(QNĐT)- Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ (giai đoạn 1946 – 1949) gồm 2 địa điểm: Nhà ông Nguyễn Tương, nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở và làm việc; và nhà ông Ngô Đồng, trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ và là nơi làm việc của ông Phạm Văn Đồng.
Cả 2 địa điểm này đều nằm ở tả ngạn sông Phước Giang, trên địa bàn thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 8 km, về phía tây bắc.
Di tích nhà ở và làm việc của cụ Huỳnh |
Khi làm việc ở đây, cụ Huỳnh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt); còn ông Phạm Văn Đồng là đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ.
Cuối năm 1946, ngọn lửa chiến tranh Việt - Pháp từ Nam Bộ đã lan nhanh ra Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước. Thực dân Pháp chuyển từ gây hấn, lấn chiếm sang trắng trợn dùng lực lượng quân sự tấn công thôn tính nước ta, thực hiện ý đồ đặt toàn cõi Đông Dương dưới ách thống trị của chúng một lần nữa.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, kiên quyết bảo vệ nền độc lập non trẻ, quân và dân Nam Trung Bộ vừa dũng cảm chiến đấu chặn đứng và bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Pháp, vừa ra sức xây dựng vùng tự do thành hậu phương vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức đương đầu và đánh bại quân xâm lược.
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo kháng chiến trong tình hình và nhiệm vụ mới, xứ ủy Trung Kỳ được chia thành hai bộ phận. Một bộ phận trực tiếp chỉ đạo Khu IV, bộ phận ở Nam Trung Bộ hình thành Phân xứ ủy. Về chính quyền, thành lập cơ quan đại diện của Ủy ban Hành chính Trung Bộ tại Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Duy Trinh được cử làm Bí thư Phân xứ ủy kiêm phụ trách cơ quan đại diện.
Tháng 11 năm đó, ông Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Chính phủ cử làm đại diện tại Nam Trung bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cụ thể cho ông cùng quân và dân Nam Trung Bộ: “Phải quan tâm trước hết việc xây dựng Đảng bộ đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, động viên, tổ chức và lãnh đạo quần chúng, tăng cường đoàn kết nhân dân, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời kiên trì chiến đấu và quyết tâm thắng kẻ địch ngay trên các mặt trận Nam Trung Bộ”(1).
Chân dung ông Phạm Văn Đồng thời kỳ làm việc tại miền Nam Trung Bộ. |
Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt), Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay mặt chính phủ Trung ương đi kinh lý các tỉnh miền Trung. Cụ Huỳnh dành nhiều thời gian làm việc với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và lưu lại lâu ngày ở Quảng Ngãi để truyền đạt đường lối kháng chiến cứu nước của Chính phủ cùng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động viên đồng bào, chiến sỹ đoàn kết, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Chợ Chùa lúc bấy giờ là một thị tứ thuộc huyện Nghĩa Hành, được chọn làm nơi đóng trụ sở của các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Liên Việt và các đoàn thể của vùng Nam Trung Bộ.
Là một huyện nằm ở vùng trung du, bán sơn địa, không quá xa thành phố Quảng Ngãi, nhưng từ Nghĩa Hành lại có thể liên lạc thuận lợi với Tây Nguyên (qua ngã Ba Tơ) và các tỉnh lân cận trong Nam, ngoài Bắc theo các sơn đạo hình thành từ nhiều thế kỷ trước. Trong trường hợp cần thiết phải tập trung đông nhân lực trên địa bàn, Nghĩa Hành có thể dựa vào nguồn cung cấp lương thực, hàng nhu yếu phẩm trực tiếp từ các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi.
Mặc khác, việc lựa chọn Chợ Chùa – Nghĩa Hành làm thủ phủ kháng chiến của miền Nam Trung Bộ cũng đồng thời tránh được các mũi tấn công trực diện của quân Pháp từ phía biển, khống chế hành lang chiến lược từ đồng bằng nam Quảng Ngãi - bắc Bình Định lên Tây Nguyên.
Thực tế cuộc kháng chiến kiến quốc ở miền Nam Trung Bộ cho thấy, đây là một sự lựa chọn ưu việt, thể hiện một nhãn quan địa - chính trị, địa - quân sự sắc bén. Nghĩa Hành nhanh chóng trở thành nơi tập trung nhiều cơ quan của Liên khu V và của tỉnh, các đơn vị quân đội, các trường trung học nổi tiếng như: Trường Trung học Lê Khiết, Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ, các tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ...
Đến khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Nghĩa Hành trở thành hậu phương chi viện nhiều sức người, sức của, góp phần đắc lực, trực tiếp vào chiến dịch Bắc Tây Nguyên giải phóng toàn tỉnh Kon Tum đầu năm 1954.
Năm 1947, được phép của Trung ương, đại diện Chính phủ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ đã mở xưởng in bạc tín phiếu tại Quảng Ngãi, mở kho bạc tại Nghĩa Hành và phát hành trong toàn vùng với các mệnh giá 5, 50, 100, 500, 1.000 đồng. Bạc tín phiếu in và phát hành kịp thời, góp phần phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa.
Các hoạt động của Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ trong thời gian đóng tại Quảng Ngãi như tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã lần thứ 2, cu3ng cố và xây dựng chính quyền các cấp, xây dựng các đoàn thể vững mạnh, phát động phong trào thi đua ái quốc sôi nổi trong toàn quân, toàn dân, tập trung vào mục tiêu giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, học tập, xây dựng đời sống mới... đã có tác động tích cực đến sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc trong toàn miền, góp phần vào thành quả của cuộc kháng chiến trong cả nước.
Tại trụ sở làm việc ở Nghĩa Hành, ông Phạm Văn Đồng đã triệu tập, chủ trì nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị cán bộ quân dân chính bàn sâu về vấn đề kinh tế (đầu năm 1948), Hội nghị quân sự Nam Trung Bộ (tháng 4/1948), Hội nghị chính trị viên toàn quân khu lần thứ nhất (tháng 1/1949), do Liên khu ủy và Chính ủy liên khu triệu tập)...
Sự có mặt của ông Phạm Văn Đồng tại Nam Trung bộ, một trí thức cách mạng, người có sự quan tâm, ưu ái đặc biệt đối với giới trí thức văn nghệ sỹ cũng đã tác động tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của lực lượng tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ với nhiều hoạt động sôi nổi phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Giữa những ngày bề bộn công việc ở Nghĩa Hành, ông Phạm Văn Đồng đã viết tác phẩm “Hồ Chủ tịch hình ảnh của dân tộc” in và phát hành rộng rãi trong vùng với số lượng lên đến hàng vạn quyển, góp phần giới thiệu chân dung vị lãnh tụ cách mạng đã và đang lãnh đạo của kháng chiến anh dũng vì độc lập tự do của toàn dân tộc.
Bia di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ và nơi làm việc của ông Phạm Văn Đồng. |
Đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chợ Chùa – Nghĩa Hành là nơi sống và làm việc những ngày cuối đời của một nhà yêu nước nặng nợ với non sông. Trong thời gian công cán ở đây, dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ đã gắng sức đi lại, thăm viếng chiến sĩ, đồng bào, kêu gọi mọi người đoàn kết, đồng lòng đi theo cụ Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Bức thư gởi đồng bào, phụ lão toàn quốc kháng chiến (Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư) do cụ Huỳnh viết năm 1946 và tự dịch ra quốc ngữ được lưu hành rộng rãi ở Quảng Ngãi thời gian này. Vì tuổi già, bệnh nặng, ngày 21/4/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời, di hài được đưa từ Chợ Chùa lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn – đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi.
Chợ Chùa, nơi đóng trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, nói riêng, Quảng Ngãi nói chung, là nơi từng làm việc của các nhân sỹ yêu nước, chiến sỹ cách mạng nổi tiếng cả nước (Lê Đình Thám, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Công Phương, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh...) cùng nhiều văn nghệ sỹ sau này trở thành những tên tuổi lớn trong nền văn nghệ cách mạng như Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Viết Lãm, Lệ Thi, Phan Huỳnh Điểu...
Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong toàn quốc bước sang một giai đoạn mới. Sau hội nghị chính trị viên toàn quân khu lần thứ nhất, ông Phạm Văn Đồng về nhận nhiệm vụ ở Trung ương. Cơ quan đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ giải thể, Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ dời vào làm việc tại Hoài Ân (Bình Định).
Từ thời điểm này, nơi làm việc của ông Phạm Văn Đồng - đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ cùng trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ trở thành một di tích, ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Ngãi, miền Nam Trung Bộ và cả nước.
Bộ tràng kỷ mà cụ Huỳnh từng ngồi làm việc và tiếp khách. |
Về tên gọi của di tích, trong các tài liệu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và một số bài viết lâu nay ghi là “Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ”, song khi truy tìm các văn bản của Chính phủ có liên quan, chúng tôi đều thấy ghi tên gọi của cơ quan làm nhiệm vụ quản lý hành chính và lãnh đạo kháng chiến kiến quốc ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong giai đoạn lịch sử tương ứng là “Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính miền Nam Trung Bộ” (2), sau đó sửa lại là “Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ”(3). Vì vậy, trong bài này chúng tôi sử dụng cụm từ “Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ”, để vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa theo đúng các văn bản pháp quy.
Nhà ông Nguyễn Tương được nhà nước phục dựng (1988) phỏng theo kiến trúc nguyên bản và hiện do người cháu nội là anh Nguyễn Lãnh trông nom. Tại đây còn lưu lại bộ tràng kỷ mà cụ Huỳnh từng ngồi làm việc và tiếp khách. Nhà ông Ngô Đồng đã được dựng bia bảng trong khuôn viên, hiện là nơi ở của gia đình ông Ngô Xuân Dương – cháu nội ông Ngô Đồng.
Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 3211- QĐ/BT ngày 12/12/1994.
Tịnh Hà - Phú Bình, tháng 9/2012
Lê Hồng Khánh
(Đón đọc kỳ tới: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng An Hải – Lý Sơn)
(1). Nam Trung bộ kháng chiến, Viện Lịch sử Đảng, HN 1992, trang 99).
(2). -Sắc lệnh số 120/SL Ngày 25/1/1948 giải tán Uỷ ban kháng chiến Miền Nam, thành lập Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính miền Nam Trung bộ và Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam bộ.
- Sắc lệnh số 126/SL ngày 25/1/1948 về việc chính thức công nhận ông Lê Đình Thám làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính miền Nam Trung bộ.
(3). Sắc lệnh số 149/SL ngày 29/3/1948 về việc bỏ chữ “kiêm” trong danh từ “Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính”