Nhà thờ chí sĩ Lê Trung Đình ở Nghĩa Hành

10:01, 07/01/2023
.
Chí sĩ Lê Trung Đình (1857- 1885) hiệu là Long Cang, người làng Phú Nhơn, nay là thôn Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Ông là nhà yêu nước, kháng Pháp, thủ lĩnh Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước.
[links()]
 
Ngày 5/7/1885, sau vụ phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cầm đầu âm mưu đánh úp quân Pháp ở đồn Mang Cá (Huế) bất thành, kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị), hạ chiếu Cần Vương.
 
Ngôi nhà của ông Lê Trung Đô, ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) - nơi thờ tự chí sĩ Lê Trung Đình.                 Ảnh: PHƯƠNG THÁI
Ngôi nhà của ông Lê Trung Đô, ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) - nơi thờ tự chí sĩ Lê Trung Đình. Ảnh: PHƯƠNG THÁI
Ngày 13/7/1885 (mùng 2 tháng Sáu, năm Ất Dậu), Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh Quảng Ngãi kéo quân về tỉnh thành, đòi các quan lại đầu tỉnh cấp vũ khí, lương thực để chống Pháp, nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ hèn nhát từ chối. Ngay trong đêm ấy, 3.000 hương binh theo lệnh Chánh tướng Lê Trung Đình và Phó tướng Nguyễn Tự Tân được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh thành, bắt giữ bọn quan lại, tịch thu ấn triện, vũ khí, triển khai tổ chức phòng thủ và phát động phong trào Cần Vương trong cả tỉnh, sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược Pháp. Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 4 ngày, thì bị tên phản bội Nguyễn Thân (vốn là một thành viên Nghĩa hội, trở giáo), đưa lực lượng từ Sơn Phòng về, đánh lừa nghĩa quân mở cửa thành, rồi bất ngờ tấn công dữ dội. Nguyễn Tự Tân hy sinh giữa trận tiền, Lê Trung Đình bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Nguyễn Thân tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo Lê Trung Đình đầu hàng, nhưng không thể nào lay chuyển được ý chí khẳng khái, trung trinh của người thủ lĩnh yêu nước.
 
Ngày 23/7/1885 (tức ngày 12/6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình bị xử chém ở phía bắc thành Quảng Ngãi.
 
Qua các tài liệu lịch sử và các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người biết về thân thế, sự nghiệp chí sĩ Lê Trung Đình cũng như mộ và đền thờ ông ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Tuy nhiên, nhiều người không biết còn có nhà thờ ông và phần mộ của người vợ là bà Phan Thị Định, ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức (Nghĩa Hành).
 
Chuyện kể rằng: Ngay đêm nghĩa quân bị đánh úp, một nhóm nghĩa sĩ thân tín đã bí mật đưa bà Phan Thị Định (đang mang thai 3 tháng) ngược lên phía thượng nguồn sông Trà Khúc, rồi vượt sông, về quê mẹ của bà là làng Kỳ Thọ, huyện Chương Nghĩa (nay là thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức) để ẩn náu. 
 
Khi nhận tin Lê Trung Đình bị hành quyết, cha mẹ bà Phan Thị Định là vợ chồng bá hộ Phan Phú Hữu rất lo lắng, nên đã đưa con gái vào lánh ở ấp Phong Đăng, nay thuộc thôn Kỳ Thọ Nam 2, xã Hành Đức. Ở nơi lánh nạn, giọt máu duy nhất của chí sĩ Lê Trung Đình chào đời trong sự bảo bọc, chở che của gia đình và bà con lân lý. Người con ấy về sau lấy tên là Lê Trung Hòa (lúc nhỏ trong nhà và hàng xóm gọi là Hai Rền).
 
Khi Hai Rền lên ba thì bà Phan Thị Định tái giá, làm kế thất một người cháu dòng họ Trương ở Mỹ Khê là ông Trương Quang Địch - một võ quan Triều Thành Thái, từng làm Lãnh binh tỉnh Quảng Nam rồi Lãnh binh Bình Định. Đây là cuộc hôn nhân nhằm bảo đảm cho tính mạng của Hai Rền cũng như giảm nhẹ áp lực đối với gia đình bá hộ Phan Phú Hữu, vì ông Trương Quang Địch là người có thế lực và rất quý trọng bà vợ họ Phan. Lấy chồng, nhưng bà Phan Thị Định vẫn sống ở quê cha mẹ đẻ mà không theo về nhà chồng, năm 61 tuổi thì qua đời, phần mộ an vị tại Kỳ Thọ.
 
Về sau, khi ông nội là cử nhân Lê Trung Lượng được phục hồi phẩm hàm, Hai Rền mới công khai danh tính, rồi được triều đình cho vào hàng quan viên tử, nên dân làng gọi là “Viên Rền”. Viên Rền - Lê Trung Hòa lớn lên lập gia đình cùng bà Cao Thị Quyên, quê ở làng An Chỉ, nay thuộc xã Hành Phước (Nghĩa Hành). Ông bà sinh được 9 người con, trong đó có 3 người không may mất sớm, 6 người còn lại là: Lê Trung Kiệt (thứ 3), Lê Trung Ngươn (thứ 5), Lê Trung Nho (thứ 6), Lê Trung Hưng (thứ 7), Lê Thị Trang (thứ 9) và Lê Thị Phấn (thứ 10).
 
Việc chí sĩ Lê Trung Đình có 2 nơi thờ tự chính thức là có sự đồng tình của dòng họ, con cháu là có lý do chính đáng, mang dấu ấn lịch sử. Khi nhà chí sĩ vừa bị hãm hại, tung tích vợ con ông cần được giấu kín để tránh sự truy bức của kẻ thù, nên linh vị ông được thờ ở nhà thờ dòng họ tại phường Trương Quang Trọng tòng theo ông bà và thân phụ (cử nhân Lê Trung Lượng) là cần thiết. Đến khi ông Viên Rền (Lê Trung Hòa) trưởng thành, việc truy bức thân nhân các vị lãnh đạo Cần Vương đã được nhà đương cục bãi bỏ, ông Lê Trung Lượng cũng đã được phục hồi phẩm hàm, nên các con cháu ông lập đền thờ tại Hành Đức là hợp luân thường, đạo lý.
 
Hiện nay, nhà thờ chí sĩ Lê Trung Đình ở huyện Nghĩa Hành tọa lạc ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Hành Đức, do người cháu (gọi Lê Trung Đình bằng ông cố) là Lê Trung Đô phụng tự. Gian thờ trang trọng, nghiêm cẩn, luôn giữ khói hương. Nhà thờ tuy ngăn nắp, sạch sẽ nhưng quy mô kiến trúc cho thấy gia cảnh còn nhiều khó khăn của người cháu thừa tự. Nhà thờ này cũng chưa nằm trong danh mục di tích cấp tỉnh như nhà thờ và mộ chí sĩ Lê Trung Đình ở phường Trương Quang Trọng.
 
Để tỏ lòng tri ân chí sĩ Lê Trung Đình, thiết nghĩ cần phải bổ sung nhà thờ ở Kỳ Thọ Nam vào danh mục các điểm di tích trực tiếp liên quan đến nhà chí sĩ và Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước; đồng thời giới thiệu để mọi người biết đến và có dịp viếng thăm, thể hiện  lòng tri ân của hậu thế đối với một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi đã vì nước quên thân, vừa tỏ rõ sự trân trọng công lao và nghĩa tình chở che, đùm bọc của người thân, hàng xóm đối với người vợ và giọt máu lưu hậu của nhà chí sĩ.
 
LÊ HỒNG KHÁNH
 
 

.