Quảng Ngãi còn trên 12 triệu m3 vật chất nạo vét cần xử lý

10:04, 03/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Trong khi nhiều doanh nghiệp cần nguồn cát để san lấp mặt bằng các dự án, thì không ít doanh nghiệp lại loay hoai chưa biết cách xử lý lượng cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất.
Trước thực trạng trên, sáng 3.4, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành và các doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý.
 
Theo ông Nguyễn Minh Tài-  Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, cho biết: Hiện nay, nhu cầu nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ra vào cảng Dung Quất của các doanh nghiệp khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét… 
 
Ngoài 15,39 triệu m3 vật chất cho phép Hòa Phát nhận chìm xuống biển, các dự án cảng biển của Quảng Ngãi cần nạo vét trên 12 triệu m3 vật chất. Cụ thể, cảng tổng hợp khoảng 7 triệu m3, Cảng Hào Hưng 4 triệu m3, Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất 1,6 triệu m3. Trên 12 triệu m3 vật chất này cần nghiên cứu dùng để san lấp mặt bằng ở vùng trũng nhiễm mặn.
 
Ngoài Hòa Phát, nhu cầu nạo vét của các doanh nghiệp tại KKT là rất lớn
Nhu cầu nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, bến cảng của các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất là rất lớn
 
Ông Nguyễn Minh Tài khẳng định: Thời gian qua, lãnh tỉnh và các sở, ngành luôn tạo môi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, vì vậy không có chuyện tỉnh Quảng Ngãi “quay ngoắt” trong việc Hòa Phát xin nhận chìm vật chất nạo vét xuống vùng biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Dung Quất. 
 
Ông Đinh Văn Chung- Phó Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát – Dung Quất cho biết: Sau khi được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp giấy phép nhận chìm vật chất ở biển, với khối lượng 15,3 triệu m3, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trong quý II/2019 này bắt đầu nạo vét khoảng 6 triệu m3 cát, bùn sét. Trong đó, Hòa Phát – Dung Quất sẽ sử dụng 2 triệu m3 cho việc san lấp nội bộ, 4 triệu m3 còn lại sẽ nhấn chìm tại khu vực đã được cấp phép.  
 
Ông Đinh Văn Chung, chia sẻ: Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào Dung Quất, với rất nhiều hạng mục, góp phần phát triển tầng kỹ thuật, xã hội cho địa phương, như hệ thống điện, nước, đường sá đồng bộ, hiện đại… Tháng 7 tới, Hòa Phát Dung Quất chính thức đi vào sản xuất. Tiến độ dự án là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả kinh tế, vì vậy, việc nạo vét cảng chuyên dùng của doanh nghiệp là bức thiết. 
 
“Khi lãnh đạo địa phương đưa ra chủ trương mới, đều dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, chứ không thể vì lợi ích riêng của doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của công đồng, của xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường”-  Ông Đinh Văn Chung nhấn mạnh.
 
Nhu cầu tận dụng nguồn cát, vật vất nhiễm mặn cho việc san lấp mặt bằng các vùng trũng tại KTT Dung Quất là rất lớn
Trong khi đó, nhu cầu tận dụng nguồn cát, vật chất nhiễm mặn cho việc san lấp mặt bằng các vùng trũng tại KTT Dung Quất cũng rất lớn
 
Bà Hà Thị Anh Thư- Bí thư Huyện ủy Bình Sơn khẳng định: Quan điểm của địa phương là nhất quán, là làm sao để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nên không có chuyện làm khó doanh nghiệp. Hòa Phát đã có giấy phép nhận chìm vật chất thì doanh nghiệp cứ tiến hành theo lộ trình. Tuy nhiên, việc nhấn chìm phải đảm bảo theo quy định và nếu gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. 
 
Ông Lê Văn Lý, đại diện Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi cũng khẳng định: Hiện doanh nghiệp Hào Hưng cần nạo vét khoảng 4 triệu tấn, nhưng doanh nghiệp đang khó khăn vì không có bãi chứa số cát nhiễm mặn nạo vét này, trong khi việc xin nhận chìm thì không thể, bởi rất tốn kinh phí và thủ tục có thể rất lâu. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ, có thể dùng để san lấp. 
 
Quang cảnh cuộc họp sáng 3.4 tại KKT Dung Quất
Quang cảnh cuộc họp sáng 3.4 tại BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi
 
Trong khi đó, ông Ngô Đại Dương- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Lũng Lô 2 cho biết: Doanh nghiệp sẽ cần khoảng 12 triệu m3 để san lấp mặt bằng các dự án ven sông Trà Bồng. Nếu được tận dụng các nguồn cát nhiễm mặn của quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất thì vừa đảm bảo môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Minh Tài kết luận: Các doanh nghiệp được phép nạo vét trong khu vực cảng Dung Quất, phải đăng ký với Ban Quản lý KKT Dung Quất về nhu cầu, lộ trình, khối lượng, đặc tính của vật chất nạo vét để xây dựng kế hoạch chung cho toàn bộ khu vực cảng, tránh chồng chéo. 
 
Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong khu KKT Dung Quất, ông Tài cũng yêu cầu, các doanh nghiệp phải có văn bản chính thức về kế hoạch, thời gian, tiến độ gửi về Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi để xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định. 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 
 

.