Lao động miền núi tham gia xuất khẩu lao động: Còn nhiều khó khăn

10:01, 19/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp nhiều lao động ở các huyện miền núi trong tỉnh thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là những năm gần đây, thị trường Malaysia đã không còn thu hút lao động, vì lương thấp. Trong khi đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc lại yêu cầu cao, thanh niên miền núi không đủ điều kiện. Chính vì vậy, dù đã nỗ lực rất nhiều trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa đạt tới 20% chỉ tiêu so với kế hoạch giao.
TIN LIÊN QUAN
Sàn giao dịch việc làm là nơi để người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm.
Sàn giao dịch việc làm là nơi để người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, toàn tỉnh được giao chỉ tiêu vận động XKLĐ 1.900 lao động và đã cơ bản hoàn thành được chỉ tiêu. Theo đó, ngành lao động đã giới thiệu về các địa phương khoảng 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đưa lao động đi xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác XKLĐ vẫn chưa phát triển đồng đều tại các địa phương, nhất là ở các huyện miền núi có lao động tham gia XKLĐ rất ít.
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH  Lương Kim Sơn: "Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ"
 
Công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay đã có sự phát triển rất tốt, tuy nhiên, chưa có sự đồng bộ. Cụ thể, ở những địa phương (chủ yếu các huyện đồng bằng) có số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều mang lại hiệu quả, thì đã có sự lan tỏa. Trong đó, thị trường Nhật Bản vẫn có số lượng người đi nhiều nhất, với khoảng 900 lao động trong năm 2019.
 
Nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ cộng tác viên. Trước đây, triển khai theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ có thị trường XKLĐ sang Malaysia. Thị trường này yêu cầu không cao, chỉ cần người lao động đủ sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm là được, nên đã có rất nhiều lao động ở các huyện miền núi trong tỉnh tham gia XKLĐ ở thị trường này. Tuy nhiên, thu nhập tại thị trường này không cao hơn so với làm việc tại Việt Nam. Trong khi đó, giá chi phí lại cao hơn. Vì vậy, đối với những thị trường có thu nhập không ổn định, thu nhập thấp, sở đã khuyên người lao động không nên đi.
 
Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, thì yêu cầu về ngoại ngữ cao, việc đào tạo tối thiểu phải 6 tháng. Song đại đa số người dân tộc thiểu số trong tỉnh có tâm lý mong muốn học nhanh, đi nhanh và muốn thu nhập cao. Chính vì vậy, giữa người lao động và doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ rất khó tìm được tiếng nói chung trong công tác XKLĐ ở giai đoạn hiện nay.
 
Để đáp ứng nhu cầu của người lao động, Sở LĐ-TB&XH đang tích cực phối hợp với các đơn vị được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người đi XKLĐ tại thị trường mới và “dễ tính” như Arập Xê út, Ru-ma-ni và một số nước Đông Âu. Các thị trường này cần lao động ngành nghề xây dựng, nên chỉ yêu cầu sức khỏe, còn ngoại ngữ không yêu cầu, nên khả năng người lao động miền núi sẽ có cơ hội tiếp cận đi được thị trường này. Đặc biệt, năm 2019 có thêm ngành mới là ngành điều dưỡng tại thị trường Nhật Bản. Tuy số lượng đăng ký đi ngành này chưa nhiều, nhưng sức lan tỏa và hiệu quả rất cao, thu nhập từ 30 - 70 triệu đồng/tháng/lao động.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai tập huấn đến cộng tác viên và chính quyền cấp xã. Đồng thời, định hướng cho các doanh nghiệp khi đến Quảng Ngãi là đi vào các thị trường trọng tâm, có thu nhập cao và tạo điều kiện cho người lao động thuận lợi thâm nhập về văn hóa, xã hội. Mặt khác, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường công tác truyên truyền vận động, phổ biến chính sách của tỉnh về việc cho vay 100% chi phí, hỗ trợ người dân miền núi đi XKLĐ. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, thì trong năm 2020, số lao động ở các huyện miền núi đi XKLĐ sẽ có tiến triển tốt hơn.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh: "Kinh phí hỗ trợ tuyên truyền ở các xã còn thấp"
 
Năm 2019, huyện Trà Bồng được giao chỉ tiêu đưa 70 lao động đi XKLĐ. Tuy nhiên, huyện chỉ đưa được trên 40 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nên không đạt kế hoạch giao. Thực tế, XKLĐ đã giúp nhiều hộ thoát được nghèo. Chính vì vậy, có nhiều lao động sau khi kết thúc thời gian lao động lại mong muốn được XKLĐ trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số người dân nhận thức còn hạn chế, nên chưa có nhu cầu. Ngoài ra, do không quen với tác phong công nghiệp, nên một số lao động sau khi qua nước ngoài không tuân thủ theo quy định mà trốn đi làm tự do, gây phiền hà cho đơn vị nhận đưa đi XKLĐ.
 
Để tuyên truyền đến người dân, huyện đã lồng ghép trong các chương trình đối thoại về giảm nghèo. Song do nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở ở các xã miền núi còn thấp, trong khi điều kiện đi lại khó khăn, nên họ chưa nhiệt tình trong công tác tuyên truyền. Một trong những giải pháp mà huyện đưa ra để tăng cường công tác truyên truyền về việc đưa lao động đi XKLĐ là trong các sàn giao dịch, huyện đã mời những lao động đã đi XKLĐ đem lại hiệu quả cao lên nói trước diễn đàn. Phải “nói có sách, mách có chứng” thì người dân mới tin.  
 
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây Nguyễn Văn Biên: "Hướng đến học sinh phổ thông và thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự"
 
Hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ là vấn đề khó khăn đối với huyện Sơn Tây cũng như các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, huyện Sơn Tây được giao chỉ tiêu XKLĐ là 20 người, nhưng chỉ có 3 lao động đi Malaysia. Năm 2019, huyện lại được giao 25 chỉ tiêu đi XKLĐ, nhưng chỉ có 2 lao động đi xuất khẩu làm việc tại Nhật Bản.
 
Một trong những nguyên nhân khiến công tác XKLĐ gặp khó khăn là do nhận thức của người dân tại địa phương còn hạn chế, đa số tâm lý không muốn xa nhà nên không đi. Để công tác XKLĐ được phát triển hơn, trong năm 2020, huyện sẽ phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh mở sàn giao dịch tại huyện Sơn Tây để người lao động dễ tiếp cận. Đặc biệt, huyện sẽ hướng đến đối tượng lao động có tiềm năng để đưa đi XKLĐ là học sinh phổ thông và thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương. Bởi đây là các đối tượng có nhận thức tốt, có định hướng nghề nghiệp và phần lớn chưa có gia đình, nên việc tham gia học tập tiếng Hàn, Nhật để đi XKLĐ tại các thị trường này sẽ thuận lợi hơn.
 
Anh Hồ Văn Út, xã Trà Thủy (Trà Bồng): "Yêu cầu ngoại ngữ làm khó người lao động"
 
Những năm trước, có rất nhiều thanh niên ở miền núi như tôi đăng ký đi XKLĐ ở Malaysia. Thế nhưng, nhiều người qua bên đó lao động vất vả lại được trả lương thấp, có người còn không để dành đủ tiền mua vé máy bay về nước đã trở thành nỗi ám ảnh của những người đi XKLĐ. Vì vậy, bây giờ nói đi Malaysia là mọi người không đi nữa. Nghe nói, đi XKLĐ bên các nước Nhật Bản, Hàn Quốc được trả lương rất cao, điều kiện làm việc cũng tốt, nên nhiều người muốn đăng ký đi. Thế nhưng, do yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc lại quá cao, khiến nhiều người bị rớt ngoại ngữ sau vòng sát hạch. Người lao động ở miền núi như chúng tôi sức khỏe thì có thừa, mong muốn có thị trường XKLĐ nào trả lương cao mà chỉ cần yêu cầu về điều kiện sức khỏe, không cần ngoại ngữ để được đi XKLĐ, có thu nhập, thoát được nghèo.
 
HỒNG HOA
(thực hiện)
 

.