Nhân vật Quảng Ngãi:
Bốn tráng sĩ Đá Vách

08:04, 07/04/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Bốn tráng sĩ có tên là Đinh Tăm, Đinh Mẫn, Đinh Mút, Đinh Rin, cùng là người dân tộc H're, quê ở châu Minh Long, vùng núi Đá Vách (Thạch Bích), nên còn được gọi là "Bốn tráng sĩ Đá Vách".

TIN LIÊN QUAN

Đinh Tăm, Đinh Mẫn là anh em ruột, giỏi bắn nỏ, phóng lao. Đinh Mút, Đinh Rin nổi tiếng dũng cảm, can trường. Họ là những người lãnh đạo đồng bào H're dựa vào thế núi rừng, dùng chiến thuật du kích chống lại quân Pháp suốt hơn 10 năm đầu thế kỷ XX.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đã "bình định" được vùng đồng bằng - trung du, dựa vào bọn tay sai, quân Pháp lấn dần lên miền thượng hòng triệt phá các căn cứ kháng chiến còn lại của nghĩa binh, đồng thời tính kế vơ vét tài nguyên giàu có của rừng núi miền Tây. Đồng bào các dân tộc ít người vốn đã chịu nhiều cơ cực vì đám nha, tổng phong kiến, lại phải gánh thêm xâu, thuế khắc nghiệt do thực dân Pháp quàng vào.

 

 Rừng núi Minh Long hiểm trở, quê hương của 4 Dũng sĩ Đá Vách.
Rừng núi Minh Long hiểm trở, quê hương của 4 dũng sĩ Đá Vách.

Lợi dụng tín ngưỡng và sự ngộ nhận của đồng bào, quân Pháp phao tin bọn chúng là "con nhà trời", có "ông thần sắt" (là những khẩu súng trường) trong tay, cung tên giáo mác không thể nào làm lại. Không tin vào những lời huênh hoang nhảm nhí, anh em Đinh Tăm, Đinh Mẫn nhân lúc lính Pháp chặn bắt đồng bào đi phu, đã phục bắn chết một số tên, làm tiêu tan tin đồn của địch.
 
Bốn tráng sĩ Đá Vách chiêu mộ trai tráng, thành lập một đội nghĩa binh khoảng 60 người, chia nhau xây xựng 3 căn cứ ở vùng Minh Long: Căn cứ Hố Tương (Đinh Tăm chỉ huy), căn cứ Đầu Voi (Đinh Mút chỉ huy), và căn cứ Hòn Chài (Đinh Rin chỉ huy). Ngày đêm nghĩa quân ở các căn cứ vừa luyện tập chiến đấu, vừa sản xuất tự túc, cùng nhân dân làm mang cung, vót chông, đặt bẫy đá, bố phòng cẩn mật.

Đầu năm 1902, quân Pháp tổ chức cuộc càn quét với hàng trăm tên lính, do tên tay sai Chánh Tranh dẫn đường. Đội nghĩa binh do Đinh Tăm, Đinh Mẫn tổ chức phục kích, dùng cung nỏ, bẫy đá giết chết 16 tên, làm bị thương nhiều tên khác, khiến bọn địch hoảng sợ rút chạy. Kẻ thù lại giở trò đốt phá, cướp bóc nhiều làng ở vùng thấp, bao vây cô lập vùng cao, đưa tay sai lên dọa dẫm, dụ dỗ.
 
Không khuất phục kẻ thù, đồng bào cùng bốn tráng sĩ Đá Vách uống máu ăn thề, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Đội quân của Đinh Tăm, Đinh Mẫn lên đến 200 nghĩa binh, trong khi đó Đinh Rin đưa một toán nghĩa binh khác rút vào vùng sâu, tuyển mộ thêm người, lập căn cứ dự bị.

Mùa Xuân 1906, quân Pháp lại kéo lên căn cứ Đầu Voi, bắt đồng bào đi trước làm bia đỡ đạn. Các chỉ huy nghĩa binh mưu trí, chia quân thành nhiều nhóm nhỏ, phục kích đánh bất ngờ, diệt nhiều tên địch, thu nhiều súng đạn, bảo vệ được đồng bào. Cuộc hành quân của Pháp thất bại, nhưng Đinh Mẫn cùng hai nghĩa quân cũng đã hy sinh trong những trận đối đầu với giặc.

Năm 1907, Pháp lập đồn Ô Gió với 60 tên lính, do 1 sĩ quan Pháp chỉ huy, tên tay sai Chánh Tranh làm phụ tá. Sau nhiều lần dùng chiến thuật bao vây bắn tỉa khiến quân giặc không dám ra khỏi đồn, một đêm cuối năm 1908, Đinh Tăm, Đinh Mút, Đinh Rin tấn công, bao vây tiêu diệt đồn giặc. Tên sĩ quan Pháp chỉ huy, Chánh Tranh và nhiều tên địch bị giết chết tại trận. Nghĩa quân thu nhiều vũ khí, lương thực, quân nhu.
 
 
Núi Thạch Bích, nơi 4 dũng sĩ Đá Vách xây dựng căn cứ địa chống Pháp.
Núi Thạch Bích, nơi 4 dũng sĩ Đá Vách xây dựng căn cứ địa chống Pháp.

Sau trận đánh đồn Ô Gió, nghĩa quân chuyển lên Hố Kết (nay thuộc địa phận xã Long Sơn) xây dựng căn cứ. Suốt mấy năm liền, quân địch không dám đánh phá căn cứ, đồng bào quanh vùng được yên ổn làm ăn. Một thời gian sau, Đinh Tăm, Đinh Mút bị bệnh qua đời, còn lại một mình Đinh Rin chỉ huy nghĩa quân đánh giặc.

Năm 1912, Pháp kéo quân bao vây, tấn công Hố Kết. Nghĩa quân cầm cự dũng cảm suốt 7 ngày đêm. Đinh Rin dẫn đầu đội quân cảm tử đánh vào sở chỉ huy địch, định phá vòng vây, nhưng người thủ lĩnh anh hùng bị trúng đạn, anh dũng hy sinh.

Cuộc nổi dậy kháng Pháp, bảo vệ quê hương của đồng bào H're vùng Minh Long do 4 tráng sĩ Đá Vách chỉ huy kéo dài 12 năm, thể hiện ý chí ngoan cường, bất khuất chống xâm lăng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Ngãi.

                                                                          Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Văn Danh

 

 


CÁC TIN KHÁC
.