(QNĐT)- Di tích địa điểm huyện đường Đức Phổ nằm trong khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân huyện, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 40 km, về phía nam. Tại đây, vào rạng sáng ngày 8/10/1930, đoàn biểu tình gồm hơn 5.000 quần chúng dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã xông vào đốt công văn, hồ sơ, thu giữ ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, treo cờ, rải truyền đơn... làm chủ huyện đường, tạo nên một sự kiện lịch sử có tiếng vang lớn trong cả tỉnh và cả nước.
Theo ghi chép của các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí (1933), năm 1899 (niên hiệu Thành Thái thứ 11), huyện Đức Phổ được thành lập và trở thành 1 trong 6 phủ huyện của tỉnh Quảng Ngãi trước tháng 8 năm 1945. Lúc bấy giờ, người đứng đầu bộ máy cai trị phong kiến của một huyện là viên tri huyện. Giúp việc cho tri huyện có một đề lại và hai thừa phái thông lại.
Phù điêu ghi nhớ sự kiện nhân dân Đức Phổ chiếm cứ huyện đường ngày 8/9/1930. |
Ngoài ra còn có một viên lệ mục chỉ huy mười lính lệ làm nhiệm vụ canh gác huyện đường, trông coi tù nhân và chạy trát. Huyện đường là nơi làm việc của viên tri huyện và thuộc cấp. Vào thời điểm năm 1930 cho đến khi bộ máy cai trị phong kiến bị xóa bỏ trên toàn cõi Việt Nam, huyện đường của huyện Đức Phổ đóng tại khu vực nay là trụ sở Ủy ban nhân dân huyện.
Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, do ông Nguyễn Nghiêm làm bí thư, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Tháng 4 năm đó, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đức Phổ cũng hình thành, do ông Nguyễn Suyền làm bí thư
Ngay từ khi mới ra đời, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức nhiều đợt quần chúng đấu tranh bằng các hình thức bãi công, bãi thị, rãi truyền đơn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Vào thời gian nầy, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm đã được treo ở nhiều địa phương, đem lại niềm tin lớn cho quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Ông Nguyễn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, một trong những người lãnh đạo, tổ chức cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 |
Cuối tháng 9 năm1930, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị bàn việc đấu tranh, chia lửa với Xô viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị xác định hình thức đấu tranh lúc này là rải truyền đơn, treo cờ, tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng.
Nhận định rằng, huyện Đức Phổ là địa phương có cơ quan Tỉnh ủy đóng, lại có tổ chức cơ sở Đảng vững, phong trào quần chúng mạnh nên hội nghị nhất trí chọn địa phương nầy mở đầu cho đợt đấu tranh để rút kinh nghiệm mở rộng ra nhiều nơi trong tỉnh.
Theo kế hoạch thống nhất, tối ngày 7/10/1930, nhân dân các làng Hùng Nghĩa, Vạn Lý (xã Phổ Phong), Văn Trường (xã Phổ Văn), Mỹ Thuận, Kim Giao (xã Phổ Thuận), Bích Chiểu, Nhơn Phước, An Điền, An Tây (xã Phổ Nhơn), Thanh Lâm, Lộ Bàn (xã Phổ Ninh), Tân Tự, Hải Môn (xã Phổ Minh) cùng nhân dân một số nơi khác tập trung về Gò Cây Thị (thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh) làm điểm tập kết dự cuộc mít tinh. Tại đây, đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã diễn thuyết, vạch trần tội ác thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng và cổ vũ tinh thần quần chúng, trước khi nhân dân kéo về huyện lỵ Đức Phổ.
Sau cuộc mít tinh, đoàn biểu tình bừng bừng khí thế tiến về huyện lỵ. Có sự tổ chức, hướng dẫn chu đáo của Tỉnh ủy, quần chúng đi thành hàng ngũ chỉnh tề, xếp theo đoàn đội, có đoàn trưởng, đội trưởng chỉ huy, trong tay cầm gậy, dây thừng, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm. Lúc khởi hành đoàn biểu tình có trên 3 ngàn người, nhưng khi đi qua các làng, mỗi lúc, mỗi nơi đoàn lại lôi cuốn thêm rất đông người vào cuộc, nên khi đến huyện lỵ lực lượng quần chúng tham gia biểu tình lên đến trên 5 ngàn người, tạo khí thế cách mạng sôi sục.
Gần sáng, đoàn biểu tình đến huyện lỵ Đức Phổ. Hoảng sợ trước khí thế quần chúng, tri huyện Nguyễn Phan Lang cùng toàn bộ lính tráng, lại mục chạy trốn. Những người biểu tình xông vào huyện đường, đốt công văn, giấy tờ, hồ sơ, thả tù, treo cờ búa liềm... Tiếng hô khẩu hiệu của quần chúng vang động một vùng. Nhân dân đã làm chủ huyện lỵ nhiều giờ; bà con kéo nhau đi biểu tình thị uy xung quanh thị trấn Đức Phổ, đến 8 giờ cùng ngày đoàn người tự giải tán, đi về theo các hướng đã được chuẩn bị sẵn để tránh tai mắt địch theo dõi.
Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình, Tỉnh ủy chủ trương thành lập các đội tự vệ để giữ trật tự, động viên tinh thần đấu tranh. Khẩu hiệu đấu tranh là “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến!”; “Việt Nam độc lập, Chính quyền về tay công nông binh!”; “Giao xưởng máy cho thợ thuyền, ruộng đất cho dân cày”; “Giảm thuế điền, miễn thuế đinh, thuế đò.”; “Ủng hộ Nghệ An đỏ, chống khủng bố Nghệ - Tĩnh”; “Ủng hộ liên bang Xô Viết...”.
Những khẩu hiệu thiết thực của đoàn biểu tình đã lôi cuốn mạnh mẽ quần chúng lao động, đặc biệt là nông dân, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy.
Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhất là lúc địch đang tăng cường kiểm soát và đàn áp sau Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá lúc này không thể đặt vấn đề đánh đổ thiết chế quyền lực của bọn thực dân, phong kiến mà chỉ có thể tiến hành cuộc biểu tình với mục tiêu là đập tan uy thế chính trị của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai, qua đó nêu cao đường lối đấu tranh của Đảng và khí thế chính trị của quần chúng.
Mục tiêu của cuộc biểu tình là qua đấu tranh rèn luyện quần chúng, đảng viên, cán bộ tinh thần cách mạng, ý thức dân tộc và giác ngộ giai cấp; đấu tranh thực hiện mục tiêu độc lập, tự do; đấu tranh đòi quyền lợi trước mắt như xóa bỏ sưu và các thứ thuế vô lý, nhất là thuế đinh, vạch trần sự tàn ác, lừa bịp của thực dân và phong kiến tay sai, hạ uy thế của cường hào, địa chủ.
Trên cơ sở mục tiêu của cuộc biểu tình, Tỉnh ủy đề ra hình thức và biện pháp đấu tranh là biểu tình của quần chúng, tiến công chính trị vào huyện đường. Trong cuộc biểu tình, vũ lực được hạn chế, chỉ dùng để ngăn chặn những kẻ trực tiếp chống lại cuộc biểu tình.
Một trong những vấn đề hàng đầu của một cuộc đấu tranh là đảm bảo an toàn tính mạng của quần chúng. Xuất phát từ tình hình so với lực lượng hai bên và xác định lực lượng quân sự của địch là nằm bên ngoài huyện, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương phải vô hiệu hóa lực lượng quân sự của địch bằng cách làm chậm thời điểm chúng có mặt trong huyện và tranh thủ kết thúc cuộc đấu tranh trước khi chúng kéo vào huyện Đức Phổ.
Cùng chia lửa với nhân dân Đức Phổ, nhân dân Mộ Đức đã kịp thời chặt ngã nhiều cây ở ven quốc lộ 1 và tuyến đường Thạch Trụ- Ba Tơ để chặn đứng quân địch không cho chúng kéo vào huyện lỵ Đức Phổ đàn áp cuộc biểu tình, thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh có tổ chức. Qua đó thể hiện nghệ thuật chỉ đạo tiến hành và kết thúc cuộc biểu tình một cách sáng tạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Ngay cả kẻ thù, sau khi bỏ nhiều công sức điều tra về cuộc biểu tình cũng phải thừa nhận rằng những người lãnh đạo cuộc biểu tình có một uy tín lớn trong nhân dân và có trình độ tổ chức rất cao. Cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng và những kết quả đạt được, chứng tỏ quần chúng nhân dân đã giác ngộ, họ biết tự vệ một cách chính đáng và dũng cảm đấu tranh.
Từ đây, người dân lao động cùng khổ hiểu rằng chỉ có đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể vạch ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành những quyền lợi cơ bản.
Từ cuộc biểu tình đã mở ra một thời kỳ mới - đấu tranh xóa bỏ áp bức, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, chống lại thói bạo ngược của bọn cường hào và quan lại. Với sự chỉ đạo sáng tạo, cuộc biểu tình đã diễn ra với quy mô lớn, đạt được những mục tiêu chính trị đặt ra nhưng không đổ máu, đảm bảo an toàn cho quần chúng biểu tình.
Thắng lợi to lớn của cuộc biểu tình đã thể hiện lòng yêu nước và ý chí cách mạng kiên cường của nhân dân Đức Phổ, nhân dân các địa phương trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một trong những mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng, mở ra một trang sử mới cho phong trào đấu tranh của nhân dân Đức Phổ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
Từ cuộc biểu tình ở Đức Phổ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh dấy lên một phong trào cách mạng sôi động kéo dài từ tháng 10/1930 đến tháng 7/1931. Mặc dù phong trào bị địch khủng bố ác liệt, nhưng với ý chí ngoan cường, không chịu lùi bước trước sức mạnh bạo quyền, Quảng Ngãi trở thành một trong những đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước.
Làng Hùng Nghĩa (Phổ Phong) – một trong những địa phương có đông đảo quần chúng tham gia cuộc biểu tình chiếm cứ huyện đường. |
Các tài liệu còn để lại cho biết huyện đường Đức Phổ được thiết đặt trên một khoảnh đất hình chữ nhật, diện tích hơn 11 sào Trung bộ (90m x62m), phía tây giáp đường quan lộ (nay là Quốc lộ số 1). Bao bọc xung quanh huyện đường là một bờ tường thấp xây bằng gạch, cổng chính ra vào ở phía tây, phía bên trái cổng chính có một trạm canh nhỏ, hai bên cổng là hai cây nhãn.
Huyện đường là một ngôi nhà 3 gian 2 chái, diện tích 60m2 (10m x 6m), tường gạch, mái lợp ngói âm dương, chính diện hướng về phía tây, có bốn cửa ra vào: hai cửa phía trước và hai cửa đầu hồi. Phía bên sân phải huyện đường có một miếu nhỏ gọi là miếu âm hồn. Sân bên trái có nhà giam tù nhân và trại lính lệ. Trong khuôn viên huyện đường còn có nhà ở của gia đình viên tri huyện, nhà bếp và giếng nước.
Kiến trúc huyện đường Đức Phổ tồn tại cho đến năm 1960, trước khi chính quyền Sài Gòn cho phá bỏ để xây dựng trụ sở mới của quận Đức Phổ trên chính nền ngôi nhà huyện đường.
Từ sau năm 1975, khi nước nhà thống nhất, toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, trụ sở quận Đức Phổ được cải tạo, chỉnh trang để trở thành nơi làm việc của Ủy ban nhân dân huyện. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp khu nhà trở nên đẹp, tiện ích và khang trang. Phía mặt tiền khu nhà, chếch về hướng bắc, một bức phù điêu mang hình cờ đỏ búa liềm được xây dựng để kỷ niệm cuộc đấu tranh hào hùng ngày 8/9/1930.
Di tích huyện đường Đức Phổ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, theo Quyết định số 885-QĐ/VH ngày 7/5/1994.
Tháng 9/2012
Lê Hồng Khánh
Đón đọc kỳ tới: Di chỉ khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh