(Baoquangngai.vn)- Năm 2017, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế- xã hội (KT- XH) và đời sống người dân trong tỉnh nói chung và các huyện miền núi đã có nhiều khởi sắc. Điều đáng ghi nhận, bức tranh giảm nghèo ở miền núi đã có chiều sâu và bền vững hơn. Để rõ hơn về những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo ở miền núi, phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
PV: Thưa ông! Có thể nói, trong năm qua cùng với sự phát triển KT- XH của các huyện đồng bằng thì ở 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đột phá. Ông có thể đánh giá về tình hình KT- XH của 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh trong năm qua?
Ông Phạm Trường Thọ: Năm 2017, TƯ và tỉnh tiếp tục có sự quan tâm đến sự phát triển KT- XH của miền núi nói chung và 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng. Chính vì vậy, nguồn ngân sách của TƯ và tỉnh tiếp tục đầu tư cho các huyện để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và tổ chức công tác an sinh xã hội. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát triển KT- XH của miền núi.
Các huyện miền núi trong năm 2017 có sự quyết tâm cao hơn trong công tác phát triển KT- XH, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ sản xuất và giảm nghèo bền vững. Nhân dân các huyện miền núi trong tỉnh cũng đã có sự nỗ lực vươn lên cao hơn trong việc phát triển sản xuất và thoát nghèo.
Chính vì vậy, trong năm 2017, giá trị sản xuất về kinh tế của các huyện miền núi đều có sự tăng trưởng so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân, trong đó có hộ đồng bào dân tộc cũng tăng hơn so với năm 2016. Hộ nghèo ở miền núi giảm tương đối tốt.
Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm xuống còn 36,39%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xem xét đưa 2 thôn và 2 xã ở miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Điều đó chứng tỏ rằng, KT- XH ở miền núi trong năm 2017 tiếp tục có sự phát triển và tăng cao so với năm 2016 và những năm trước đây.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ trả lời phỏng vấn. |
PV: Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong năm 2018 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao thì các huyện miền núi cần tập trung những giải pháp như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Trường Thọ: Chúng ta đã thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhiều năm qua, đặc biệt là ở 6 huyện miền núi. Nguồn lực mà Nhà nước đầu tư cho vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết lao động, tạo đất đai và các vấn đề an sinh xã hội là khá lớn, kể cả nguồn ngân sách của Nhà nước cũng như phần đối ứng từ ngân sách của tỉnh.
Để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh chỉ đạo cho các huyện miền núi phải tổng kết, rà soát, đánh giá lại toàn bộ việc triển khai các chính sách của địa phương trong những năm trước đây. Qua đó, nội dung nào hiệu quả thấp và có những vấn đề khó khăn, trở ngại ví dụ như: Giao vốn chậm, chuyển cây trồng chậm so với thời vụ, đưa con vật nuôi về cho người dân không phù hợp với thời tiết…thì cần phải nhanh chóng sửa chữa, khắc phục để làm sao các nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho miền núi phải thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, phải vận động, giải thích cho bà con làm sao có sự chuyển biến rõ nét trong ý thức, trong cung cách tổ chức sản xuất cây trồng, vật nuôi, cũng như có quyết tâm trong vấn đề phát triển sản xuất để thoát nghèo. Với sự quyết tâm của người nghèo thì việc sử dụng các nguồn lực cũng như chủ trương thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của Chính phủ nói chung và của tỉnh nói riêng năm 2018 và những năm tiếp theo mới đạt được kết quả cao.
|
Bức tranh miền núi trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc |
PV: Thưa ông! Quảng Ngãi hiện có đề án khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và được biết trong năm 2018, chúng ta sẽ tiến hành triển khai thí điểm ở huyện miền núi Tây Trà và Sơn Tây. Vậy Quảng Ngãi đặt kỳ vọng gì về đề án này để thoát nghèo một cách bền vững?
Ông Phạm Trường Thọ: Chúng ta xây dựng nhiều chính sách, trong đó có chính sách khuyến khích người nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để thoát nghèo bền vững. Chính sách này trước đây dự tính làm cho 6 huyện miền núi. Tuy nhiên, để chính sách áp dụng vào thực tế cũng cần có thời gian chúng ta thử nghiệm, làm thử để sau đó chúng ta nhân rộng.
Chính sách này sẽ được áp dụng trong năm 2018, thí điểm ở 2 huyện miền núi Tây Trà và Sơn Tây. Hiện nay, tỉnh đang giao cho Sở LĐTB& XH là cơ quan đầu mối để thực hiện chính sách này. Theo đó, đầu tháng 1.2018, Sở LĐTB& XH sẽ tiến hành triển khai cho tất cả các thôn, các xã của 2 huyện Tây Trà và Sơn Tây để người dân, chính quyền thôn, xã, huyện và các cơ quan chuyên môn liên quan của huyện nắm bắt được chính sách này để triển khai thực hiện thí điểm đạt hiểu quả tốt trong năm 2018. Sau đó, chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá để nghiên cứu tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Qua đề án này, chúng ta thấy rằng, đối với người nghèo, điều kiện phát triển sản xuất của họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về đất đai và nguồn vốn. Cho nên chúng ta có chính sách khuyến khích để tạo điều kiện cho họ đầu tư vào sản xuất mạnh hơn. Từ đó, tạo ra phong trào và làm động lực cho vấn đề tổ chức phát triển sản xuất, làm sao tạo ra nhiều sản phẩm để tăng thu nhập cho người nghèo và cho hộ nghèo ở miền núi thoát nghèo bền vững.
Xin cảm ơn ông !
Ngọc Đức
(thực hiện)