Đề xuất hai phương án bảo quản vỏ tàu cổ bị đắm

05:07, 16/07/2013
.

(QNĐT)- Hiện công tác khai quật, trục vớt cổ vật trong con tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã hoàn tất. UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra hai phương án bảo quản vỏ tàu một cách khoa học và đề nghị Bộ VHTT&DL cho ý kiến.

TIN LIÊN QUAN

 
Theo đó, phương án thứ nhất là đưa vỏ tàu về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan. Với phương án này thì cần có nguồn tài chính rất lớn và kinh nghiệm xử lý, bảo quản tiên tiến của các chuyên gia trong nước và ngoài nước.

 

Xác tàu cổ được lộ thiên sau khi hút hết lo71p bùn, cát
Vỏ tàu cổ được lộ thiên sau khi đơn vị trục vớt hút hết lớp bùn, cát.
 
 
Phương án hai là bảo tồn tại chỗ. Với phương án này sẽ tạo nên một địa chỉ để nghiên cứu du lịch văn hóa biển đặc biệt hiếm có, có thể khai thác trong nhiều năm kết hợp với việc trưng bày giới thiệu các loại hình hiện vật tiêu biểu tìm thấy trong tàu tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Tuy nhiên với phương án này thì công tác bảo vệ vỏ tàu, tránh sự xâm hại của môi trường con người là rất khó.
 
Đến thời điểm này, công tác khai quật, trục vớt cổ vật bên trong tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã hoàn tất. Kết quả sơ bộ đã thu được trên 4.000 hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, và hàng ngàn hiện vật bị vỡ gồm các đồ gốm sứ, đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh… với niên đại từ thế kỷ XIII. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật đồ đồng như gương, quả cân, đinh thuyền bằng sắt, tiền đồng.
 
 
Gốm men ngọc được trục vớt từ tàu cổ đươc đưa về trưng bàu tại bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Gốm men ngọc trục vớt từ tàu cổ đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Sau khi hoàn tất khai quật, trục vớt cổ vật bên trong tàu cổ, các chuyên gia, thợ lặn tiếp tục mở rộng, khảo sát quanh khu vực tàu cổ và đã thu được hơn 20 hiện vật gồm: Tô, chậu, đĩa gốm men nhiều màu với hoa văn tinh xảo bên ngoài tàu. Ngoài ra, đoàn khảo cổ cũng phát hiện 4 vật dụng bằng đồng của thủy thủ đoàn có hình dáng giống đèn cổ. Đặc biệt, còn trục vớt phiến gỗ còn nguyên khối của con tàu cổ dài 5,5m, dày hơn 8cm.
 
Riêng vỏ tàu đắm, sau khi hút cạn bùn cát, vỏ tàu cổ lộ rõ với chiều dài hơn 20,5 m, chiều ngang rộng nhất là 5,6 m, thân tàu chia làm 13 khoang, có 12 vách ngăn. Đây là con tàu có hiện trạng vỏ tàu tốt nhất và niên đại cổ nhất từ trước đến nay được phát hiện tại vùng biển Việt Nam.
 
 
Tin, ảnh: M.Toàn
 
 

.