(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) đã đi vào lịch sử dân tộc như một trang sử vàng về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường. 71 năm trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Tơ đã phát huy truyền thống của quê hương, nỗ lực sản xuất nên bây giờ nhiều làng quê trên địa bàn huyện đàn ngày một khởi sắc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhịp đời sống mới ở vùng căn cứ
Tháng Ba. Con đường về xã Ba Vinh hoa gạo nở đỏ rực. Núi Cao Muôn, nơi 71 năm trước Đội du kích Ba Tơ chọn lập căn cứ vẫn một màu xanh thẳm. Còn dòng suối Hang Én- một địa danh gắn liền với đội du kích oai hùng nước trong ngần. Những xóm làng của đồng bào dân tộc Hrê ngày càng tươi tắn nằm thấp thoáng bên sườn đồi rợp bóng cây xanh. Anh Cao Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, cho hay: Đồng bào ở vùng quê cách mạng này lúc nào cũng tự hào về quá khứ, vì thế họ càng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, nơi lưu giữ nhiều hiện vật của cuộc khởi nghĩa 11.3.1945 là điểm đến của rất nhiều du khách. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Ba Vinh hiện có 2.694ha rừng sản xuất, trong đó có 328ha trồng cây mây rừng và diện tích còn lại trồng cây keo. Cũng nhờ phát triển rừng nguyên liệu nên cuộc sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Cùng với việc trồng rừng, bà con đẩy mạnh chăn nuôi. Toàn xã hiện có đàn trâu 2.700 con, đàn bò 130 con.
Bên cạnh đó, những năm gần đây thông qua Chương trình 30a nhiều công trình ở xã được xây dựng. Chỉ tính trong năm 2015, Nhà nước đầu tư 288 triệu đồng để duy tu sửa chữa kênh Nẻ Hà và đầu tư 792 triệu đồng kiên cố hóa kênh Long Y Bách. Nhờ những công trình mới xây cộng với các công trình đã xây dựng trước nên 392ha ruộng lúa được tưới bằng công trình thủy lợi kiên cố. Như gia đình anh Phạm Văn Út, ở xóm Cây Da, dưới chân núi Cao Muôn luôn tự hào lớn lên trên vùng quê cách mạng nên anh luôn ý thức phải ra sức làm ăn, không thể để cuộc sống khổ nghèo. Anh đã trồng 20ha keo và nuôi thêm một bầy trâu. Con trâu bây giờ cũng là hàng hóa. Còn trồng keo thu hoạch xen kẽ các năm, nên luôn có tiền để mua sắm trong gia đình và nuôi con ăn học.
Cuộc sống khá dần lên, Ba Vinh xa xôi của ngày xưa giờ cũng là vùng đất lành. Tại khu vực trung tâm xã, giờ cũng đã có nhiều hàng quán của nhiều người "ngụ cư", từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con.
Thung lũng khởi sắc
Thôn Gò Rét - Ma Nghít (xã Ba Cung) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi và cô lập bởi sông Ren. Nơi đây, những năm trước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là vùng quê hẻo lánh. Đồng bào Hrê sống như tách biệt với bên ngoài. Bây giờ, đất và người nơi đây đã đổi thay khá nhiều. Con đường vào làng đã được bê tông mở rộng. Những ngôi nhà xây dựng kiên cố theo lối hiện đại mọc lên khắp làng.
Nhờ trồng cây keo nguyên liệu và chăn nuôi, nhiều xóm làng ở Ba Tơ đã khởi sắc. |
Gặp vợ chồng anh Phạm Văn Sáng đang đi chợ về, anh Sáng xởi lởi chia sẻ: “Bà con ở đây ai cũng làm nhà đẹp hơn. Vợ chồng mình đầu năm nay nhờ bán được mấy rẫy keo, dành dụm được vài trăm triệu, giờ cố gắng làm cái nhà ở cho đàng hoàng”. Theo chị Phạm Thị Thân, vợ anh Sáng, thì nhà anh chị đang xây vách, đổ trụ, khoảng hơn tháng nữa là ngôi nhà hoàn thành.
Ở thôn Gò Rét – Ma Nghít có khoảng 130 hộ đồng bào Hrê sinh sống. Mỗi hộ có ít nhất từ 3-4ha rừng, có hộ sở hữu đến chục ha. Nhà nhà đều xem rừng keo là chén cơm, cuộc sống của gia đình. Ông Phạm Văn Nó – Chủ tịch UBMTTQ VN xã Ba Cung, cho biết: Đồi núi bây giờ đã phủ kín màu xanh của cây keo nguyên liệu. Cũng nhờ loại cây này mà trong 10 năm qua, cuộc sống bà con đã thay đổi hẳn”.
Chúng tôi đi sâu vào làng Gò Rét – Ma Nghít trong mùa lên rẫy, thấy xóm làng yên bình. Đây đó, tiếng máy hát thu thanh phát ra từ các ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Ông Phạm Văn Trôi mời vào nhà. Ngôi nhà sạch sẽ, mát rượi, bố trí vật dụng ngăn nắp nằm bên đồi chẳng khác gì những ngôi nhà người Kinh ở thị trấn, trung tâm xã. Tủ lạnh, ti vi, đầu máy hát, xe máy... đều có cả. “Tất cả cũng từ cây keo mà ra...”, ông Trôi cười mãn nguyện.
Nói rồi ông Trôi, bảo: Ở đây đời sống bà con phát triển nhưng không ai quên cái nghĩa, cái tình. Mỗi khi làm nhà, bà con đều giúp nhau ngày công làm nền, ban đất, vác cây. Nét đẹp văn hóa cũng được giữ gìn. Ông Phạm Văn Nó – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ba Cung cho biết thêm: “Sở dĩ bà con làm nhà xây kiên cố toàn bộ là do rừng không còn cây gỗ lớn, nên không thể làm nhà sàn. Nhiều gia đình như hộ ông Trôi, ông Bin, ông Ná, bà Ía, ông Vép... nhớ kiểu nhà sàn năm xưa chỉ xây dựng bên ngôi nhà kiên cố một không gian nhỏ kiểu nhà sàn”.
Không chỉ thôn Gò Rét – Ma Nghít xã Ba Cung hay vùng căn cứ địa xã Ba Vinh mà 71 năm trôi qua, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, nhiều vùng quê trên địa bàn huyện Ba Tơ đã khởi sắc từng ngày. Sự đổi thay ấy có nguồn cội từ niềm tự hào của người dân nơi đây về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ hào hùng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN