(Báo Quảng Ngãi)- “Những ngày nắng hạn hoặc gặp khi lũ lớn, người dân các vùng lân cận vẫn tìm đến giếng này để lấy nước về dùng, bởi giếng này không bao giờ cạn nước”, đó là lời của người dân tổ dân phố 2, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) khi nói về giếng cổ giữa lòng thị trấn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một ngày cuối tháng ba, chúng tôi có dịp về thăm thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) và nghe người dân ở đây nói về cái giếng cổ tồn tại giữa lòng thị trấn. Trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè, nhiều người dân đến múc nước từ giếng về dùng, bởi theo họ thì nước giếng ngọt, thanh hơn cả nước máy đã được bắc đến tận nhà.
Giếng cổ có tuổi đời hơn 100 năm nằm ngay giữa lòng thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). |
Ông Nguyễn Ngọc Anh (80 tuổi) là một trong những hộ dân sống gần giếng cổ, nên rất hiểu lợi ích của giếng đối với đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, nhiều người già, cán bộ hưu trí vẫn giữ thói quen uống trà, thích múc nước ở giếng để pha. Với họ, nguồn nước này pha trà mới giữ được độ ngon, đậm vị của trà.
“Ngày trước, tôi nghe cha ông kể rằng, giếng này được ba gia đình hùn nhau để đào. Đến bây giờ, chắc rằng nó có tuổi đời hơn 100 năm. Chừng hơn 15 năm trước, nó phục vụ nước cho cả làng Mỹ Thiện này. Cứ độ chiều về, nhà nào cũng dùng xô, can nhựa ra đây múc nước, gánh về dùng. Không chỉ người làng Mỹ Thiện mà cả những hộ dân lân cận ở Bình Trung, Bình Thới cũng qua đây gánh nước. Thật lạ kỳ, dù trải qua trăm năm mà mạch nước của giếng vẫn trong mát và không bao giờ cạn”, ông Anh kể.
“Con cháu sinh ra và lớn lên ở nơi đây đi làm ăn xa trở về, lâu lâu chúng vẫn ra giếng múc vài gầu nước rửa mặt. Chúng thích vậy dù cho trong nhà có đầy đủ hệ thống nước máy. Có những đoàn khách ghé thăm làng gốm Mỹ Thiện cũng đến đây xem, tham quan rồi hỏi han, trầm trồ về giếng cổ. Chúng tôi lấy đó làm vui, nên ai cũng muốn giữ lại nó”.
Ông
NGUYỄN NGỌC ANH
(80 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn)
|
Với người dân nơi đây, họ xem giếng cổ này như "báu vật", cũng là "mạch sống" của làng Phước Thiện xưa đến tận bây giờ. Thị trấn Châu Ổ ngày càng phát triển, các tuyến đường được mở rộng, nhân dân chung tay hiến đất làm đường... Đã bao lần chính quyền các cấp đề nghị lấp giếng để phục vụ việc chung, nhưng người dân họp lại và cùng nhau đồng tình hiến đất, mở đường. Nhờ đó, các tuyến đường được mở rộng đảm bảo yêu cầu, nhưng không ảnh hưởng gì đến giếng cổ. Người dân cũng đề nghị chính quyền cho phép giữ lại giếng để phục vụ đời sống, sinh hoạt, nhất là trong các đợt hạn hán thiếu nước.
Căn nhà anh Nguyễn Lê nằm trong một con hẻm nhỏ, ngay đầu hẻm đi vào là giếng cổ, tuy có khó khăn trong việc đi lại, nhưng vợ chồng anh Lê vẫn không hề phàn nàn. Anh Lê bảo: “Nếu không có giếng này, trước kia cha ông mình và dân làng ở đây gặp khó khăn biết chừng nào. Mình chịu “hẹm” một chút để dân làng có nguồn nước dùng mỗi khi mất điện, cúp nước, hay hạn hán thiếu nước. Ở đây, ai cũng quý giếng nước này”.
Theo lời kể của người dân tổ dân phố 2, thành giếng hình tròn, trước đây được xây bằng đá ong rất chắc chắn, giếng có độ sâu hơn 14m. Trải qua bao năm tháng, thành giếng đã bám đầy rêu phong và đôi lần hư hỏng; thấy vậy người dân hùn tiền lại mua vật liệu sửa chữa, xây thành, bê tông kiên cố và giữ gìn giếng nước mát lành cho đến ngày nay.
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT