Dẻo thơm bánh da lợn ông Hưng

08:04, 08/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Ngang qua những con đường tấp nập xe cộ nơi phố thị, người ta lại dễ dàng bắt gặp hình ảnh một ông lão da ngăm, tóc bạc, chở theo thùng bánh da lợn trên chiếc xe đạp cũ. Hơn 30 năm qua, hằng ngày ông vẫn đạp xe từ Nghĩa Hòa lên phố để bán bánh. Chẳng mấy người biết tên ông, nhưng những chiếc bánh da lợn ngọt thơm, căng bóng của ông Trần Quốc Hưng (sinh năm 1957) đã trở thành món “nghiện” và là tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em Quảng Ngãi.
Ngày mới có vợ, ông Hưng đi làm công nhân nhưng được mấy năm thì công ty giải thể. Sau một hồi mày mò tìm việc không được, ông Hưng cùng vợ học cách làm bánh da lợn, rồi theo nghề cho đến tận ngày nay.
 
Ngày làm việc của ông Hưng bắt đầu từ 7h sáng. Khoác chiếc áo sơ mi dài tay cũ sờn, đội lên đầu chiếc nón lá, mang theo thùng bánh da lợn đầy ắp, ông dắt xe ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc hành trình chinh phục khắp đường lớn, ngõ nhỏ. 
 
Không còi, không chuông, cũng chẳng có tiếng rao hàng nào, suốt mấy chục năm, chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kĩ chở bánh vẫn âm thầm, chậm rãi băng qua bao phố phường. Không lời mời chào, nhưng xe bánh da lợn của ông Hưng luôn được bao khách hàng kiếm tìm, chờ đợi.
 
Bóng dáng quen thuộc của ông lão da ngăm, tóc bạc, chở thùng bánh da lợn đi qua mọi đường lớn, ngõ nhỏ trong thành phố.
Bóng dáng quen thuộc của ông lão da ngăm, tóc bạc, chở thùng bánh da lợn đi qua mọi đường lớn, ngõ nhỏ trong thành phố.
 
Nguyên liệu chính của món bánh da lợn gồm bột, đường, lá dứa, cốt dừa và đậu xanh không vỏ. Mấy thứ này bà nhà tôi đều lấy từ người dân trong vùng. Làm bánh da lợn cũng không khó, chỉ có khâu hấp bánh là tốn nhiều thời gian vì phải đổ nhiều lớp. Mình canh lớp bánh này chín là mình đổ bột vào nấu lớp bánh tiếp theo, ông Hưng chia sẻ.
 
Bánh da lợn làm muốn nó ngon thì mình bỏ nhiều nước cốt dừa vào, bánh dẻo và thơm béo vị dừa. Bí quyết bao nhiêu năm qua của tôi chỉ có vậy. Nhưng có một cái quan trọng là mình phải đặt cái tâm vào bánh, bánh sạch và chất lượng, khách hàng tin tưởng thì mình cũng vui, ông Hưng nói thêm.
 
Bánh da lợn muốn ăn ngon phải ăn từng lớp. Để cảm nhận được rõ hương thơm dịu của lá dứa, vị béo béo của cốt dừa và sự ngọt bùi của đậu xanh qua từng lớp bánh.
Bánh da lợn muốn ăn ngon phải ăn từng lớp. Để cảm nhận được rõ hương thơm dịu của lá dứa, vị béo béo của cốt dừa và sự ngọt bùi của đậu xanh qua từng lớp bánh.
 
Bán hết bánh, ông Hưng lại đạp mười mấy cây số trở về nhà, thường là vào khoảng 12 giờ trưa. Sau khi nghỉ ngơi, lo chuyện vườn, chuyện nhà, vợ chồng ông Hưng lại bắt đầu chuẩn bị mẻ bánh cho ngày hôm sau vào lúc 7 giờ tối, đến khoảng 11 giờ đêm thì hoàn thành. Hôm nào có khách đặt thêm bánh thì công việc kết thúc muộn hơn.
 
Ông Hưng cho biết, mỗi ngày tôi nạo khoảng 8 – 10 trái dừa già để lấy nước cốt. Ngày nay máy móc hiện đại hơn rồi, mình đem đi họ làm chưa tới mươi phút, nhưng ở nhà nạo dừa, tự làm nước cốt sẽ ngon hơn nên tôi cũng bỏ thêm chút công để làm.
 
Tôi đi bán dạo mà nhiều người thích bánh tôi nên cũng xin số điện thoại. Có lúc khách gọi hỏi đang ở đâu để chạy đến mua, cũng có bữa gọi đặt trước tới 300.000 – 400.000 đồng tiền bánh, rủ cả cơ quan mua ăn chung thì mình làm thêm nhiều hơn. Bán vậy thì mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được 200.000 – 300.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống.
 
Cầm túi bánh da lợn trên tay, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (28 tuổi), phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi vui vẻ bày tỏ: Trên địa bàn thành phố cũng có nhiều người bán bánh da lợn, nhưng ngon nhất, đúng vị nhất chỉ có bánh da lợn của chú Hưng. Tôi ăn bánh của chú cũng hơn chục năm rồi, từ thời còn đi học đến tận bây giờ mình đã có con.
 
Thời gian trôi đi nhưng vị bánh ngày xưa vẫn vậy, thêm cái mình thấy được chất lượng trong bánh nên cũng thường mua về cho con ăn. Giờ con gái mình cũng theo chân mẹ nó làm “khách ruột” ông luôn rồi, đi trên đường mà thấy dáng ông đạp xe là đòi mẹ mua cho được.
 
Với vị thơm béo của bánh cùng giá cả hợp lí, bánh da lợn
Với vị thơm béo của bánh cùng giá cả hợp lí, bánh da lợn "made by" ông Hưng được khách hàng săn đón suốt mấy chục năm qua. Chỉ với 10.000 – 20.000 đồng, là đủ để giải quyết cơn thèm.
 
Các con ông Hưng giờ đã lớn, mỗi người có định hướng công việc riêng và chẳng ai theo nghề làm bánh. Nên với ông Hưng, ông chỉ mong rằng sức khỏe mình được tốt để có thể đồng hành cùng chiếc xe đạp chở bánh trên khắp nẻo đường. Để những lớp trẻ lâu lâu thèm bánh da lợn của ông lại có thể được thưởng thức. Và để có thêm nhiều đứa trẻ được gắn liền tuổi thơ với món bánh da lợn “huyền thoại” của ông Hưng.
 
Thanh Nhàn

.