(Baoquangngai.vn)- Phạm Tuân (còn có tên là Phạm Ngao) sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Lâm Lộc, tổng Tịnh Thượng (nay là thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) là con thứ 10 trong một gia đình nho học - quan lại. Cha ông là Phạm Hân, từng giữ chức tri huyện Hà Đông (Quảng Nam).
Đầu thế kỉ XX, sau một thời gian tạm lắng vì thất bại của cuộc khởi nghĩa Cần Vương, phong trào yêu nước của sĩ phu và nhân dân Việt Nam lại rộ lên với cuộc vận động Duy Tân do các nho sĩ tiến bộ khởi xướng.
Năm 1906, Duy Tân hội Quảng Ngãi được thành lập, đứng đầu là cử nhân Lê Đình Cẩn (1870 - 1914), chủ trương đoàn kết đông đảo nhân dân và hoạt động theo phương hướng "khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh".
Phạm Tuân nhanh chóng trở thành một hội viên tích cực của Duy Tân hội Quảng Ngãi, hoạt động ở vùng bắc Trà Khúc.
Nhà thờ họ Phạm ở Lâm Lộc Nam, nơi thờ phụng các ông Phạm Hân, Phạm Tuân. |
Năm 1908, phong trào "Kháng thuế, cự sưu” khởi phát ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi nhanh chóng lan khắp Trung Kỳ.
Ở Quảng Ngãi, phong trào mở đầu ở huyện Bình Sơn bằng sự kiện 30 nông dân làng An Điền, tổng Bình Hạ kéo về tỉnh thành, đưa đơn đến dinh công sứ xin giảm sưu thuế, trừng trị bọn quan lại sách nhiễu dân nghèo. Cuộc đấu tranh bị đàn áp, gây nên làn sóng công phẫn trong nhân dân. Từ Bình Sơn, phong trào bùng lên khắp 6 phủ, huyện của tỉnh Quảng Ngãi.
Đứng trước khả năng cuộc tranh đấu ôn hoà có thể chuyển sang hình thức bạo động, Duy Tân hội tổ chức cuộc họp vào đêm 31.3.1908 (29.2 Mậu Thân), cử ra ban lãnh đạo phong trào. Nguyễn Bá Loan (Ấm Loan), Lê Khiết, Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Đình Quản, Phạm Mỹ và Phạm Tuân được cử vào ban lãnh đạo.
Mộ ông Phạm Tuân |
Phong trào Kháng thuế - Cự sưu bị đàn áp đẫm máu, Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết bị xử chém; Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Đình Quản, Phạm Tuân bị ghép vào tội "trảm giam hậu", sau đó bị đưa đi đày ở Côn Đảo .
Ra tù, Phạm Tuân tiếp tục bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, gia nhập kỳ bộ Việt Nam Quang phục hội Trung Kỳ.
Tháng 8.1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, các nhà lãnh đạo Quang Phục hội Trung kỳ cho đây là thời cơ khởi nghĩa giành độc lập. Cuộc mưu khởi được bí mật tiến hành với sự tham gia của ông vua yêu nước Duy Tân và nhiều lính khố xanh ở tỉnh thành Quảng Ngãi.
Kế hoạch khởi nghĩa không may bị bại lộ, vua Duy Tân bị bắt, sau đó bị Pháp đưa đi đày ở Réuynion; Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Thụy, Trần Thêm, Võ Cẩm, Võ Cư, Mai Tuấn, Hứa Thọ, Phạm Tuân cùng nhiều nhà yêu nước Trung Kỳ bị bắt và bị xử chém.
Ngày 9.4 năm Bính Thìn (10.5.1916), Phạm Tuân và các thủ lĩnh khởi nghĩa Duy Tân người Quảng Ngãi bị kẻ thù đem ra hành quyết tại bãi cát sông Trà Khúc, phía đông bắc thành Quảng Ngãi. Thi hài ông sau đó được gia đình và đồng chí còn trốn thoát đưa về an táng ở quê nhà, làng Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Huỳnh Công Thiệu (1528- ?)