(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, di tích lịch sử Địa điểm về khởi nghĩa Ba Tơ được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt là cơ hội mới để địa phương phát triển du lịch.
Trong những năm qua, công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Tơ đã được quan tâm triển khai, trong đó tập trung chủ yếu cho công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng bước đầu và xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam, cho biết: Nói đến du lịch sinh thái ở Ba Tơ không thể không kể đến hồ Tôn Dung. Đến đây, du khách được thưởng thức những món ăn được chế biến theo ẩm thực miền núi của đồng bào Hrê, như: Cá niêng nướng, ốc đá nấu rau ranh, heo ky, các loại rau rừng, gà re... cùng với hương vị rượu cần truyền thống.
Phụ nữ Làng Teng, xã Ba Thành khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm bền, đẹp. |
Năm 2015, UBND huyện Ba Tơ đã cấp phép cho một doanh nghiệp xây dựng khu nhà phục vụ khách du lịch. Cùng với đó là khuyến khích tư nhân xây dựng cơ sở lưu trú, nâng tổng số nhà nghỉ trên địa bàn huyện lên 8 cơ sở. Nhờ đó, lượng khách đến với Ba Tơ ngày càng nhiều, trong đó có khoảng 1.500 khách lưu trú. Trong năm 2017, có trên 20.000 lượt khách (150 lượt khách quốc tế) đến tham quan Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện.
“Di tích lịch sử Địa điểm về khởi nghĩa Ba Tơ được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là tin vui của nhân dân Ba Tơ nói riêng, Quảng Ngãi nói chung, mà còn là cơ hội lớn để phát triển du lịch. Hiện tại, Sở VH-TT&DL đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng như: Xây dựng tour du lịch, duy trì các đội dệt thổ cẩm, múa cồng chiêng và hát ta lêu, ka choi; xây dựng một số nhãn hiệu rượu cần Ba Tơ, rượu sim Bùi Hui, mật ong rừng Ba Tơ, tiêu Ba Lế... để du khách về Ba Tơ không chỉ hiểu giá trị lịch sử mà còn hiểu thêm về tập quán, sinh hoạt, nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Hrê”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA |
Cùng với việc đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử, văn hóa, huyện Ba Tơ còn tiến hành quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vào các điểm du lịch; các phương tiện đi lại từ TP.Quảng Ngãi đi Ba Tơ và ngược lại đã được các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp. Năm 2016, Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng cũng đã triển khai thực hiện, với tổng kinh phí trên 10,5 tỷ đồng. Các giá trị văn hóa phi vật thể như hát talêu, kachoi, cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới...; văn hóa vật thể có nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm từ nghề đan, lát... cũng được gìn giữ và phát huy để phục vụ du khách.
Đến với Ba Tơ, du khách có thể tham quan di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ để hiểu hơn những giá trị lịch sử và văn hóa của đất và người Ba Tơ. Đó là di tích nhà đồng chí Trần Quý Hai, Nha Kiểm lý, vực sông Liên, bãi Hang Én, lò gạch Nước Năng, chòi canh suối Loa, bến Buông, núi Cao Muôn... Ngoài các di tích của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, trên địa bàn huyện còn có Trường Lũy, một số địa điểm trong hành trình theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm; các điểm du lịch sinh thái như hồ chứa nước núi Ngang, hồ Tôn Dung, thác Lũng Ồ, thác Lệ Trinh, thác Tà Manh, thác Cao Muôn... Đến đây, du khách được ngắm cảnh đẹp với gió núi, mây ngàn, ngắm dòng sông Liên hiền hòa trong xanh trong những ngày tháng Ba lịch sử.
Cần đầu tư đồng bộ
Dù du lịch Ba Tơ có phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Nguyên nhân, do việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dịch vụ du lịch còn đơn sơ, chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí được đầu tư quy mô. Việc đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa còn nhiều hạn chế, do thiếu kinh phí.
Về giải pháp phát triển du lịch Ba Tơ trong thời gian đến, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, cho biết: Huyện tiếp tục đầu tư tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt; quy hoạch các điểm du lịch, gồm: Hồ Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ) và thác Lũng Ồ (xã Ba Thành), nhằm phát huy tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương. Chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông và cơ sở hạ tầng du lịch ở các điểm di tích và thắng cảnh, như: Hang Vọot Rệp, núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), thác Lệ Trinh (xã Ba Chùa), thác Tà Manh (xã Ba Vì)... Khuyến khích tư nhân xây dựng dịch vụ lưu trú và kinh doanh ăn uống, đáp ứng lưu trú bình quân từ 1-1,5 ngày. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực dịch vụ từ 10-11%. Huyện phấn đấu đến năm 2020 thu hút hơn 250 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan.
Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT