Quản lý, sử dụng đất công ích: Làm gì để nâng cao hiệu quả?

04:11, 18/11/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích hình thành vào những năm 1993. Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý và sử dụng đất công ích ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh bộc lộ không ít bất cập. Nhiều nơi quản lý lỏng lẻo, không xác định được diện tích đất công ích, dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích, không phát huy hiệu quả.        

TIN LIÊN QUAN

Đất công ích là diện tích đất được trích ra từ quỹ đất nông nghiệp (khoảng 5 - 15%), do UBND cấp xã quản lý. Theo quy định, quỹ đất công ích dùng để cho thuê sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hoặc bù lại đất dùng xây dựng các công trình công cộng tại xã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc quản lý, sử dụng đất công ích bộc lộ không ít bất cập. Như quỹ đất công ích cho thuê quá thời hạn quy định; bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Thậm chí, đối với diện tích đất công ích manh mún, nhỏ lẻ, một số địa phương còn cho người dân “mượn”, nên rất dễ phát sinh tình trạng “hợp thức hóa” đất công ích.

Xây dựng nhà trên đất sản xuất nông nghiệp ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).
Xây dựng nhà trên đất sản xuất nông nghiệp ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Rà soát, xử lý các trường hợp sử dụng đất công ích sai mục đích”

Phải chấm dứt hợp đồng ký không đúng đối tượng và thời gian, cũng như mục đích sử dụng đất công ích. Đối với diện tích đất công ích không phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn cần chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất công ích; xây dựng phương án chuyển mục đích sử dụng phù hợp... nhằm ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích sai quy định, gây thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cũng phải có giải pháp bổ sung quỹ đất công ích từ diện tích đất khai hoang, đất chưa sử dụng, để có quỹ đất dự phòng sử dụng cho mục đích công ích, như xây dựng các công trình công cộng tại địa phương...  

Hiện nay, huyện đang chỉ đạo UBND các xã tập trung rà soát, thống kê cụ thể diện tích đất công ích hiện có, cũng như thực trạng đất đã và đang sử dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất công ích, thì cần cho phép các hợp tác xã, tổ chức được thuê đất; đồng thời kéo dài thời hạn cho thuê, để họ mạnh dạn đầu tư phát triển. Bởi thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, lẻ ở các hộ gia đình, cá nhân nên hiệu quả chưa cao. Nhiều trường hợp người dân không sản xuất, khiến đất nông nghiệp hoang hóa, nên cần được tích tụ, hình thành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Phải cập nhật biến động kịp thời”

Thực tế, các địa phương không nắm chắc diện tích đất công ích, lại không kịp thời cập nhật biến động, nên có sự chênh lệch rất lớn giữa diện tích hồ sơ và thực địa. Điều này dễ dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát. Nhất là sau một thời gian sử dụng, người dân kê khai là đất khai hoang và lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Bên cạnh đó, việc quản lý được chuyển giao từ HTX, sang UBND xã, nên số liệu địa chính theo hồ sơ 299 chưa đầy đủ, thậm chí sai sót. Đó là chưa kể một số địa phương thất lạc hồ sơ giao đất cũ (giai đoạn 1993 - 1995), nên khó có thể xác định được chính xác diện tích, vị trí, nguồn gốc, hiện trạng sử dụng quỹ đất công ích đến từng thửa đất...

Khi xây dựng phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64, đa phần đất tốt và tập trung thì giao cho người dân; còn đất xấu hoặc nhỏ lẻ, phân tán, nằm rải rác thì đưa vào quỹ đất công ích. Vì vậy, hiện nay vẫn còn nhiều diện tích đất công ích nằm trong khuôn viên đất thổ canh, nhỏ lẻ và khó thể hiện trên bản đồ, chưa được thống kê đầy đủ.
 
Có những diện tích đất công ích chung thửa, nhưng khác chủ, nên không giao được cho hộ gia đình khác sử dụng... Khắc phục tình trạng trên, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành điều tra, xác minh các thửa đất manh mún, nhỏ lẻ hoặc khu vực bị sa bồi thủy phá, để có phương án thu hồi và đưa vào quỹ đất tập trung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết: “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai”

Vì chưa am hiểu các quy định của pháp luật đất đai, nên có trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với cơ quan nhà nước và UBND cấp xã, để kê khai đăng ký đối với diện tích hiện đang sử dụng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng không thống kê được chính xác diện tích, thực trạng sử dụng đất công ích trên địa bàn.
 
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất công ích, huyện đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và về thẩm quyền giao thầu, sử dụng đất công ích tới toàn thể cán bộ ở cấp thôn và người dân. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã tập trung rà soát và có giải pháp thu hồi toàn bộ diện tích đất công ích đã giao sai thẩm quyền.

Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Mai Duy Tuấn: “Rạch ròi quỹ đất của người dân và quỹ đất công ích”

Khi triển khai thực hiện dự án đo đạc bản đồ địa chính, cần tách riêng diện tích đất công ích, để không nhầm lẫn với đất giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; đồng thời thực hiện kê khai đăng ký vào sổ địa chính để quản lý.

Cùng với đó, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm túc các quy hoạch có liên quan; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hạn chế việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng quỹ đất này để làm nguồn bồi thường cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi trong thời gian tới; tích cực hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai cho cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) Huỳnh Văn Như: “Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa”

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc canh tác, sản xuất ổn định, mà dồn điền, đổi thửa còn là cơ hội để các địa phương kiểm tra, quy hoạch lại diện tích đất công ích cho gọn vùng, gọn thửa, tạo thuận lợi hơn cho việc giao khoán và quản lý sử dụng.
 
Vì vậy, trường hợp chưa quy tụ được số diện tích đất công ích thành từng thửa cụ thể, thì phải thiết lập lại hồ sơ với từng hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng để thuận lợi trong việc quản lý, tránh để hoang hóa và lãng phí.

Thanh Phong
(thực hiện)

 

.