(QNg)- Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn (1882) cho biết ở Quảng Ngãi vào cuối thời vua Tự Đức có 38 chợ và quán. Trên những chợ được nói đến là những chợ có quản lý, thu thuế, tuy nhiên thực tế chắc chắn số chợ còn nhiều hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Các chợ được ghi chép là Chánh Mông, Phú Vinh (chợ Chùa), Thiết Trường, Xích Thổ, Thái Hòa (An Đồng), Phú Nhơn, Châu Tử (Châu Ổ), Lâm Lộc, Xuân An (Cầu Cháy), Thạch An, Châu Mỵ, Mỹ Khê, Đông Yên, Thạch Bi (Sa Huỳnh), Lộc Điền (chợ Xảo), Long Trì (chợ Mã), Tú Sơn (chợ Điếm), Quất Lâm (chợ Cây Sung), Phú Lâm (chợ Cà Đó), Thanh Hiếu, Trà Ninh, Hội An. Các quán được ghi trong sách là Phúc Lộc (quán Cấm), Ba La (quán Thị Mít), An Hà (quán Bàu Dương), Chính Mông (quán Điểu Sông), Tư Vinh (quán Mũi Núi), Long Giang (quán Điểu Sông), Phong Đăng (quán Hàng Cau), Thạch Trụ, Bồ Đề, Thi Phổ (quán Mỹ), An Định (quán Chàu), Tân Tự (quán Dương), Lâm An (quán Cây Trâm), Lâm Đăng (quán Cát), Đông Ngạn (quán Trà Câu), Thạch Tân (quán Sứ).
Chợ Sơn Mỹ (Tịnh Khê) năm 1970. Ảnh: T.L |
Ở nông thôn, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một chợ. Sách vở thường gọi tên chợ đặt theo tên làng xã (Thi Phổ, Châu Sa, Châu Me, Thạch Trụ, Năng An, Thạch Bi, Thanh Hiếu...), nhưng trong dân gian, người ta còn gọi tên chợ theo những cách giản dị, dễ nhớ và thuận lợi hơn. Khi thì gọi theo mặt hàng chính: Chợ bán bò thì gọi là Chợ Bò (chợ bò ở Phong Niên), bán rượu thì gọi chợ Hàng Rượu (Sơn Tịnh), bán tre thì gọi chợ Hàng Tre (Bình Sơn), chợ Tre (Tư Nghĩa)... Khi thì gọi tên theo tên người lập chợ: chợ Mới Bà Hợp (Sơn Tịnh), chợ ông Bố (Tư Nghĩa)... hoặc theo tên xứ đồng: Chợ Đồng Cát (Mộ Đức), chợ Đồng Tròn (Đức Phổ). Lại cũng có khi gọi tên theo đặc điểm của vị trí họp chợ: Chợ Dốc, chợ Cây Chay (Đức Phổ), chợ Tam Bảo (Nghĩa Hành) hay theo tên một hàng quán đã quen thuộc với nhiều người như chợ Quán Cơm (Sơn Tịnh), chợ Quán Hồng (Mộ Đức):
Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông
Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
Quán Cơm nào quán nào nhà
Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng.
Trừ các chợ lớn ở các phố chợ, quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài lều quán hoặc bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi, hàng hóa thường là sản vật địa phương làm ra, thay đổi theo thời vụ. Chợ quê cũng "phân cấp" tự nhiên, thành chợ làng, chợ xã, chợ huyện. Trước những kỳ lễ, tết (tết Đoan Ngọ, tết Nguyên đán, rằm tháng bảy, rằm tháng mười...) chợ đông hơn bình thường. Ngày tết thì không họp chợ, nhường chỗ cho làng mở hội, có khi là một cuộc bài chòi.
Chợ quê dựa vào thời gian họp mà phân ra hai loại chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp vào những ngày theo chu kỳ nhất định. Chợ bò Phong Niên (Sơn Tịnh) họp vào ngày chẵn (theo âm lịch). Chợ phiên Tam Bảo, huyện Nghĩa Hành họp một tháng 6 phiên vào các ngày có số 2 và 7 ở cuối. Còn có phiên chính và phiên xếp (phiên chính bao giờ cùng đông người hơn, người mua kẻ bán từ nhiều nơi kéo đến tấp nập, rộn ràng). Cũng có những phiên chợ họp vào thời điểm khá đặc biệt trong năm, như chợ Sơn Phòng (tây Mộ Đức, nay không còn) diễn ra vào khoảng từ tháng hai đến tháng ba âm lịch: Người bán hàng từ khắp nơi trong tỉnh đổ về, có lính, có dân, người Kinh, người Thượng, có cả người từ Tam Quan, Bồng Sơn (Bình Định), Hà Đông (Quảng Nam) ra vào mua bán...
Chợ hôm (chợ quê) ngày nào cũng họp, người mua và người bán không quá đông, trao đổi mua - bán những hàng thiết yếu hàng ngày của từng gia đình; chợ thường họp vào buổi sáng sớm hay buổi chiều, nếu chợ họp vào buổi chiều thì gọi là chợ chiều. Một số chợ quê về sau càng ngày càng sầm uất, hình thành tụ điểm dân cư rồi trở thành phố xá, thị tứ như chợ Châu Ổ (Bình Sơn), chợ Châu Sa (Sơn Tịnh), chợ Đồng Cát (Mộ Đức)...
Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, kinh tế hàng hoá đã có những chuyển biến nhất định, số chợ ở Quảng Ngãi tăng lên nhanh chóng, hàng hoá và người đi chợ cũng đông đúc hơn. Tập tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí chép rằng toàn tỉnh lúc này có 73 chợ, bạc thuế năm 1932 là 7.388,4 đồng (tiền Đông Dương). Tài liệu này cho thấy hầu hết các chợ từ thời trước vẫn tiếp tục tồn tại, có một số chợ mới ra đời. Ngoài ra các tác giả còn ghi số tiền thuế của mỗi chợ. Nếu thuế phản ánh đúng (tương đối) sự phồn thịnh của từng chợ, cũng tức là kinh tế của một vùng đất, thì đây là số liệu rất đáng để nghiên cứu.
Lê Hồng Khánh