Nạo vét, thông luồng các cửa biển: Cần giải pháp bền vững

06:04, 11/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cửa biển bồi lấp làm cạn luồng chảy, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, dễ xảy ra tai nạn. Điều này không chỉ khiến ngư dân khốn đốn, vì thu nhập giảm, mất việc làm; mà còn kéo theo các hoạt động thương nghiệp, dịch vụ trì trệ...
Toàn tỉnh hiện có 6 cửa cá và cảng neo trú tàu thuyền, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi); Mỹ Á, Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), Trà Bồng (Bình Sơn) và Lý Sơn, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho gần 1.800/5.580 tàu thuyền của ngư dân. 
 
Không có đường dẫn ra khu vực neo trú tàu thuyền, khiến nhiều ngư dân phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) phải đi bộ, mang theo ngư lưới cụ ra thuyền.  Ảnh: Ý THU
Không có đường dẫn ra khu vực neo trú tàu thuyền, khiến nhiều ngư dân phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) phải đi bộ, mang theo ngư lưới cụ ra thuyền. Ảnh: Ý THU
Nguyên nhân là do các cửa biển thường xuyên bị bồi lấp, xói lở, khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn và rủi ro.
 
Chính vì vậy, việc nạo vét, thông luồng các cửa biển, để đảm bảo tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú, cũng như phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là hết sức cần thiết. Nhưng vấn đề là quy trình, giải pháp thực hiện như thế nào, để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình một cách bền vững.
 
Chủ tịch Hội Thủy lợi tỉnh Nguyễn Mậu Văn: “Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng”
 
Do tính chất phức tạp của các cửa sông, cửa biển, nhất là cửa Đại (sông Trà Khúc) và cửa Lở (sông Vệ), nên việc nạo vét, thông luồng phải được nghiên cứu, tính toán kỹ về các chỉ tiêu dòng chảy, thủy văn, động lực... Vì vậy, năm 2014, Bộ KH&CN tiến hành thực hiện Đề tài Khoa học công nghệ độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp quy hoạch và chỉnh trị ổn định các cửa sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi”. 
 
Sau 42 tháng nghiên cứu, Đề tài đã xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng bồi lấp cửa sông, sạt lở bờ biển tại cửa Đại và cửa Lở là do dạng cửa sông phẳng có mũi cát chắn cửa. Vì vậy, vào mùa khô, cửa sông sẽ bị bồi lắng; còn mùa lũ thì cửa biển bị xói lở. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Đề tài đã đề xuất đầu tư Dự án chống bồi lấp, sạt lở khu vực cửa Đại, sông Trà Khúc và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi), với tổng nguồn vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, nên ngân sách chỉ mới bố trí 116 tỷ đồng, để thực hiện công trình Chống sạt lở bờ bắc cửa Đại, Khu dân cư Khê Tân (TP.Quảng Ngãi) và nạo vét, thông luồng Cửa Đại, thuộc Dự án Chống bồi lấp Cửa Đại sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
 
Để giải quyết căn cơ vấn đề bồi lấp cửa sông, xói lở cửa biển, thì Nhà nước cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện đồng bộ dự án. Bởi, dự án không chỉ giải quyết triệt để vấn đề sạt lở, bồi lấp toàn khu vực cửa Đại, sông Kinh và Cổ Lũy, mà còn tạo điều kiện để xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão cho trên 1.000 tàu thuyền (công suất đến 800CV), góp phần thúc đẩy dịch vụ hạ tầng nghề cá phát triển. Tuy nhiên, trước mắt, cần tập trung đầu tư xây dựng 2 tuyến đê ngăn cát, giảm sóng phía bắc (750m) và phía nam (450m) cửa Đại sông Trà Khúc và kè chống sạt lở bờ biển, để đảm bảo an toàn dân sinh và tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào.
 
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Từ Văn Tám: “Về lâu dài, cần có giải pháp tổ chức nạo vét, thông luồng cửa biển theo hướng xã hội hóa”
 
Kinh phí thực hiện các hạng mục liên quan đến chống bồi lấp cửa biển (kè chống sạt lở, đê chắn sóng, nạo vét cửa biển...) cần nguồn vốn lớn, nên về hạ tầng tổng thể, cần nguồn vốn ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng bồi lấp cửa biển vẫn có thể tái diễn, nên để giảm áp lực cho ngân sách, thì việc nạo vét, thông luồng cần được xã hội hóa (XHH). Nhưng để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình, việc XHH công tác nạo vét, thông luồng cửa biển phải có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng với các giải pháp công trình phù hợp, nhất là việc xử lý cát bồi lấp ở khu vực cửa biển. Hơn nữa, lượng cát bồi lấp tại các cửa biển quá lớn, nên việc nạo vét, khơi thông luồng thường kết hợp với tận thu cát nhiễm mặn. Vì vậy, khi tiến hành XHH, phải có sự giám sát chặt chẽ, đảm bảo quá trình thi công đúng quy định, tránh tình trạng lạm dụng việc nạo vét, thông luồng để khai thác cát vượt quá trữ lượng cho phép.
 
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ Trần Phước Hiền: “Xã hội hóa phải nằm trong khuôn khổ pháp lý, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước” 
 
Kinh phí thực hiện nạo vét, thông luồng các cửa biển khá lớn, trong khi ngân sách hạn chế, nên XHH là cần thiết. Tuy nhiên, một số dự án XHH nạo vét, thông luồng cửa biển tồn tại nhiều bất cập, hiệu quả không cao; thậm chí còn gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, khu dân cư. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là năng lực doanh nghiệp (DN) thi công chưa đáp ứng; công tác kiểm tra và kiểm soát việc nạo vét, thông luồng hàng hải còn lỏng lẻo, chưa kịp thời... Hơn nữa, các dự án được thực hiện theo hình thức “lấy thu bù chi”, nên có tình trạng DN nạo vét không đúng luồng tuyến đã duyệt, nạo vét không đúng thiết kế...
 
Chính vì vậy, khi triển khai thực hiện công trình nạo vét, thông luồng cửa biển theo hình thức XHH, cần lựa chọn những DN đáp ứng cả chuyên môn lẫn năng lực, các giải pháp công trình phải đảm bảo an toàn công trình và khu vực xung quanh. Các ngành liên quan cũng phải tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát quy trình thực hiện, nhất là khối lượng thực hiện của DN, tránh tình trạng lạm dụng XHH để trục lợi.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương: “Cần nghiên cứu, đánh giá hiện tượng sạt lở, bồi lấp cửa biển, để có hướng xử lý triệt để, ổn định”
 
Ngoài cửa Đại, tỉnh cần thuê đơn vị tư vấn chuyên môn, để nghiên cứu và đề xuất các biện pháp chỉnh trị các cửa biển trên địa bàn tỉnh, qua các hạng mục, như: Nạo vét dòng chảy, xây dựng công trình hướng dòng, xây kè chống xói lở ở cửa biển, xây dựng hệ thống đập mỏ hàn... 
 
 Bên cạnh đó, việc đầu tư thực hiện cần đồng bộ, tránh chắp vá. Như cửa biển Sa Huỳnh, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tái bồi lấp là vì thiếu kinh phí, nên đê chắn cát được xây dựng ở giai đoạn 1 chưa đủ ngăn cát biển đưa vào luồng. Hiện tại, có 870m bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều phương tiện tàu cá không thể ra vào Cảng cá Sa Huỳnh. Từ “bài học” cửa biển Sa Huỳnh, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét, bố trí vốn (400 tỷ đồng), để đầu tư đồng bộ Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).
 
Ngoài ra, tại các khu neo đậu tàu thuyền, nhất là Cảng cá Sa Huỳnh có tình trạng người dân lấn chiếm mặt nước thuộc khu quy hoạch, để nuôi trồng thủy sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy của luồng lạch, mà còn gây nguy hiểm cho tàu thuyền mỗi khi ra vào. Vì vậy, chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ lồng bè. Nếu hộ nào cố tình vi phạm, thì phải có biện pháp và chế tài xử lý nghiêm, để tạo tính răn đe.
 
Ngư dân Nguyễn Chánh, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ): "Mỗi lần ra khơi là mỗi lần vất vả"
 
Ngư dân đánh bắt gần bờ chúng tôi vẫn thường neo đậu thuyền tại bến sông Trường, thuộc phường Phổ Vinh. Tuy nhiên, khu vực neo đậu lại ngăn cách với bờ sông bởi những hồ nuôi tôm do người dân nuôi tự phát.
 
Không có đường lưu thông, nên mỗi lần ra khơi, ngư dân chúng tôi phải đi bộ để khiêng ngư lưới cụ, đá, dầu, lương thực ra tàu rất vất vả. Nhiều lúc, đường đất trơn trượt lại quá hẹp, nên chúng tôi còn bị té ngã xuống hồ tôm.
 
Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng một tuyến đường rộng rãi dẫn từ trục đường bê tông chính của phường ra bến sông Trường, để ngư dân chúng tôi được thuận tiện hơn trong đi lại và sản xuất.
 
M.Hoa - Ý.Thu 
(thực hiện)
 
 

.