(QNĐT)- Trường Luỹ được bắt đầu gầy dựng vào khoảng thế kỷ XVI, khi ông Bùi Tá Hán (1496 – 1568) lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung hưng vào trị nhậm trấn Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng, trong một nỗ lực ổn định vùng đất thượng du phía Tây, triều đình Nguyễn đã thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) , một đại công thần và là một võ tướng tài năng, quê gốc ở làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa (nay là huyện Mộ Đức) Quảng Ngãi, cho phép ông này huy động nhân lực gia cố và nối các “Đoạn Trường Luỹ” lại với nhau, dựng thêm nhiều bảo, hình thành một hệ thống đồn luỹ liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ huyện Hà Đông (nay là huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (nay là các huyện Bồng Sơn, An Lão của tỉnh Bình Định). Từ đây luỹ dài này có tên là Tĩnh Man Trường Luỹ.
Một đoạn luỹ bằng đá phía tây huyện Nghĩa Hành. |
Nhìn lại quy mô của luỹ dài
Quốc sử quán triều Nguyễn, trong Đại nam nhất thống chí, cho biết về Trường Luỹ như sau:
“Luỹ dài Tĩnh Man: ở cách tỉnh thành 23 dặm, phía bắc giáp địa giới huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp địa giới huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, luỹ dài 177 dặm. Hồi đầu bản triều đặt binh sáu đạo để phòng giữ ác man Thạch Bích; năm Gia Long thứ 4, đặt cơ Thập Kiên làm đạo Bình Man, đắp 115 sở bảo, sau đổi làm cơ Lục Kiên, theo địa thế các bảo, sở mà đắp thêm luỹ dài, đặt 27 lân phụ luỹ, mỗi lân đặt một cai lân và một phó lân, thay phiên nhau đóng giữ; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi cai lân làm bát phẩm bá hộ, phó lân làm cửu phẩm bá hộ; năm thứ 9 đổi Lục Kiên làm năm cơ Tĩnh Man, cơ nhất trú phòng 22 bảo là Phú Thọ, Tuy An, Thuận An, Tuấn Lĩnh, Dũng Thuỷ, Phú Thành, An Lạc, Bảo Sơn, Phú Sơn, Vĩnh Khánh, Phú Lân, Mỹ Sơn, Kiên Thành, Thổ Sơn, Mỹ Bố, Hưng Nhân, Hưng Bình, Phú Xuyên, Phú Nhuận, Lân Định, An Đình và Giang Ngạn; cơ nhị trú phòng 21 bảo là Thanh Bồng, An Viên, Thanh Nguyên, Thạch Bàn, Kiên Giáp, Cao Đôi, Trường Giang, An Sơn, Viên Môn, Bàn Thạch, Câu Giao, Mã Hoàn, Lĩnh Lâm, Hội Vân, Lê Thạch, Nham Thạch, Thạch Phong, Hùng Lĩnh, Chi Trụ, Thanh Khê và Linh Chi; cơ tam trú phòng 22 bảo, là Kiên Thạch, An Lĩnh, Hùng Thành, Cam Lâm, Tráng Sỹ, Đại Phụ, Phong Nhuệ, Mỹ Lộc, Thanh Thụ, Giảng Sỹ,Tú Lĩnh, Thạch Lĩnh, Thạch Lâm, Mỹ Sơn, Trung Phu, Bồng Lai, Củng Cố, Trường Đình, Trường Hoà, Lý Nhân, Tân Phong và Phúc Lộc; cơ tứ trú phòng 25 bảo là Phú Lộc, Ninh Giang, Tài Công, Vũ Giáp, Long Bình, Sơn Chi, Giang Bình, Hoà An, Vạn Niên, Thạch Bì, An Thạch, Lập Thạch, Vĩnh Thạch, Bình An, Tân An, Tân Bình, Mậu Lâm, Bích Khuê, Trúc Lâm, Hùng Nghĩa, Xuân Linh, An Phong, Bình Định, Thạch Luỹ và Tam Giang; cơ ngũ trú phòng 24 bảo là Hoà Dương, Lâm Tùng, Nhân Hoà, Thạch Căn, Thuận Lợi, Thanh Thuỷ, Mỹ Thịnh, Phú Nhân, Thanh Lê, Lương Tài, An Bài, Vạn Phúc, An Tượng, Trạch Lâm, Liệt Sơn, Hương Thanh, Sơn Quan, An Nhơn, Thanh Lâm, Thanh Vân, Phúc Thôn, Tài Thọ, An Dũng và Thanh Trung. Sửa sang trường thành, xây đắp 114 bảo, lấy viên lãnh binh tại tỉnh lãnh việc phòng ngự ác man, thật là chu đáo” (1).
Luỹ, trong Tĩnh Man Trường Luỹ (壘), là một chữ Hán, thuộc bộ “Thổ” (土), ở dạng phồn thể có 18 nét; phần trên là 3 chữ “điền” (田) xếp theo hình tam giác; phần dưới là chữ thổ (土). Hán Việt từ điển Thiều Chửu, dịch: “Bờ luỹ, tường chắn trong dinh quân hoặc che chở thành” . Hán Việt từ điển Nguyễn Văn Khôn, giảng: “Luỹ: thành đắp bằng đất” (2).
Đón bằng công nhận di tích LSVH quốc gia. |
Phân tích từ nguyên học kết hợp khảo sát thực địa cho thấy, đúng như tên gọi, Trường Luỹ về cơ bản được đắp bằng đất, ở một số đoạn kè đá ở bên ngoài để chống trôi trượt, xói lở trong mùa mưa lũ; hãn hữu, có một vài đoạn hoàn toàn bằng đá, nhưng chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tổng chiều dài Trường Luỹ.
Đại Nam nhất thống chí, ở đoạn trích trên, và Đồng Khánh địa dư chí cùng cho biết Trường Luỹ có chiều dài 177 dặm. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ Biên; Nxb KHXH. Hà Nội, 1988), một dặm có chiều dài tương đương 444,44m; vị chi tổng chiều dài Trường Luỹ là 78.665,88m, xấp xỉ 79 cây số ngàn (3).
Còn theo Từ lâm Hán Việt từ điển (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố) thì 1 dặm = 1800 xích (thước Trung Quốc) = 576 mét; tính ra Trường Luỹ có chiều dài là 101.952m , tương đương 102 km (4).
Nếu theo chú giải của nhóm dịch giả - biên khảo bản dịch Đồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The ; NXB Thế giới; HN) thì 1 dặm = 720 m, vị chi chiều dài Trường Luỹ là 127.440 m, tương đương 127 cây số (5).
Một di tích nhiều giá trị
*Về nghiên cứu lịch sử:
Kể từ khi những “Đoạn Trường Luỹ” và những đồn, bảo bắt đầu được hình thành dưới thời Bùi Tá Hán, khoảng giữa thế kỷ XVI, cho đến khi chấm dứt về cơ bản vai trò của một công trình phòng thủ, ngăn chặn vào những năm cuối thế kỷ XIX, Trường Luỹ đã có hơn 300 năm chứng kiến vô vàn sự kiện lịch sử diễn ra ở miền tây Quảng Ngãi trong mối liên hệ hữu cơ với cả tỉnh Quảng Ngãi, cũng như hai tỉnh Quảng Nam, Bình Định: Những bước chân đầu tiên của người Việt từ phía bắc vào vùng hạ du Quảng Ngãi, rồi ngược về phía tây và cùng với đó là những “nậu nguồn”, “ghe kinh” hình thành trong quá trình trao đổi, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược.
Các chúa Nguyễn và sự nghiệp kinh dinh Đàng Trong mà ở đó công cuộc giao thương chú trọng hướng ngoại, lấy các lâm thổ sản miền thượng du (hồ tiêu, cánh kiến, mật ong, trầm hương, quế, tốc hương,..) làm át chủ bài, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế làm cơ sở củng cố quyền lực và dần dần trở nên hùng mạnh, thoát khỏi ảnh hưởng của triều đình Lê Trịnh. Phong trào Tây Sơn, nổi lên từ phía tây Bình Định rồi lan mạnh ra Quảng Ngãi, khai thác triệt để mâu thuẫn của các tộc người miền Tây với tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn trong giai đoạn suy vi. Quá trình củng cố, xây dựng đất nước thống nhất và xây dựng chính quyền trung ương tập quyền giai đoạn các vua đầu triều Nguyễn. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và sự phân hoá trong nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn, cùng với đó là vai trò phức tạp của các Sơn phòng, trong đó có Sơn phòng Nghĩa Định.
Trường Luỹ lại gắn với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều nhân vật nổi tiếng. Làm thế nào có thể đánh giá đầy đủ về hành trạng của Lê Văn Duyệt, Nguyễn Cư Trinh, Đỗ Đăng Đệ…nếu không hiểu được những mối liên hệ của họ với Trường Luỹ. Cho dù thời gian có mặt tại Quảng Ngãi không phải là dài, nhưng những quyết sách của các ông đã để lại những vết hằn sâu đậm lên lịch sử Trường Luỹ và miền Tây Quảng Ngãi.
Với Bùi Tá Hán, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân thì còn hơn thế. Phần quan trọng trong sự nghiệp của ba con người nầy gắn liền Trường Luỹ - Sơn Phòng – Quảng Ngãi, và vì vậy nghiên cứu về Trường Luỹ, về lịch sử tỉnh Quảng Ngãi nhất thiết phải tìm hiểu về lai lịch của họ, cho dù mỗi người, bằng hành động của mình, có thể đã kìm hãm hoặc thúc đẩy lịch sử tiến lên phía trước.
*Về nghiên cứu dân tộc học:
Miền Tây Quảng Ngãi là nơi cư trú lâu đời của 3 dân tộc thiểu số: H’re, Cor và Ca dong (một nhóm địa phương của dân tộc Xê đăng), trong đó, người H’re có số dân đông nhất, có quan hệ khá thường xuyên, trực tiếp và lâu dài với người Việt (Kinh), cư trú dọc theo Trường Luỹ, về phía Tây.
Không quá khó khăn để nhận thấy người H’re có nhiều khác biệt về hình thái kinh tế xã hội, văn hoá, phong tục so với các tộc người thiểu số khác ở miền Tây Quảng Ngãi cũng như khắp vùng Trường Sơn – Tây Nguyên mà nổi bật là lối sống định cư ở những sườn đồi thấp, sản xuất lúa nước trên những cánh đồng bậc thang trong thung lũng hẹp, biết làm những đập bổi để đưa nước vào ruộng. Tuy vậy, cho đến nay giới khoa học trong và ngoài nước vẫn chưa có những công trình nghiên cứu công phu, thấu đáo về tộc người này.
Phải chăng cách cày bừa bằng 2 trâu (bò) của người Việt ở vùng đồng bằng Nam Trung bộ là học được từ người H’re? Tập quán rào làng, rào vườn, sự xuất hiện của tầng lớp cà rá nhiều quyền lực, giàu có, chiếm hữu nhiều nương rẫy, nuôi nhiều người làm, con ở trong nhà phải chăng là dấu hiệu của một xã hội đã bước đến ngưỡng của sự phân chia giai tầng? Phải chăng người H’re vốn là một nhóm cư dân trong các tiểu quốc Chăm cổ, đã từ vùng thấp chuyển dần lên phía Tây? Có phải người H’re (mà không phải là người Việt/Kinh) mới là chủ nhân của kỹ thuật xếp đá ở Trường Luỹ như giả thuyết của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông?...
Rất nhiều câu hỏi về tộc người H’re cũng như mối quan hệ giữa tộc người này với các tộc người thiểu số láng giềng, với người Việt (Kinh) ở phía Đông, đặc biệt là mối quan hệ của người H’re với Trường Luỹ, đang chờ đợi câu trả lời của các nhà khoa học.
Một đoạn bảo (đồn) Thiên Xuân, trong hệ thống Trường Luỹ Quảng Ngãi. |
* Về khai thác du lịch:
Trường Luỹ, và cùng với nó là cảnh quan thiên nhiên miền Tây Quảng Ngãi ẩn chứa một tiềm năng du lịch dồi dào. Sau hàng thế kỷ lặng im giữa miên man đồi núi, chập chùng suối khe, Trường Luỹ đang tỉnh giấc và bắt đầu cuộc đối thoại lý thú với con người hiện đại. Đến với Trường Luỹ là tìm về những câu chuyện về bản thân nó giữa thiên nhiên miền Tây cùng bao nhiêu biến động của thời cuộc.
Một khối đá dưới chân Trường Luỹ, một mảnh vở đồ gốm tìm thấy trong hố khai quật khảo cổ học, đều có thể trở thành nhân chứng của lịch sử và là người kể chuyện với du khách hôm nay, dù đó là nhà nghiên cứu dày dạn, đam mê hay đơn giản chỉ là một lữ khách có hứng thú với miền đất lạ.
Đến với Trường Luỹ, cũng là đến với thiên nhiên hùng vỹ của miền Tây Quảng Ngãi, Bình Định, kéo dài hàng trăm cây số qua bao nhiêu sông suối, núi rừng, qua những plây của người H’re ở lưng chừng đồi thấp, những ngôi làng người Việt ẩn khuất sau những khóm tre. Đi dọc Trường Luỹ, vào một thời khắc nào đó trong ngày, du khách có thể lắng nghe câu hát ta lêu tình tứ của một nàng sơn nữ e lệ, thấp thoáng dưới bóng kơnia, xa xa là mái nhà sàn khuất sau bóng núi, bóng cây. Thiên nhiên miền Tây Quảng Ngãi, vừa quen vừa lạ, bí ẩn quyến rũ, hữu tình.
Di tích Trường Luỹ Quảng Ngãi đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Trường Luỹ là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia, tại Quyết định số 800/QĐ –BVHTTDL ngày 9/3/2011.
Lê Hồng Khánh
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam Nhất thống chí (tập 2); bản dịch Phạm Trọng Điềm; NXb Thuận Hoá, Huế, 1992 ; Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi, trang 430 -431.
(2) Xem thêm: Thiều Chửu; Hán Việt từ điển; Đuốc Tuệ HN; 1942 và Nguyễn Văn Khôn; Hán Việt từ điển; Khai Trí- SG; 1960.
(3) Hoàng Phê (Chủ Biên); Từ điển tiếng Việt; Nxb KHXH;Hà Nội - 1988, trang 264.
(4) Vĩnh Cao - Nguyễn Phố; Từ lâm Hán Việt từ điển, Nxb Thuận Hóa, Huế. 2001 (tr.1368).
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư chí; Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The dịch và chú giải; NXB Thế giới, HN, 2003 tập 1, trang 21.