Siết chặt quản lý thủy sinh ngoại lai

09:08, 22/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều loài động, thực vật mới được du nhập từ nước ngoài vào nước ta. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan các loại dịch bệnh và tàn phá hệ sinh thái bản địa...

TIN LIÊN QUAN

Với đặc tính
Với đặc tính "đẻ nhiều, lớn nhanh, ăn tạp và thích nghi rộng", nên ốc bươu vàng trở thành "đại họa" của ngành sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 48 loài động, thực vật thủy sinh ngoại lai, trong đó có 14 loài tác động xấu tới đa dạng sinh học và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống. Những loài như: Tôm hùm đất, rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá hoàng đế, ốc bươu vàng, cây mai dương, bèo Nhật Bản, chuột hải ly... cần được quản lý chặt chẽ.

Tăng cường kiểm soát

Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành, cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh tăng cường kiểm soát đối tượng thủy sinh ngoại lai nguy hại, đặc biệt là tôm hùm nước ngọt (còn gọi là tôm hùm đất) trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh, phát tán... nhằm ngăn chặn sự phát tán và gây hại của đối tượng thủy sinh ngoại lai nguy hại.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông: “Cần kiểm soát loài thủy sinh ngoại lai nguy hại”

Trong khi Điều 7, Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định nghiêm cấm việc nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại, thì Khoản 1, Điều 52 của luật này lại quy định: “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”. Nghĩa là, loài ngoại lai sẽ được nuôi, nếu được UBND tỉnh cấp phép và đã qua khảo nghiệm! Vấn đề là, khảo nghiệm và cấp phép hiện tồn tại khá nhiều vướng mắc, nên nếu không được kiểm soát chặt, rất dễ dẫn đến tình trạng “hợp thức hóa”.

Chính vì vậy, cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung kiểm soát loài thủy sinh ngoại lai nguy hại của Luật Đa dạng sinh học. Ngoài ra, đề nghị các ngành liên quan chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá danh mục giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cũng như quy trình khảo nghiệm, công nhận các loại giống nông, lâm, thủy sản; đảm bảo việc nhập khẩu, phát triển loại ngoại lai không gây tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học. Đồng thời, nâng cao năng lực và sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và người dân trong công tác phòng ngừa, kiểm soát loài thủy sinh nguy hại; tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, làm cơ sở cho việc điều tra, đánh giá và xác định cụ thể mức độ gây hại, để đưa vào danh mục đối tượng ngoại lai nguy hại.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phạm Bá: “Tăng cường công tác tuyên truyền”

Thực tế, người mua các loại động, thực vật mới, độc lạ về nuôi chỉ vì thích sưu tầm hoặc thú vui tiêu khiển, mà không am hiểu về đặc tính sinh học cũng như nguồn gốc, nên không lường trước được những hậu quả mang lại. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh, thủy sinh ngoại lai có thể gây tác hại đến sản xuất nông nghiệp, cảnh quan, môi trường và ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi. Đáng kể nhất là ốc bươu vàng (OBV). Sau khi được du nhập từ Trung Mỹ và Nam Mỹ về nước ta vào những năm 80, gần 40 năm qua, OBV được coi là “thảm họa” đối với môi trường trong cả nước. Dù nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp diệt trừ, nhưng với đặc tính “đẻ nhiều, lớn nhanh, sống dai”, nên OBV vẫn cứ sinh sôi và phát triển tràn lan, mà không có cách nào tiêu diệt triệt để.

Hay như lục bình (bèo tây, bèo lục bình, bèo Nhật Bản) du nhập vào nước ta những năm 90. Với tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, bèo phủ kín mặt nước, làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, gây chết cá và những loài thủy sinh khác. Hơn nữa, lục bình còn cản trở dòng chảy ở các sông, kênh, mương... Gần đây nhất là tôm hùm đất. Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp và sống dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao.

Đối tượng này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa là đối tượng gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Để tôm hùm đất không trở thành “đại họa” cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyền truyền người dân biết tác hại của đối tượng này. Đồng thời, tham mưu cho Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng: “Tăng chế tài xử phạt thật nặng”

Không phải loài thủy sinh ngoại lai nào cũng gây hại và tác động tiêu cực đến môi trường sống của đối tượng nội địa. Bởi ngoài hiệu quả kinh tế, thì thủy sinh ngoại lai cũng góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học của các loài trong nước. Tuy nhiên, vì công tác quản lý kiểm soát còn lỏng lẻo, nên nhiều loài thủy sinh ngoại lai đã được chứng minh là nguy hại vẫn “lọt” vào nước ta. Hơn nữa, các loài thủy sinh ngoại lai nhập về nước ta chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, nhập lậu, nên việc phát hiện và xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển chưa kịp thời. Việc xử lý thì mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và tiêu hủy tang vật, chứ chưa xử lý hình sự, nên không đủ sức răn đe.  

Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp buôn lậu thủy sinh ngoại lai nguy hại, cần tăng mức xử phạt thật nặng. Thậm chí, có thể xử lý nghiêm theo Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”, để tạo tính răn đe.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Cần sự chung tay của cả cộng đồng”

Những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện lao đao với cây trinh nữ đầm lầy (cây mai dương). Đây là đối tượng được xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới, bởi ngoài việc phát triển nhanh, cây mai dương còn có thể giết chết nhiều loại động vật, vì độc tố có trong thân. Mặc dù chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức ra quân cũng như triển khai thực hiện các mô hình diệt trừ, nhưng vẫn không thể tiêu diệt triệt để loài cây này.

Để ngăn chặn mối nguy hại của các loài thủy sinh ngoại lai gây hại, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị liên quan. Cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tác hại và cách nhận biết thủy sinh ngoại lai; khuyến cáo nông dân và những người đam mê nuôi trồng sinh vật cảnh nên cảnh giác, không chủ quan khi tiếp nhận những loài thủy sinh ngoại lai không rõ nguồn gốc, đặc tính; các doanh nghiệp, nhà hàng không tiếp nhận và tiêu thụ, chế biến những sinh vật ngoại lai... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi nhập lậu; cũng như kiểm soát tại các chợ để sớm phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của các đối tượng thủy sinh ngoại lai.

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) Huỳnh Văn Như: “Công bố danh sách và tác hại của các loài nguy hại"

Vì thiếu thông tin, nên khi thấy một số loại vật nuôi, cây trồng mới, lại được truyền miệng là dễ trồng dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, một số người dân đã đầu tư trồng hoặc nuôi thử. Đến khi xảy ra thiệt hại, người dân mới biết đó là sinh vật ngoại lai nguy hại.
 
Hơn nữa, công tác quản lý còn "hở", nên việc ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của thủy sinh ngoại lai nguy hại chưa hiệu quả. Bởi, từ lúc xuất hiện và phát tán ra môi trường, đến khi được các đơn vị liên quan xác định "đích danh" thì, các loài thủy sinh ngoại lai nguy hại đã bùng phát và gây hại trên diện rộng.
 
Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước cần kiểm tra chặt việc nhập giống ngoại lai, đồng thời công bố rộng rãi những thông tin liên quan đến đối tượng ngoại lai nguy hại, như: Đặc điểm nhận dạng, nguồn gốc xuất xứ, tác hại... để người dân biết và không tổ chức sản xuất.

MỸ HOA  
(thực hiện)


 

.