân xám. Làm việc với cơ quan chức năng, Phạm Văn Phẩy khai nhận đã mua súng săn độ chế trên mạng và dùng súng này đi săn thú.
 
Để bảo tồn loài voọc chà vá, ngoài xử lý các đối tượng săn bắn, lực lượng chức năng cũng tiến hành tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo tồn. Nhiều người dân khi phát hiện loài động vật này đã chủ động trình báo, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng.
 
Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà cũng đã bàn giao con voọc chà vá chân xám cho Vườn Quốc gia Cúc Phương. Người giao nộp cá thể voọc chà vá chân xám này là ông Nguyễn Đình Tạo, cư trú ở thôn Gò Đồn, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà. Trước đó ngày 10/8, ông Tạo cùng nhóm bạn đi lên núi Cà Đam, huyện Trà Bồng thì thấy một người dân bắt được con voọc này. Thấy đẹp nên ông Tạo xin về nuôi. Qua tìm hiểu thấy đây thuộc loài nguy cấp quý hiếm nên ông Tạo đã tự nguyện giao nộp cho Hạt kiểm lâm Sơn Hà. 
 
Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, người dân và lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và giao nộp 5 cá thể voọc chà vá chân xám để lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cứu hộ, chăm sóc. 
 
Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng săn bắn voọc chà vá
Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng săn bắn voọc chà vá
Theo ông Bùi Đình Lĩnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà, nguyên nhân chính khiến loài voọc có nguy cơ tuyệt chủng là do nạn săn bắn. Các thợ săn thường hiểu rõ về khu rừng và hoạt động của loài voọc. Họ biết cả số lượng và phân bố của các đàn voọc trong rừng, thậm chí còn biết cả tập tính, chu kỳ kiếm ăn tại các khu vực và điểm ngủ của chúng. Vì thế, việc khoanh vùng các thợ săn và tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn suy giảm diện tích rừng hay diện tích sinh cảnh, nhất là nạn khai thác đá, xâm lấn để trồng trọt và chăn nuôi cũng khá quan trọng.
 
Ông Trần Quang Phương - Điều phối viên Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình cho biết, những năm qua, việc phá rừng, săn bắn đã thu hẹp dần “tiểu quốc” của loài voọc; đặc biệt, nạn săn bắn thú rừng ở các địa phương diễn ra khá phức tạp. 
 
Hiện nay lực lượng kiểm lâm rất chú trọng tới công tác bảo tồn đàn voọc, song do lực lượng mỏng, địa bàn phân bố của loài voọc lại quá rộng nên việc bảo vệ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng săn bắn loài thú quý hiếm này thường xuyên lén lút vào rừng nên tình trạng giết hại Voọc chà vá vẫn tiếp diễn.
 
Với số lượng cá thể voọc chà vá trong tự nhiên còn khá ít, trong khi môi trường sinh sống thu hẹp và bị giết hại, voọc chà vá đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt nếu không được bảo tồn và tương lai không xa, loài voọc này có thể sẽ bị xóa sổ.
 
Để bảo tồn loài voọc chà vá quý hiếm này, lực lượng chức năng và các địa phương miền núi có các cá thể voọc chà vá sinh sống cần tăng cường hơn nữa trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ động vật quý hiếm, hoang dã của người dân phải được nâng lên. Có như vậy thì loài linh trưởng voọc, cũng như các loài động vật hoang dã khác mới được bảo tồn, chăm sóc và phát triển trong tự nhiên.
Thực hiện: T.SỰ -  H.P