Nông, thủy sản chật vật tìm đường... xuất ngoại

02:05, 28/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu là hướng đi quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) và nông dân chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng hiệu quả, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đang chật vật trong việc xuất khẩu, vì chưa đáp ứng các quy định của đối tác...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều rào cản

“Thị trường tiêu thụ nông, thủy sản phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, nên thường xảy ra tình trạng ùn ứ, rớt giá, phải đổ bỏ khi đối tác ngừng thu mua, hoặc thay đổi chính sách nhập khẩu. Vì vậy, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắc khe của đối tác, trong khi phần lớn nông, thủy sản của Quảng Ngãi chưa đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP).

Xuất khẩu tôm đang gặp khó vì không đáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe của đối tác, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu tôm đang gặp khó vì không đáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe của đối tác, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.


Hiện nay, người dân vẫn chưa thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất. Chính vì vậy, nông sản tuy dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhưng vẫn không được nhiều thị trường lớn đón nhận.

Còn xuất khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm hiện cũng điêu đứng khi thị trường thế giới đã tạm ngưng nhập khẩu tôm nước ta, vì nghi nhiễm vi rút bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. “Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn dùng kháng sinh, hóa chất cấm trong nuôi tôm; DN vẫn dùng các chất bảo quản tôm sau thu hoạch không có trong danh mục được phép ban hành của Bộ NN&PTNT”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông lý giải.

Đảm bảo nguyên liệu

Thực tế hiện nay, người dân và các tổ chức sản xuất đang áp dụng khá nhiều các hệ thống chứng nhận, như: VietGAP, GAP, GlobalGAP, ASC... nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh ATTP, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Thế nhưng, hệ thống này mới chỉ được áp dụng nhiều ở các trang trại quy mô lớn, có liên kết với DN, chưa áp dụng trong chăn nuôi hộ gia đình. Điều này khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, nên khó tiếp cận và mở rộng thị phần ở các thị trường mới. Đơn cử như việc xuất khẩu tôm.

Trong khi các thị trường lớn truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ con giống đến thức ăn, vùng nuôi, nhà máy chế biến và khâu phân phối ra thị trường, thì việc nuôi trồng ở tỉnh ta lại diễn ra kiểu “mì ăn liền”. Đó là sử dụng con giống trôi nổi, kém chất lượng; nguồn nước không đảm bảo quy chuẩn; người nuôi tôm lạm dụng các loại thuốc tăng trưởng, kháng sinh trong quá trình nuôi...

Chấn chỉnh tình trạng này, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương cần phải quy hoạch, tổ chức các chuỗi nuôi trồng, chế biến theo yêu cầu, chứng nhận của từng thị trường cụ thể. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân, DN liên kết chuỗi sản xuất theo hướng bền vững về mặt môi trường, xã hội và tăng cường gắn kết người sản xuất quy mô nhỏ với toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm.

Đối với các DN tham gia vào chuỗi sản xuất, cần thường xuyên đào tạo cho công nhân, người lao động trong việc thực hành quy trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời tích cực cập nhật và chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn chất lượng mới, nhu cầu thị trường, để có chiến lược phát triển phù hợp.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.