Bài 2: “Vũ khí không thắng nổi trái tim con người”
|
“Đã làm cách mạng sá chi tù đày”
Trong đêm tối tĩnh mịch, ngồi ở quán nước nhỏ cạnh Phòng trưng bày di tích lịch sử Côn Đảo (trước đây là nhà chúa đảo), ông Phan Hoàng Hoanh (gần 80 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) buồn rười rượi khi nhớ lại những tháng ngày bị giam cầm ở ngay chính mảnh đất này. Câu chuyện kể của người tù chính trị năm nào khiến lớp trẻ chúng tôi chẳng thể cầm lòng. Ông bị địch bắt khi tham gia cách mạng tại địa phương và chúng đày ông ra Côn Đảo năm 1970. Lúc ấy chỉ mới tuổi đôi mươi, nhưng trong ông lý tưởng cách mạng luôn dạt dào.
Cái cảnh địch đứng dọc hai bên cầu tàu, đánh tới tấp vào người tù chẳng hề khiến ông nao núng. Địch dã man ngay khi người tù vừa đến Côn Đảo cốt để uy hiếp tinh thần, buộc “ly khai” Đảng. “Chúng nó vừa đánh vừa bảo: Tụi bây sinh đất liền, tử đất đảo”, ông Hoanh nhớ lại. Nhưng có vũ khí nào chiến thắng nổi trái tim con người. Ông Phan Hoàng Hoanh cùng với nhiều đồng chí quyết đấu tranh đến cùng, không chào cờ ba que, không hoan hô chính phủ cộng hòa… Đối với ông, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ngời sáng trong tâm khảm, để rồi khơi dậy sức mạnh giúp ông chống chọi với những đòn tra tấn man rợ. Ông Hoanh bảo: “Không thể khuất phục. Đã làm cách mạng thì sá chi tù đày. Phải đi cùng anh em, phải quyết chiến đấu đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn”.
Địch liệt ông Phan Hoàng Hoanh vào thành phần “cứng đầu” nên giam ông ở chuồng cọp Mỹ. Chúng cố tình tạo âm thanh chát chúa từ cánh cửa phòng giam để tra tấn người tù. Ông Hoanh bị ám ảnh bởi thứ âm thanh đáng sợ này. Giờ mỗi khi ra đường, nghe tiếng còi xe, ông luôn giật mình và đứng lại. Vết thương trên thịt da bởi những đòn tra tấn dã man của địch vẫn còn đó trên cơ thể ông. Cũng bởi suy nghĩ mình còn trẻ, phải xứng đáng với bản lĩnh thanh niên Việt Nam và nghĩa tình keo sơn giữa những người cùng lý tưởng, ông Hoanh luôn giành để bị đánh thay cho bạn tù. Ông Hoanh kể rằng, ở trong tù có cái nhường và có cái giành. Nhường nhau từng giọt nước uống và giành đứng ngoài cửa trong mỗi lần địch xông vào phòng giam.
Trông mong biết nhường nào cái ngày thoát khỏi Côn Đảo. Thế mà sau giải phóng, ông Hoanh lại là người tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo. Ông Hoanh kể cho chúng tôi nghe chuyện vui của gia đình, nhưng sao cứ thấy phảng phất nỗi buồn bởi chiến tranh. Vào thời điểm ông bị bắt giam, vợ ở quê mang thai đứa con đầu lòng. Kể từ ấy, ông biệt tăm tin tức người thân. Ngày trở về, ai nấy cũng đều mừng mừng tủi tủi. Vợ ông vẫn một lòng chờ đợi. Đứa con gái đầu lòng đã 6 tuổi nhưng chẳng chịu nhận ba. Hỏi con ai, bé gái nhanh nhảu đáp: “Con ba Bảy Hoanh”. Thế mà khi gặp ba Hoanh nó chẳng chịu nhận ba. “Mẹ nó bảo mang quần áo ra đưa cho ba. Nó móc quần áo vào cần câu cá, đứng từ xa bảo: Nè ông… Thử hỏi có buồn cười không chứ”, ông Hoanh cười nói.
Với ông Phan Hoàng Hoanh, nhắc đến Côn Đảo là nhắc đến nỗi đau, nhưng cũng là duyên, là nợ. Sau quãng thời gian làm Quyền Bí thư Đoàn thanh niên, Giám đốc nông trường, trưởng phòng văn hóa-thông tin, chánh văn phòng huyện ủy, trưởng ban quản lý di tích Côn Đảo, giờ thì hàng ngày ông Phan Hoàng Hoanh vui vầy cùng cháu con và thường xuyên ra viếng Nghĩa trang Hàng Dương để nguôi nỗi nhớ những đồng chí một thời ở chốn lao tù.
Nữ biệt động thành gan dạ
Người ta thường nói có 9 tầng địa ngục. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Ny (81 tuổi, nguyên là nữ biệt động thành, quê tỉnh Tiền Giang) thì bảo rằng có tầng địa ngục thứ 10, đó chính là Côn Đảo. Bà Ny bị địch bắt giam ở phòng 6, trại 2 (tức Trung tâm Cải huấn Phú Hải), nơi được ví là phòng tử hình.
Địch dùng điện tra tấn, buộc bà Ny khai ra đồng đội. “Tui là dân thường, là thợ may thì biết ai đâu mà khai”. Một mực kiên trung với Đảng, bị tra tấn đến mấy bà Ny cũng chẳng sờn. Mỗi lần tra tấn, địch luôn miệng bảo: “Con này dữ lắm”. “Không dữ, không đấu tranh tới cùng thì làm sao cách mạng thành công. Nếu có chết thì cũng chọn cái chết vinh quang như anh Nguyễn Văn Trỗi”, bà Ny tự nói với lòng mình.
“Tao đánh cho mày tiệt giống”, câu nói ấy của bọn “mặt người dạ thú” đã theo bà Ny trong suốt cả cuộc đời. Chúng tra tấn dã man vào vùng kín khiến bà mất khả năng sinh con. Sau những lần bị đánh đập, tra tấn, bà Ny đau đớn chẳng thể nhúc nhích. Hết giam bà ở trại 2, chúng lại đày sang trại 4 (tức trại Phú Tường). Nơi đây, đồng chí Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng từng bị giam cầm. Đau đớn nào hơn khi chứng kiến các chị ở cùng trại giam lần lượt ra Nghĩa trang Hàng Dương. Bà Ny kể, nhiều đợt nó đánh cứ tưởng mình sẽ chết, nhưng may sao còn sống. “Răng nè, cả móng tay nữa đều bị dựt lên. Bị đánh giờ chẳng còn răng, ăn chỉ toàn nuốt trộng. Chúng càng dã man, chị em chúng tôi càng quyết chiến đấu đến cùng”, bà Ny tâm sự.
Đã là người tù giam ở Côn Đảo thì chịu đớn đau chẳng nơi nào bằng. Thế nhưng đối với người tù là nữ thì sự man rợ của kẻ thù càng thêm ghê tởm. Nắm bắt sinh lý nữ, chúng không cho tắm giặt. Có chị đã đấu tranh bằng hình thức mổ bụng.
Bà Nguyễn Thị Ny bị địch bắt năm 1971, năm 1972 đày đi Côn Đảo. Tháng 1.1973 bà có trong danh sách được trao trả sau Hiệp định Pa-ri thế nhưng mãi đến tháng 3.1974 chúng mới trả về đất liền. Sau ngày giải phóng, bà Ny công tác ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ở đất liền nhưng lòng bà luôn hướng về Côn Đảo. Bà Ny cùng chồng quyết định ra sống ở Côn Đảo. Quá khứ đã lùi xa, nhưng trong bà cứ mãi nhớ nhung. Nhiều đêm không ngủ được, bà lại đạp xe ra Nghĩa trang Hàng Dương, ngồi bên nấm mộ của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Người nữ biệt động thành gan dạ trước quân thù là thế, nhưng tình đồng chí, đồng đội nồng nàn đã khiến bà rơi nước mắt. Cả cuộc đời của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Ny gắn với mảnh đất Côn Đảo bi hùng.
Phương Lý
Bà Nguyễn Thị Ny