(Báo Quảng Ngãi)- “Kho” cổ vật cùng con tàu đắm tại vũng Tàu, xã Bình Châu (Bình Sơn), xuất lộ từ cuối năm 2012, tháng 8.2013 vừa được trục vớt xong lại phát hiện thêm con tàu đắm, đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công chúng trong nước. Tuy nhiên, Bình Châu không chỉ có con tàu cổ, mà còn ẩn chứa bao điều thú vị khác.
Bình Châu là gì?
Là tên xã xuất hiện sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trên cơ sở sáp nhập nhiều làng xưa. Trải qua thời gian, xã Bình Châu hiện nay có 8 thôn: Tân Đức, Châu Me, Châu Bình, Châu Thuận Biển, Châu Thuận Nông, Định Tân, Phú Quý, An Hải. Cần biết trong huyện Bình Sơn, tất cả các xã hoạch định mới sau Cách mạng Tháng Tám đều bắt đầu bằng chữ Bình. Chữ Châu chắc chắn bắt nguồn từ tên các thôn Châu Me, Châu Thuận, Châu Bình, trong đó xưa nhất và nổi tiếng nhất là Châu Me, với câu ca dao lưu truyền: “Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre, Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền”.
Vùng Ba Làng An - Bình Châu. Ảnh: TẤN PHÁT |
Sao Châu Me lại nhiều tiền? Là bởi người Châu Me từ xưa đã sinh sống bằng nghề buôn, không phải mới sau này mà từ thuở xưa thật là xưa.
Địa cuộc Châu Me, cũng như toàn xã Bình Châu nói chung, chính là chỗ mũi đất Ba Làng An ngay bờ bắc cửa Sa Kỳ. Ba Làng An nghĩa là ba làng đều tên An: An Hải (thuộc Bình Châu, bắc cửa Sa Kỳ), An Vĩnh, An Kỳ (2 thôn thuộc xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh phía nam cửa biển Sa Kỳ). Mũi đất này người phương Tây đã được biết đến rất lâu, nhưng ghi sai âm, nên Ba Làng An trở thành Batanggang, rồi từ đó ảnh hưởng ngược lại đối với người Việt, nói theo âm Việt là Ba Tâng Gâng. Phía nam của Bình Châu là cửa Sa Kỳ, tại đây có một đụn cát xây tròn như cái mâm, nên từ thời thi sĩ Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750), trong 10 bài thơ vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi, có một bài mang tên An Hải sa bàn (mâm cát An Hải). Mâm cát An Hải hiện là chỗ đặt bến tàu tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn.
Từ hai bên cửa Sa Kỳ, muộn nhất là khoảng thế kỷ XVII, dân làng An Hải cùng với An Vĩnh, An Kỳ, tức Ba Làng An, đã từng tham gia các đội binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa khai phá, đồng thời định cư ở Lý Sơn, lập thành An Vĩnh phường và An Hải phường, rồi tiếp tục đi tuần thú và khai thác sản vật ở hai quần đảo lớn ngoài khơi Biển Đông.
Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ để hiểu vì sao Châu Me nhiều tiền. Ở vị trí sát bên cửa biển, người Châu Me hay phần lớn người dân xã Bình Châu ngày nay nói chung rất giỏi nghề đi biển, nghề lặn biển như báo chí bây giờ đang đề cập. Bên cạnh nghề cá, một nghề rất quan trọng ở Bình Châu thuở xưa là đi buôn ghe bầu, những nhà khá giả thường sắm ghe bầu để thực hiện các thương vụ đường dài, vào Nam ra Bắc. Và ngay tại chỗ cư trú của mình, có vũng Tàu, người Châu Me cũng có thể buôn bán thuận lợi.
Vũng của tàu thuyền
Vũng ngay tại nơi phát hiện con tàu đắm được gọi là vũng Tàu. Là vũng có nhiều tàu thuyền buôn. Vũng có bờ biển cong tròn, phía đông nam có gành Cả che chắn. Vũng Tàu ở phía bắc cửa Sa Kỳ, ngày nay, từ cửa Sa Kỳ đến vũng Tàu nếu bằng đường biển phải đi vòng cung qua mỏm Ba Làng An. Nếu trên bộ, thì có đường rẽ phía tây đồi An Hải, phía nam về cửa Sa Kỳ, phía bắc đi tới vũng Tàu. Nhưng xưa kia, đi tới vũng Tàu không hề như vậy, bởi có một luồng lạch sâu chắn ngang.
Súng thần công phát hiện năm 2009. |
Mỏm núi An Hải, hay bây giờ là xã Bình Châu bị chia cắt với đất liền bởi một lạch sâu, chạy ngang từ vũng Tàu đến bên trong cửa Sa Kỳ. Từ cửa Sa Kỳ có con sông nối liền với cửa Đại Cổ Lũy của sông Trà Khúc, và từ đây lại có thể ngược chiều sông Vệ để đến khúc sông Phú Thọ, vốn là nơi mà bản đồ “Khánh Địa Dư” có ghi là Thanh thương thuyền bạc độ (bến đậu của thuyền người nhà Thanh). Từ sông Phú Thọ lại có thể ngược sông lên thị trấn Thu Xà được coi là trung tâm buôn bán của tỉnh Quảng Ngãi thuở xưa. Nói tóm lại, vũng Tàu có luồng lạch nối với Sa Kỳ, Cổ Lũy, khúc sông Phú Thọ, Thu Xà, tạo nên một chuỗi cửa biển liên thông, phục vụ cho đánh cá và buôn bán. Cũng cần nhớ rằng cửa Sa Kỳ vốn có nhiều đá ngầm (đến những năm chín mươi thế kỷ XX mới được nạo vét), cửa Đại Cổ Lũy của sông Trà Khúc không sâu và luôn bị cát bồi, cho nên vũng Tàu rất có thể là cửa biển thuận tiện nhất để từ đó tiến vào khúc sông Phú Thọ mua bán với nội địa.
Phía tây xã Bình Châu có một thôn tên là Diêm Điền thuộc xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh). Thấy người dân trong vùng có làm muối, tôi hỏi một người già ở đây: Có phải làm muối là người dân Diêm Điền? Người già nọ bảo: Không, dân thôn Xuân An. Tôi lại hỏi: Nhưng như vậy, sao thôn kia lại có tên Diêm Điền (Diêm Điền nghĩa là ruộng muối)? Người già đáp: Vì trước kia, biển nằm đến sát mép của thôn đó, dân ở đó mới làm muối, chứ không như bây giờ. Từ phía Diêm Điền muốn qua rẻo đất Châu Me, xưa kia người ta phải đi đò. Sách “Đại Nam thực lục” từng chép nhiều vụ cướp biển xảy ra trong vùng, trong đó vụ năm 1867 có đến 22 chiếc tàu với hơn 300 tên cướp biển đổ bộ lên cửa Sa Kỳ. Điều này cũng xác thực rằng xưa có một lạch nước sâu liên thông từ vũng Tàu với Sa Kỳ. Nói tóm lại thì Bình Châu, vũng Tàu xưa kia có một vị trí thật đặc biệt và chắc chắn là nơi giao thương sầm uất, là cửa ngõ liên thông chính vào đất liền của vùng Quảng Ngãi ngày nay.
Không chỉ có con tàu đắm
Không phải lần đầu tiên người ta phát hiện ở vũng Tàu xã Bình Châu có con tàu đắm và ở Bình Châu cũng không chỉ có tàu đắm. Năm 1999 tại đây đã phát hiện một con tàu đắm cổ, chỉ có điều nó không được chú ý thông tin nhiều như lần này.
Năm 2009, tại thôn Định Tân xã Bình Châu, bên cửa Sa Kỳ, người dân phát hiện một khẩu thần công có chiều dài khoảng 1,1 mét, nặng trên 200kg, trên khẩu súng có khắc hình vương miện và ghi bằng chữ La-tinh « 6P » cùng rất nhiều viên đạn bằng gang có đường kính 10-12 cm, tổng trọng lượng khoảng 5 tấn.
Cổ vật từ con tàu đắm phát hiện và khai quật năm 2012-2013. |
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều di vật Sa Huỳnh trên các đụn cát tại Bình Châu, và gọi là di chỉ Bình Châu, góp phần làm phong phú các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và cả nước.
Chưa kể đến các di vật Sa Huỳnh, chỉ riêng mấy lần phát hiện các tàu đắm cổ, súng thần công như trên đã gây nhiều sự chú ý, kích thích trí phỏng đoán và nhận định của cả những người bình thường lẫn giới nghiên cứu. Nhiều người cho rằng việc phát hiện con tàu này càng chứng minh rằng có một “con đường tơ lụa” qua Biển Đông nước ta từ thuở xa xưa. Có lẽ điều này đã rõ từ lâu, không cần phải chứng minh nữa. Việc phát hiện thêm con tàu đắm, rồi khẩu thần công và đạn dược, lại đặt thêm nhiều câu hỏi mà phải một thời gian lâu nữa mới có thể có câu trả lời khả dĩ.
Xã Bình Châu cũng là nơi có nhiều thắng cảnh, di tích của lịch sử hiện đại. Tại thôn Phú Quý thời chống Mỹ có địa đạo Đám Toái (mật danh là trạm phẫu A100), được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Tư lệnh Quân khu V dùng làm trạm phẫu thuật tiền phương bí mật. Sau trận đánh Vạn Tường 18.8.1965 (Vạn Tường ở phía bắc Bình Châu), rạng sáng ngày 9.9.1965, lính Mỹ từ Chu Lai đổ quân vào lùng sục nơi đây và phát hiện ra, chúng dùng mìn đánh vào trạm phẫu, sát hại toàn bộ bác sĩ, y tá, hộ lý và thương bệnh binh, tất cả gồm 66 người. Địa đạo Đám Toái trở thành mồ chôn tập thể. Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1991. Ngay tại cửa Sa Kỳ có con tàu chở vũ khí từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển cập vào để tiếp viện vũ khí, nhưng bị địch phát hiện, thủy thủ đã đánh đắm con tàu để phi tang.
Với vị trí nằm ngay ở mé bắc cửa Sa Kỳ trên tuyến đường huyết mạch TP Quảng Ngãi-Sa Kỳ-Lý Sơn, Bình Châu còn có mũi Ba Làng An xứng đáng là một thắng cảnh. Dãy núi đá mọc ra ba mũi đá gọi là Mom Lò, Mom Đông, Mom Đèn. Xa hơn mũi Mom Đông là hàng chục đảo nhỏ, hòn Bàn Than, hòn Đá Đỗ… Ở phía Bắc mũi Ba Làng An có một trạm đèn biển. Nơi đây cảnh vật mát mẻ, cảnh trí tuyệt vời đã thu hút rất nhiều người đến nghỉ mát trong những ngày hè.
Điều cũng cần biết là vũng Tàu nằm trong vịnh Mỹ Hàn, đang quy hoạch xây dựng cảng Dung Quất II. Với địa cuộc và sự kỳ thú, bí ẩn từ thắng cảnh và di tích như vậy, và với cơ hội mới, Bình Châu chắc hẳn trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong thời gian không xa?
Bài, ảnh: CAO CHƯ