Lý Sơn và lễ hội tri ân hùng binh Hoàng Sa
Mộ gió và những hùng binh năm xưa (Kỳ 1)

05:04, 23/04/2013
.

(QNĐT)- Ngày 27-28/4 này, tại huyện đảo Lý Sơn sẽ diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ hội có từ hàng trăm năm qua của các tộc họ trên huyện đảo nhằm tri ân những hùng binh năm xưa có công ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông.
 
TIN LIÊN QUAN


Kỳ 1: Mộ gió và những hùng binh năm xưa

Huyện đảo Lý Sơn, xưa gọi là Cù Lao Ré, cách bờ biển Quảng Ngãi (cảng Sa Kỳ) khoảng 18 hải lý (gần 34km. Huyện có 3 xã gồm An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo bé, với dân số trên 21.000 người. Lý Sơn không chỉ nổi tiếng đặc sản hành, tỏi, những di tích lịch sử, mà đây cò là quê hương của hải đội Hoàng Sa năm xưa. Thế nhưng, không phải ai cũng biết trên huyện đảo có một điều đặc biệt gắn liền với Hải đội Hoàng Sa chính là những ngôi mộ gió, nhiều người còn gọi là mộ hùng binh Hoàng Sa.

 

Ở huyện đảo Lý Sơn có hàng trăm ngôi mộ gió gắn liền với những hùng bình Hoàng Sa năm xưa được lệnh ra quần đảo Hoàng Sa thực thi chủ quyền của đất nước và họ đã không may hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển, thân thể của họ đã hoà quyện vào biển cả của quê hương, đất nước.

Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa hy sinh vì đất nước, các dòng họ đã lập những ngôi mộ gió. Theo người dân trên đảo, khi làm lễ chiêu hồn xong, linh hồn người chết mất xác sẽ trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ và phù hộ cho những người còn sống.

 

Ông Phạm
Ông Phạm Đa (trái) và ông Phạm Đào bên ngôi mộ của chánh đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật đang được tôn tạo.


Chúng tôi tìm đến ngôi mộ gió của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật (trong quần thể di tích chủ quyền Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, đây cũng là di tích lịch sử cấp tỉnh), một trong những cai đội đầu tiên ra Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình và sau đó hy sinh trên biển. Khi đến đây, chúng tôi bắt gặp hai  lão ngư với nước da đen cháy đang tỉ mỉ chỉnh trang từng chi tiết của ngôi mộ. Đó là ông Phạm Đa (82 tuổi), Trưởng tộc họ Phạm và ông Phạm Đào (70 tuổi), Trưởng thứ họ Phạm.

Ông Phạm Đa cho biết, vừa qua, tỉnh đã cấp kinh phí để tôn tạo, chỉnh trang lại mộ Phạm Hữu Nhật để phục vụ du khách đến viếng và tìm hiểu lịch sử nhân dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay. Chính vì vậy, hơn cả tháng nay, những người trong dòng họ luôn túc trực cùng với thợ để sớm hoàn thành việc tôn tạo lại ngôi mộ này.

Khi được hỏi về lịch sử của ngôi mộ, ông Phạm Đào, là trưởng thứ nhà thờ họ Phạm, và cũng là chủ nhà thờ chính Phạm Hữu Nhật cho biết: Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm Văn Triều, là thế hệ thứ tư của tộc họ Phạm (Văn) ở huyện đảo Lý Sơn, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa triều Nguyễn.

 

Ông Phạm Thọ Truyền, hậu duệ đời thứ 5 vừa sưu tầm được tượng cai đội Phạm Hữu Nhật bằng đồng.
Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Phạm Hữu Nhật vừa sưu tầm được tượng bằng đồng về cai đội Phạm Hữu Nhật.
 
Theo ghi chép của gia phả họ Phạm thì vào mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật- Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa. Trong các bộ chính sử ghi rất rõ về công lao to lớn của ông Phạm Hữu Nhật trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.


Phạm Hữu Nhật là người đầu tiên được vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa. Vâng mệnh vua, ông đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái thẻ bài gỗ, mỗi thẻ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự” (nghĩa là: Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).

Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của Phạm Hữu Nhật đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật rồi về tâu trình với triều đình là đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc ra quần đảo Hoàng Sa của đội Phạm Hữu Nhật kéo dài suốt 18 năm ròng, đến năm 1854 thì ông và nhiều người đã không trở về nữa. Sau đó, gia đình, họ tộc và quê hương đã làm một nấm mộ chiêu hồn (mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông, làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh để tưởng nhớ ông.


Hiện nay, trên huyện đảo Lý Sơn có hàng trăm nấm mộ chiêu hồn đã được tạo lập rải rác khắp huyện đảo kể từ thời tổ tiên họ giong thuyền ra lập nghiệp trên đảo từ thế kỷ 16-17. Đó không chỉ là là nơi yên nghỉ của thủy quân chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, của cai đội Phạm Quang Ảnh mà còn là nơi yên nghỉ của nhiều người thuộc các dòng họ khác như Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám...


Chính sử triều Nguyễn cùng tài liệu cổ của các gia tộc Lý Sơn đều ghi đó là những tổ tiên đã lãnh sứ mệnh thiêng liêng giong buồm ra Hoàng Sa. Và nhiều người đã ra đi và vĩnh viễnkhông về. Vậy nên mới có câu ca: “Hoàng Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.


Bài 2: Tri ân các hùng binh Hoàng Sa

 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

CÁC TIN KHÁC
.