(QNĐT)- Lê Tựu Khiết (Lê Khiết) hiệu là Dương Phong, tự là Huy Thanh, sinh năm Đinh Tỵ - 1857, người làng An Ba, tổng Hành Cận, nay là thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành. Ông nội là Lê Công Thiên, tri phủ Kiến An thời Gia Long, cha là Lê Văn Diễn, từng làm quan đến chức tuần phủ dưới triều vua Thiệu Trị.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sẵn có tư chất thông minh, lại có điều kiện học hành, năm Canh Ngọ (1882), ông thi đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định. Năm Ất Dậu (1885) ông được triều đình bổ nhiệm chức Cơ mật hành tẩu, sung chức Tả trực kỳ khâm sai phái viên.
Tượng bán thân Lê Tựu Khiết (Lê Khiết) |
Năm Bính Tuất (1886- Đồng Khánh nguyên niên) ông lãnh chức Tu soạn kiêm Nghĩa Định Sơn phòng tán tương quân vụ. Năm Giáp Ngọ (1894 -Thành Thái thứ 6), ông lãnh chức Án Sát tỉnh Quảng Nam.
Năm Ất Mùi (1895 - Thành Thái thứ 7), ông lãnh chức Tán lý quân vụ 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Năm 1896 (Thành Thái thứ 8), ông bị giáng chức 2 cấp, đưa về làm Bố chánh tỉnh Nghệ An. Vì vậy ông còn có tên gọi là Bố Khiết.
Lê Tựu Khiết là anh em con bạn dì với Nguyễn Thân, lại dự vào hàng mưu sỹ của Nguyễn Tấn (thân phụ Nguyễn Thân, tác giả sách Phủ man tạp lục) nên được kẻ bán nước cầu vinh tin dùng, trở thành một trong những môn hạ thân tín của hắn. Vì vậy, ông bị giới thức giả và nhân dân Trung kỳ thời bấy giờ rất căm ghét và xem như “kẻ bán hồn cho quỹ dữ”.
Khoảng thời gian này, cụ Phan Bội Châu hoạt động ở hải ngoại, viết cuốn Việt Nam vong quốc sử, trong đó có đoạn gọi đích danh Lê Tựu Khiết là “con chó dữ của Nguyễn Thân”. Cuốn sách của cụ Sào Nam bí mật lan truyền trong nước và được một người tên là Lê Võ, cố tình trao đến tay Lê Tựu Khiết. Đọc đến đoạn cụ Phan viết về mình, Lê Tựu Khiết buông sách ôm mặt khóc, rồi thốt lên “Thương thay, trước đây tôi lầm, thật là chó má vậy. Từ nay trở đi tôi mới làm người”.
Năm 1897 Lê Tựu Khiết từ quan, trở về quê nhà, sau đó được sự tin tưởng và khuyến khích của Phan Chu Trinh, ông tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào Duy Tân.
Ngoài việc mở hiệu thuốc Quảng Tri (ở một điểm thuộc cửa tây thành Quảng Ngãi) để làm cơ sở hoạt động kinh tế và cơ quan liên lạc của Nghĩa hội Duy Tân, Lê Tựu Khiết còn tích cực tham gia vận động mở trường dạy học, lập hiệu buôn, hội cày, cắt tóc ngắn, bài trừ hủ tục; cùng Lê Đình Cẩn và các nhà lãnh đạo Duy Tân Quảng Ngãi bắt liên lạc với phái Đông du, mua sắm vũ khí,... bí mật chuẩn bị bạo động.
Đầu tháng 3 năm 1908, phong trào kháng thuế - cự sưu nổ ra ở Quảng Nam, rồi bùng lên mãnh liệt ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Trường THPT chuyên Lê Khiết |
Ở Quảng Ngãi từ 24/3 đến 2/4/1908, khắp 6 phủ, huyện các đoàn nông dân liên tục kéo về tỉnh thành dán “cáo thị đồng bào”, tự xưng là “lục phủ huyện dân” (dân 6 phủ, huyện) đưa ra các yêu sách đòi giảm xâu, giảm thuế. Ngày 02/4, số người vây quanh tỉnh thành lên đến 10 vạn, bộ máy lý hương ở làng xã tê liệt hoàn toàn, trống mõ “thanh viện” vang suốt ngày đêm.
Nhận thấy phong trào bột phát quá dữ dội, có hướng ngã sang bạo động, dễ bị thực dân Pháp lấy cớ đàn áp, các nhà lãnh đạo Duy Tân trong đó có Lê Tựu Khiết nhóm họp vào ngày 3/4/1908 quyết định trực tiếp đứng ra lãnh đạo phong trào.
Chủ trương này của các thủ lĩnh Duy Tân ở Quảng Ngãi thực sự là một hành động dũng cảm và cũng là một đặc điểm thể hiện khuynh hướng riêng của Duy Tân Quảng Ngãi, vì các nhà cách mạng theo chủ trương Duy Tân vốn nặng về phương cách hoạt động công khai, hợp pháp và chú trọng nhiều hơn ở tầng lớp trí thức – nho sĩ.
Hoảng sợ trước sự liên kết chặt chẽ giữa “những kẻ chủ mưu” Duy Tân và “bọn giặc cúp tóc”, tên công sứ Dodet ra tay khủng bố. Ngày 07.4.1908, Lê Tựu Khiết rồi Nguyễn Bá Loan và nhiều vị lãnh đạo khác của phong trào bị bắt. Quần chúng lại tiếp tục kéo về tỉnh thành, giận dữ tột độ, hô vang các khẩu hiệu đòi thả Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết.
Trước tình thế khẩn cấp, biết Lê Tựu Khiết là người có uy tín, Dodet “dục hoãn cầu mưu” bằng cách dụ ông lên mặt thành kêu gọi dân chúng giãn vòng vây để “tạo điều kiện điều đình”. Biết rõ âm mưu của hắn, Lê Tựu Khiết kiên quyết chối từ.
Biết không khuất phục, mua chuộc được Lê Tựu Khiết, Dodet quay sang tìm cớ để ghép tội ông. Tên gian hùng Nguyễn Thân và kẻ tay sai hèn mạt Phạm Kế Năng đứng ra làm chứng, tố cáo Lê Tựu Khiết, Nguyễn Bá Loan là những người chủ xướng và “xúi giục bạo động”.
Ngày 23/4/1908 (22 tháng 3 Mậu Thân), giặc Pháp đem Lê Tựu Khiết và Nguyễn Bá Loan, Trần Chót, Nguyễn Đến ra xử chém tại bãi nam sông Trà Khúc, thuộc địa phận làng Ba La, phủ Tư Nghĩa.
Theo lời thuật lại của Đặng Bằng Đoàn trong Việt Nam nghĩa liệt sĩ, lúc sắp bị đem đi chém, Lê Tựu Khiết vẫn giữ vẻ mặt ung dung, thanh thản và nói: “cái vết dơ của lịch sử nửa đời người, tôi nay lấy máu cổ mà rửa. Vinh hạnh biết chừng nào”.
Nghe tin Lê Tựu Khiết bị giết, cụ Phan Bội Châu, người đã từng nặng lời với ông, tỏ lòng xót xa, thương tiếc và có thơ viếng, lời lẽ xúc động:
Nô lệ nửa đời đã xấu xa
Ngoảnh đầu nay nhận ra ta
....
Nhật nguyệt soi Ông thay sử cũ
Non sông chờ tớ quét đường xa...
Lê Tựu Khiết là gương sáng về một con người biết tìm về chính nghĩa, tha thiết gắn bó với đồng bào, không tiếc thân mình vì nghĩa lớn.
Trong kháng chiến chống Pháp, một trường trung học ở Quảng Ngãi mang tên ông – Trường trung học Lê Khiết, được thành lập vào tháng 10/1945 và tồn tại cho đến năm 1955. Đây là một trường học nổi tiếng dưới chế độ dân chủ cộng hoà, đã đào tạo cho tỉnh nhà và đất nước nhiều nhân tài trong các lĩnh vực : chính trị, khoa học, giáo dục, văn hoá nghệ thuật…
Tháng 9/1990, Trường trung học phổ thông Lê Khiết được tái thành lập, sau đó chuyển thành Trường THPT chuyên Lê Khiết. Một con đường ở thành phố Quảng Ngãi cũng được vinh dự mang tên ông.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới : Nguyễn Duy Cung