Canh tác nương rẫy truyền thống của người Cor

03:04, 02/04/2013
.

(QNg)- Nằm trong vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Cor là một trong 54 dân tộc  của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở  các huyện Tây Trà, Trà Bồng và các vùng lân cận ở các huyện miền núi của tỉnh. Từ xa xưa người Cor đã có truyền thống canh tác nương rẫy, chủ yếu là lúa rẫy (hay còn gọi là lúa nương - một giống lúa sống trên cạn). Và có thể nói không ngoa, nếu như người Kinh tự hào có văn minh lúa nước, thì đồng bào Cor cũng tự hào có kinh nghiệm làm lúa rẫy rất phát triển.  

TIN LIÊN QUAN


“Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương,…”. Lời bài hát “Tháng Ba Tây Nguyên”, của nhạc sĩ Văn Thắng đã phản ánh một phần “nông lịch” canh tác nương rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nằm trong vùng không gian chung ấy, canh tác nương rẫy từ xa xưa đã là nguồn sống chủ yếu của người Cor.  

 

Thu hoạch lúa rẫy của người Cor.
Thu hoạch lúa rẫy của người Cor.


Đất rẫy chọn tỉa lúa của người Cor là loại đất có độ mùn cao. Tuy nhiên do thời tiết khắc nghiệt, do địa hình đồi dốc dễ bị xói mòn, nên sau khi phát rẫy tỉa lúa vài ba vụ, người Cor chủ động bỏ hoang vài ba năm để phục hồi độ phì nhiêu của đất. Đó chính là kinh nghiệm canh tác, và cũng là nguyên nhân du canh, dẫn đến cuộc sống du cư của người Cor ngày xưa.

Đầu tháng ba, công việc phát rẫy của người Cor bắt đầu, kéo dài vài chục ngày, tất cả thành viên gia đình không phân biệt nam, nữ đều tham gia. Cuối tháng tư khi cây cỏ trên rẫy đã khô, sẽ tiến hành đốt rẫy. Công việc tỉa hạt được tiến hành vào cuối tháng tư, đầu tháng năm. Người Cor quan niệm tỉa hạt là thả hồn lúa về đất, nên thường tổ chức một số lễ nghi xuống giống. Ngày làm lễ, phụ nữ gùi lúa giống từ chòi (kho) về nhà làm lễ cúng thần linh, xin thần Đất, thần Lúa cho lúa mọc đều, phát triển tốt, và hẹn ngày xuống giống phép – nghĩa là tỉa phép một ít giống trước khi tỉa chính thức (thường là khoảng vài ba ngày sau tỉa phép sẽ tỉa chính thức).

Giống lúa rẫy của người Cor sử dụng là loại giống nguyên chủng, không bị lai tạp, được lưu truyền từ bao đời nay. Lúa giống được xử lý bằng phương pháp cổ truyền, để khi tỉa xuống đất không bị các loại côn trùng, chim, chuột cắn phá. Lúa sau khi tỉa hơn một tháng bắt đầu đẻ nhánh, là thời kỳ dân làng tập trung chăm sóc và làm cỏ. Thời điểm này, người đàn ông vào rừng chặt cây lồ ô, bứt dây mây rừng làm hàng rào quanh rẫy lúa để chống thú rừng, chống chim, sóc cắn phá. Đến tháng tám, lúa trên rẫy bắt đầu làm đòng, trổ bông, người Cor làm chòi và ở hẳn trên rẫy để canh giữ.

Nhiều nơi dân làng còn sáng tạo ra hình nộm, hoặc lợi dụng suối nước làm đàn đá, tạo âm thanh, xua đuổi chim, thú phá hoại lúa. Tháng mười, lúa trên rẫy chín vàng, chủ nhà thông báo cho dân làng cùng giúp gia đình đi tuốt lúa về ăn cơm lúa mới. Người phụ nữ chủ nhà chuẩn bị tró (loại gùi kín, nhỏ mang ngang thắt lưng, trước bụng) để bỏ lúa vào khi tuốt và chuẩn bị cái Weng (gùi lớn, đeo trên lưng) để cõng lúa từ rẫy về kho. Trước ngày lên rẫy tuốt lúa chủ nhà làm lễ xin phép thần Lúa, thần Bếp, thần Nhà để rước hồn lúa về nhà. Trong khi dân làng đang giúp gia đình tuốt lúa, chủ nhà chọn chỗ lúa tốt, chín đều, không bị thú rừng cắn phá hoặc ngã đổ để giữ riêng làm giống cho mùa rẫy năm sau.

Canh tác nương rẫy là hình thức sản xuất chính trong năm của đồng bào Cor. Được mùa, mất mùa lúa rẫy sẽ quyết định sự no, đói của gia đình, của dân làng. Vào những tháng cuối năm, khi mùa mưa xối xả và cái lạnh ùa về, cái bụng dân làng sẽ không bị đói nhờ hạt cơm lúa rẫy. Hạt cơm nấu từ lúa rẫy thơm ngon, nhưng quả thật làm ra khó nhọc vô cùng.

Văn Bốn

 


CÁC TIN KHÁC
.