(QNĐT)- Võ Duy Ninh, tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu Trúc Nghiêm, Võ Chi Hiên, sinh năm Giáp Tý - 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong, phủ Tư Nghĩa, nay là xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Theo gia phả, ông là con thứ trong một gia đình có ba anh em trai.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ - 1834), Võ Duy Ninh đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Cũng theo gia phả, ông là người văn hay, chữ tốt, có giọng đọc hay nên nhiều lần làm lễ tế đàn ở Nam Giao, vua Tự Đức triệu ông đến đọc văn tế.
Tượng Võ Duy Ninh |
Sau khi đỗ Cử nhân, Võ Duy Ninh được làm Hành tẩu Bộ Lại, đến năm Tự Đức thứ nhất (1847) đảm nhận chức Bố chánh sứ tỉnh Phú Yên. Khoa thi Hương năm Canh Tuất -1850 ông là Phó Chủ khảo tại trường thi Thanh Hóa. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông được triều đình điều về làm Tham Tri Bộ Lại, đến năm Bính Thìn (1856) nhiệm chức quan Duyệt quyển khoa thi Hội.
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha do Rigaulde Genouilly chỉ huy nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Tháng 10 năm đó, theo lệnh triều đình, dù đang còn cư tang mẹ, Võ Duy Ninh phải tức tốc trở ra kinh đô nhận chức Hộ đốc thành Gia Định, nhanh chóng vào Nam Kỳ, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, sẵn sàng chống trả với kẻ thù, bảo vệ đất đai tổ quốc.
Đầu năm 1859, nhận thấy âm mưu nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng bị thất bại vì gặp sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta, R.de Genouilly chuyển hướng, chỉ để lại một ít quân chiếm đóng Sơn Trà còn đại binh theo đường thủy kéo vào tấn công thành Gia Định.
Đầu năm 1859, Võ Duy Ninh được thăng làm Tổng trấn Định - Biên, quản nhiệm hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tuy nhiên, khi ông vừa đến Gia Định nhậm chức Tổng trấn mới vẻn vẹn được hai ngày thì quân Pháp nổ súng tấn công Cần Giờ - Gia Định. Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp từ Cần Giờ đến thành Gia Định diễn ra trong gần một tháng trời với ưu thế về vũ khí nghiêng hẳn về phía quân Pháp.
Rước bằng công nhận di tích cấp tỉnh. |
Nhận thức được tiềm lực của quân Pháp, một mặt Võ Duy Ninh tìm cách gọi quân cứu viện từ các tỉnh đến cứu thành Gia Định, một mặt chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính. Khi quân Pháp ồ ạt tiến vào cửa thành, bắn phá các pháo đài dọc sông và tiến thẳng vào thành Gia Định, Võ Duy Ninh đốc thúc quân đội kháng cự dũng mãnh, song không giữ nổi thành trước binh lực mạnh áp đảo của địch.
Kể từ khi Pháp nổ súng đánh thành Gia Định, chỉ sau vài ngày, quân Pháp đã vào được thành. Tổng trấn Võ Duy Ninh cũng trúng đạn trọng thương bất tỉnh.
Ông được quân sĩ cõng về làng Phước Lý thuộc huyện Phước Lộc. Sau khi tỉnh dậy, biết được quân Pháp đã chiếm được thành Gia Định, ông đã rút gươm tự sát. Vào ngày 17/2/1859 (mùng 4 tháng giêng năm Kỷ Mùi).
Tin thành vỡ cấp báo về Huế, theo phép nước thời bấy giờ, vua Tự Đức ban lệnh tước bỏ phẩm hàm của Võ Duy Ninh. Sự can gián của những đại thần có uy tín hàng đầu ở triều đình như Trương Đăng Quế, Nguyễn Bá Nghi vẫn không làm Tự Đức thay đổi nghiêm lệnh, mà chỉ cho phép tìm kiếm và đưa linh cửu ông về cải táng ở quê nhà.
18 năm sau (Đinh Mão - 1867), nghĩ đến Võ Duy Ninh vì tận trung, báo quốc mà quên thân, vua Tự Đức đã ân mệnh khai phục cho ông chức Thị độc. Đời vua Bảo Đại, năm thứ 6 (1931), triều đình mới phục hồi đầy đủ phẩm sau hàm, minh oan cho Võ Duy Ninh.
Võ Duy Ninh có người anh ruột là Võ Duy Thành, đỗ Phó bảng khoa thi hội năm Giáp Thìn (1844). Con trai Võ Duy Ninh là Võ Duy Lập nối chí cha tham gia nghĩa quân Trương Định, hy sinh vì đại nghĩa.
Võ Duy Ninh có hai người vợ và bốn người con, gồm hai trai, hai gái. Bà chánh thất Đào Thị Thạnh là con gái của Thượng thư Bộ lại Đào Nguyên Phổ, quê ở vùng Bà Chiểu, Gia Định.
Sau khi vua Tự Đức chấp nhận cho gia đình cải táng hài cốt Võ Duy Ninh về quê nhà, bà cùng người con trai là Võ Duy Lập (mới 16 tuổi) lặn lội vào Bà Chiểu suốt một năm trời mới tìm được nơi chôn cất ông ông. Lại ròng rã thêm ba tháng nữa di hài mới đưa được về an táng tại xã Chánh Lộ (thành phố Quảng Ngãi ngày nay). Năm 1987, họ tộc Võ cải táng hài cốt Võ Duy Ninh về thôn Xuân An, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).
Lịch sử ghi nhận Võ Duy Ninh là quan lại cao cấp đầu tiên của triều đình hy sinh trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ I (1858 - 1885).
Sách Địa chí Quảng Ngãi viết về ông như sau: “Mặc dù Võ Duy Ninh và quân sỹ triều đình chiến đấu anh dũng để giữ thành, nhưng trước sức tấn công của địch, thành Gia Định bị vỡ, Võ Duy Ninh tuẫn tiết. Ông là vị võ tướng đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.
Võ Duy Ninh mất vào ngày mùng 4 tháng giêng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 12 (17/2/1859 theo Tây lịch). Theo phong tục cổ truyền ở Quảng Ngãi, ngày giỗ là dịp tưởng niệm người thân đã khuất và được tiến hành một ngày trước ngày lâm chung, theo âm lịch. Vì vậy gia tộc Võ Duy Ninh tổ chức ngày giỗ của ông vào mùng 3 tháng giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, lễ giỗ chỉ diễn ra trong phạm vi gia tộc và láng giềng thân thuộc.
Lễ tưởng niệm Võ Duy Ninh hằng năm, diễn ra vào ngày 17/2 dương lịch, do chính quyền địa phương, ngành văn hoá kết hợp cùng gia đình tổ chức. Vào dịp này, con cháu tộc họ Võ ở Nghĩa Hành và nhiều nơi trong tỉnh, trong nước về dự để vừa tỏ lòng kính trọng một bậc tiền bối đáng kính, giáo dục con cháu noi gương người đi trước học tập, rèn luyên để thành người có ích cho gia đình, gia tộc và đất nước quê hương. Ngày giỗ và ngày tưởng niệm Võ Duy Ninh đều được tổ chức tại nhà thờ ông, thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành.
.
Ngày 8/2/2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 236/QĐ – UBND xếp hạng mộ và đền thờ Võ Duy Ninh là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Thuỵ (1880 – 1916)