(Baoquangngai.vn)- Cuộc sống ngày nay hòa theo sự phát triển hiện đại, nhiều món ăn lạ xuất hiện, thế nhưng, bánh đúc- món ăn hương đồng gió nội, tận cùng của sự mộc mạc vẫn được ưa chuộng.
Bánh đúc, món ăn bình dân, mộc mạc hơn tất cả các món ăn nào đã trở thành kí ức thời ấu thơ không thể nào quên với những người sinh ra nơi ruộng đồng.
Còn nhớ cuộc sống nông thôn ngày xưa thiếu thốn trăm bề, khi mà hạt gạo làm ra không đủ ăn, nhà nhà phải chắc chiu từng hạt để đủ ăn ba bữa thì món bánh đúc trở thành “đặc sản”, không phải lúc nào cũng được ăn cho thỏa nỗi thòm thèm.
Chỉ những mùa bội thu, vài ba gia đình mới rủ nhau “đậu gạo” khuấy bánh đúc. Các mẹ đem ngâm gạo từ năm đến bảy giờ đồng hồ, vo thật sạch rồi hì hục cả đêm xay bột khuấy bánh.
|
Bánh đúc, món ăn tận cùng của mộc mạc. |
Kỹ thuật khuấy là điều quyết định cho mẻ bánh đúc ngon. Người khuấy phải là người mạnh tay, khấy liên tục, lơ là một chút là bột sẽ bị cháy khét. Khuấy bánh đúc không thể thiếu vôi tôi, vì có vôi bánh sẽ dai, giòn giòn, nhưng lượng vôi bao nhiêu tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm, nếu thừa vôi bánh sẽ hôi nồng mà thiếu thì nhão.
Nồi bột quấy xong để nguội, dùng miếng tre già vót cắt ra thành từng miếng đặt lên miếng là chuối cắt sẵn. Khi bánh cứng lại, có màu trắng đục, mọi người thích thú quây quần bên sàng bánh đúc thưởng thức.
Làm bánh đúc đã giản đơn thì nhân bánh đúc càng thô mộc. Với chén mắm cái gia vị ớt, tỏi, đường, bột ngọt rắc thêm ít đậu phộng rang vàng giã nhuyễn. Bánh đúc dai dai, giòn giòn, thi thoảng mùi lá chuối và vôi tôi, tất cả quyện hòa hương vị đồng quê trong miếng bánh dân dã này.
Cuộc sống ngày nay hòa theo sự phát triển hiện đại, nhiều món ăn và thức lạ xuất hiện, thế nhưng, bánh đúc- món ăn hương đồng gió nội, tận cùng của sự mộc mạc vẫn được ưa chuộng.
|
Nhân bánh chỉ là mắm cái, gia vị ớt tỏi, đường, bột ngọt và đậu phộng |
Tại các chợ quê, không thể thiếu các hàng bánh đúc, tấp nập khách ra vào. Dù vật giá leo thang lâu lắm rồi, nhưng bánh đúc vẫn ở giá 1.000 đồng/bánh. Chỉ cần bỏ ra vài ba nghìn đồng bạc lẻ, mọi người có thể ăn no mà ngon với món này.
"Có nhiều người đến đây từ trai trẻ, mấy chục năm đi Nam đi Bắc, có dịp về quê vẫn quay lại đây”- chị Thêm, một người bán bánh đúc ở chợ Gò, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ.
Một buổi chiều, chị Thêm bán cả 400- 500 bánh, những ngày trước, trong và sau Tết lên đến cả 1.000 bánh. Riêng về cách làm bánh đúc, chị Thêm khiêm tốn: “Đơn giản như nhiều người biết đấy thôi. Riêng nhân bánh cũng có lần thay bằng thịt, tôm, tép, nhưng vẫn không bằng bánh đúc nhà quê với mắm cái và đậu phộng rang”.
“Bánh ở đây dẻo, thơm ngon nhất, mỗi khi có dịp về quê, mình không bỏ qua cơ hội thưởng thức. Ở Sài Gòn chiều chiều đói đói lại thèm nhớ bánh đúc quê nhà, hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ”- chị Phương, một người con của quê hương thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An hiện đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh bộc bạch.
Bài, ảnh: Ái Kiều