(Báo Quảng Ngãi)- Tên núi, tên sông là những tên gọi hiếm khi thay đổi theo thời gian. Ấy vậy mà, ở phía tây TP.Quảng Ngãi có một ngọn núi mang tên núi Phước, được người dân đổi thành núi Trấn Công (hay còn gọi là núi Ông).
[links()]
Từ núi Phước đến núi Trấn Công
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, trước kia núi Trấn Công có tên là núi Phước (hay còn gọi là Phước Lãnh), nằm ở xã Thu Phố, nay là phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Nói về tên gọi cũ này, trong dân gian lưu truyền câu thơ: “Phước lãnh xuân lai hoa sắc sắc/ Lai đàm thu đáo thủy thanh thanh” (Tạm dịch là: “Núi Phước xuân về hoa lắm sắc/ Đầm lai thu đến nước trong veo”. Mãi đến sau này, khi Trấn Quận công Bùi Tá Hán (1496 - 1568) - một danh tướng đời Lê Trung hưng, được phong Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Trấn thủ thừa tuyên Quảng Nam (gồm vùng đất tương đương 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên sau này) mất và được người dân lập đền thờ tại phía đông núi Phước, thì ngọn núi này được người dân đặt tên là núi Trấn Công (hay còn gọi là núi Ông).
Núi Trấn Công, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) nằm bên bờ sông Trà Khúc. Ảnh: Ý THU |
Tri ân bậc tiền nhân
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng viết rằng: “Người xưa từng nói, từ khi có trời đất là có núi sông. Thành khuyết dẫu có khác, mà núi sông không đổi. Núi sông vẫn y nguyên, dầu thành trì, trạm đò, chùa tháp thì so với trước đã khác”. Ở Quảng Ngãi có nhiều ngọn núi, dẫu cũng có đền, miếu thờ các vị công thần, nhưng tên gọi của núi thì vẫn giữ nguyên như cũ. Nhưng với núi Trấn Công thì đặc biệt hơn cả, người dân đổi tên núi Phước thành núi Trấn Công để khắc ghi công lao của Trấn Quận công Bùi Tá Hán đến muôn đời.
Nói về tài đức của Trấn công họ Bùi, sử sách xưa đề cập khá nhiều. Trong sách “Phủ man tạp lục” của Nguyễn Tấn, được Nguyễn Tân An trích dịch có đoạn viết rằng: “Ông Bùi Tá Hán nguyên là người Bắc Kỳ. Năm vua Chánh Hòa triều Lê, Ông giữ chức Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Trấn quận công trấn thủ Quảng Nam... Xem mỗi khi người Man có điều cầu đảo lại khấn vái đến Ông, mới biết lúc sinh tiền Ông là người đầy uy đức vậy”. Trong sách Phủ tập Quảng Nam ký sự (sách viết bằng chữ Hán), sau này được giáo sư Trần Nghĩa dịch, có đoạn: “Trong lúc vỡ hoang lập ấp, ông Bùi nghĩ ngợi rất sâu, biết ngọn nguồn công việc. Từ xưa, việc cày cấy rất thô sơ, hoa lợi từ lâu không tăng, mà tô tức thuế xâu lại nặng nề.
Thêm vào đó, các tập tục hủ lậu bưng bít con người, nếu không nhân lúc khai hoang lập ấp mà cải cách, đổi mới, thì khác nào người ngủ say, ta mới chỉ dời giường ngủ của họ thôi. Vậy cương và nhu phải đắp đổi, khuyên và răn phải cùng dùng: Làm nhà theo kiểu tám cột, ba gian, lợp bốn tấm rui, vuông bốn góc. Các nhà liên kết thành xóm ấp, gần gũi cùng nhau, giúp đỡ cùng nhau; mỗi xóm đào một cái giếng, lấy nước trong sạch để ăn uống, nhà nào có sức người, sức của nên đào một cái giếng để dùng riêng; xã thôn nào có hộ khẩu tăng nhiều, số trẻ em phát triển, nên rước một ông đồ, lập nghĩa thục để dạy lễ nghĩa và văn học cho con em, cần trích một ít ruộng công cấp cho gia đình thầy đồ yên tâm dạy học...”.
Ngoài những ghi chép trên, còn có các thư tịch tiếng Pháp, các đạo sắc phong thần của các vua từ Cảnh Thịnh đến Duy Tân truy phong cho ông cùng các câu đối, thơ điếu, giai thoại dân gian lưu truyền về ông... Tất cả đều nhắc đến Bùi Tá Hán với sự khâm phục tài đức, nhất là việc chăm lo cho dân. Vậy nên, người xưa kính cẩn lấy tên Trấn Công để đặt lại tên cho núi Phước - nơi có đền thờ ông ngày đêm nghi ngút khói hương. Kể cả sau này, khi đền thờ Bùi Tá Hán được dời sang Rừng Lăng, thì tên núi Trấn Công vẫn được người đời giữ nguyên như vậy cho đến ngày nay.
Ý Thu