Gặp đồng hương ở Côn Đảo

10:09, 17/09/2012
.

(QNg)- Ánh mắt, nụ cười và tình yêu quê hương của những người con sinh ra ở Quảng Ngãi hiện sống trên đất Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chúng tôi nhớ mãi. Đối với họ, Quảng Ngãi - Côn Đảo là hai miền quê thân thương, hòa quyện.    

TIN LIÊN QUAN


Mùa thu này, chúng tôi có dịp về thăm Côn Đảo. Nơi mảnh đất linh thiêng với hơn 20 nghìn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ, chúng tôi gặp những người con sinh ra ở đất mẹ Quảng Ngãi. Niềm vui gặp đồng hương quấn lấy mọi người, khiến cho tất cả trải lòng như đang chung sống cùng một mái nhà.   

Nhớ và tự hào

Vừa đặt chân xuống sân bay Cỏ Ống, tôi cùng một nữ đồng nghiệp tranh thủ "tác chiến". Mảnh đất liêng thiêng, hiền hòa nơi Côn Đảo như xua đi bao mệt nhọc mà chúng tôi phải trải qua trên suốt chặng đường cả nghìn cây số từ Quảng Ngãi vào TP.HCM và từ TP.HCM ra Côn Đảo. Qua lời chỉ dẫn của bác Bảy Hoanh-Cựu tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo sau giải phóng, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Đông (49 tuổi, quê ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa). Chưa một lần gặp mặt hay nghe tên, chỉ mới nghe giọng xứ "nẫu" quê mình, chị Đông đã tay bắt mặt mừng, đón chúng tôi như đón người thân. "Chao ôi! Đâu phải lúc nào cũng được gặp người Quảng Ngãi quê mình ở Côn Đảo đâu em", chị Đông cười nói giòn tan.  

Nhớ quê hương Quảng Ngãi, chị Trần Thị Đông ngân ngấn nước mắt.
Nhớ quê hương Quảng Ngãi, chị Trần Thị Đông ngân ngấn nước mắt.


Ngót 30 năm chị Đông gắn bó với Côn Đảo. Chừng ấy thời gian trong sâu thẳm tâm hồn chị luôn nhớ về miền quê nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi lần chúng tôi nhắc đến nỗi nhớ quê là mỗi lần chị Đông ngân ngấn nước mắt. Chị bảo: "Mấy cô đừng hỏi nữa, không chị lại khóc đó". Người anh rể của chị Đông là bác Tôn Long Anh-một trong số những cựu tù chính trị Côn Đảo quê Quảng Ngãi tình nguyện ở lại xây dựng quê hương Côn Đảo sau giải phóng (hiện sống ở TP.Vũng Tàu). Đây cũng chính là mối duyên đưa người con gái xứ Quảng này đến với mảnh đất Côn Đảo bi hùng.

Chị Đông lập gia đình riêng và chọn Côn Đảo là quê hương sinh sống cho đến trọn cuộc đời. "Hồi mới ra không nghĩ ở lại lâu dài đâu. Nhưng rồi thì đất lành chim đậu. Ở đây bà con sống chan hòa, đoàn kết, yêu thương nhau lắm", chị Đông nói. Nói đến quê hương Quảng Ngãi và Côn Đảo, đôi mắt chị Đông ánh lên niềm tự hào. Chị nói: "Côn Đảo và Quảng Ngãi đều chất chứa niềm tự hào về tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất". Chị Trần Thị Đông cho hay, bố của chị cũng là chiến sĩ cách mạng. Ông chiến đấu kiên cường, bất khuất vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc và đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất mẹ.

Dẫu xa quê đã lâu, thế nhưng chị Đông vẫn không sao quên được bản chất người dân xứ Quảng quê mình. Chị bảo, người Quảng Ngãi quê mình cần cù, chịu thương, chịu khó lắm. Bản tính tốt đẹp này như đã ăn sâu vào trong chị. Trước đây, chị làm thuyết minh viên ở khu di tích Côn Đảo. Giờ thì buổi sáng chị bán nước giải khát, buổi chiều cùng với chồng tăng gia sản xuất trên 8 công đất rừng, nào là trồng cây, nuôi cá… "Thu nhập mỗi năm cũng bộn, khoảng 100 triệu đồng", chị Đông cười khì.

Gìn giữ hai miền quê  

Ở Côn Đảo hiện có khoảng 10 hộ dân quê Quảng Ngãi. Gác lại công việc nhà, chị đưa chúng tôi đến thăm nhà của đồng hương. Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui ngập tràn. Ánh mắt, nụ cười hiền hòa cùng tình yêu, nỗi nhớ quê hương cứ trào dâng trong mỗi câu chuyện kể. Anh Nguyễn Tấn Rô (50 tuổi, quê ở TP.Quảng Ngãi, hiện là Trung tá, Đội trưởng Đội an ninh-Công an huyện Côn Đảo) đón chúng tôi trong ngôi nhà thơm nồng mùi vôi mới. "Nay là tròn 30 năm anh sống ở Côn Đảo. Quê hương là Quảng Ngãi nơi chào đời mà, nhớ lắm", anh Rô thổ lộ.

Chú ruột của anh Rô cũng là tù chính trị Côn Đảo tình nguyện ở lại sau giải phóng. Chính ông đã khắc ghi hình ảnh đầy tự hào về người chiến sĩ cách mạng trong trái tim chàng trai trẻ Nguyễn Tấn Rô ngày ấy, để rồi anh quyết theo chú ra sống ở Côn Đảo. Anh Rô nhớ mãi cảm giác đầu tiên khi bước chân lên mảnh đất Côn Đảo. Cầu tàu 914 đông người ra đón. Dẫu không quen biết nhau nhưng tất cả mừng mừng tủi tủi. Côn Đảo ngày ấy thưa người nên buồn và nhớ nhà. Song chính di tích một thời là "địa ngục trần gian" đã giữ chân anh, tiếp cho anh ý chí nỗ lực học tập để góp sức xây dựng quê hương Côn Đảo.  

Thế hệ cháu con của người dân quê Quảng Ngãi sống ở Côn Đảo cũng như bố mẹ, đều nghĩ đến nguồn cội. "Em sinh ra ở Côn Đảo, còn quê mẹ thì ở Quảng Ngãi. Em tự hào về điều này và em rất khâm phục ý chí chiến đấu của chiến sĩ cách mạng người Quảng Ngãi cũng như những người tù chính trị ở Côn Đảo", em Nguyễn Ngọc Như Xuân (27 tuổi, con gái chị Trần Thị Đông) xúc động khi nói về hai miền quê Quảng Ngãi-Côn Đảo. Hằng ngày, Như Xuân tiếp nối công việc thuyết minh viên trước đây của mẹ. Em luôn tự nhủ "sẽ không ngừng phát huy bản tính chăm chỉ, cần cù, ra sức học tập, trau dồi kiến thức để làm tốt vai trò thuyết minh viên, góp phần nêu cao giá trị đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cách mạng.


Quê hương rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi một con người. Đối với những người con quê Quảng Ngãi hiện sống ở Côn Đảo thì tình yêu đối với cả hai miền quê đều nồng cháy.

Ghi chép của: Phương Lý
 


.