(Báo Quảng Ngãi)- Khi biển Sa Kỳ xuất hiện mùa cá nổi, những ngày này quê tôi rất nhiều cá, nào là cá nhái, cá hố, cá bẹ, cá chang ... nhưng đặc biệt cá rựa là nhiều hơn cả. Ở quê tôi người ta làm gỏi cá bằng cá nhám con (cá em), cá cơm trỏng, cá chuồn, cá hố... nhưng ngon, thơm và có hương vị đậm đà hơn cả vẫn là món gỏi cá rựa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày ấy ngư dân đánh bắt cá rựa bằng nghề “lưới ba chèo”, phương tiện còn thô sơ lắm. Những ngày nghỉ học tôi theo bác tôi đi biển, ngồi phía sau khoang lái xem bạn chài kéo lưới, đến giờ tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả, chắc bạn chài còn vui sướng hơn tôi gấp nhiều lần, khi tấm lưới được kéo lên thuyền, tôi không thể hình dung được cá ở đâu mà nhiều đến vậy. Có khi mỗi mắc lưới mỗi chú cá, cá mắc dày đặc, nhìn từ dưới nước những chú cá rựa bụng trắng, lưng xanh nhảy lách tách, lấp lánh ánh bạc. Sau khi cho thuyền về bến, chuyển cá lên bờ, bác tôi để lại những chú cá ngon chia cho bạn chài, ông còn để một ít dành làm món gỏi cá rựa.
Gỏi cá rựa. |
Cá rựa làm gỏi phải là cá rựa tươi, còn phấn. Nếu dùng cá nhỏ quá làm gỏi sẽ không có hương vị, nếu cá lớn quá gỏi sẽ có xương, nên người ta chọn loại cá rựa độ chừng 3 ngón tay người lớn. Đầu tiên phải rửa cá thật sạch để ráo nước, sau đó dùng dao thái mỏng, công đoạn tiếp theo là dùng nước cốt chanh rưới lên và trộn đều (1 kg cá rựa vắt 5 đến 6 quả chanh tươi).
Thịt cá rựa sau khi ướp chanh độ chừng 30 phút sẽ chín tái, chuyển từ màu đỏ xanh của cá rựa sang màu trắng hồng, sau đó người ta vắt hết nước trong thịt cá để riêng. Phần nước cốt vắt được dùng để pha chế món nước chấm. Phần thịt cá sau khi đã vắt, đem trộn các gia vị như: Muối, bột ngọt, tiêu vừa ăn, đậu phụng rang dòn giã nhỏ, bánh tráng nướng bóp nát, cho hai thứ vào thịt cá trộn đều để gỏi ráo và ngon hơn, thái một ít lá hành, húng, quế… trộn vào để gỏi dậy mùi thơm.
Riêng nước cốt vắt ra, cho vào chảo dầu phụng phi hành thơm, đổ nước cốt vào, cho thêm một ít nước sôi vừa phải. Để nước chấm có hương vị, người ta lấy vài trái chuối mốc chín xay nhỏ, trộn đều với một ít bột gạo, cho vào chảo nước chấm đun sôi, nêm nếm vừa ăn, xem như nước chấm và món gỏi cá rựa đã xong. Khi ăn gỏi cá rựa nhất thiết phải có các loại rau mùi như: Húng, diếp cá, rau răm, quế… ăn kèm bánh tráng cuốn chung với gỏi, ớt xiêm, tỏi Lý Sơn và chai rượu gạo nguyên chất, để gỏi cá đủ hương vị của đất trời và biển cả.
Bây giờ xa quê, khi những cơn gió chướng thổi về, tôi chợt nhớ đến mùa cá nổi, nhớ chiếc thuyền “lưới ba chèo” bé nhỏ, với những tay chèo lực lưỡng vượt sóng gió tìm luồng cá nổi khơi xa và nhớ món gỏi cá rựa quê nhà ngọt bùi thơm lừng hương biển, cùng với bao ký ức một thời xa xưa.
Lê Ánh Vân