Học bán trú bậc tiểu học: Nhu cầu cao, cơ sở vật chất không đảm bảo

08:10, 02/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đa số các trường tiểu học ở trung tâm TP.Quảng Ngãi đều tổ chức mô hình trường bán trú. Tuy nhiên, do nhu cầu học bán trú gia tăng, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, nên đã gây không ít khó khăn cho nhà trường và phụ huynh.

TIN LIÊN QUAN

Cứ mỗi dịp vào đầu năm học mới, các trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi lại căng thẳng trong việc giải quyết nhu cầu học bán trú cho học sinh.

Chưa thể đáp ứng nhu cầu

Là địa phương có nhiều khu đô thị mới được quy hoạch, xây dựng, nên trong những năm gần đây, dân số của phường Chánh Lộ tăng lên rất nhiều. Cũng từ đó, nhu cầu gửi con em học bán trú tại trường cũng gia tăng. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ Lữ Đình Thành, cho biết: Năm học 2017- 2018, số lượng học sinh lớp 1 tăng gấp đôi so với năm học trước với 8 lớp. Mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng trước nhu cầu của phụ huynh, trường đã mở rộng khu nhà ăn, xây dựng thêm 3 phòng học cho học sinh.

Nhà ăn cho học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi)
Nhà ăn cho học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) "quá tải".

Đối với phòng ăn còn thiếu, trường tận dụng dãy hành lang bố trí cho các cháu ăn trưa, nên giải quyết được 6 lớp bán trú lớp 1. “Khó nhất là thiếu phòng ngủ cho học sinh. Trước mắt, trường sắp xếp cho một số học sinh ngủ ở phòng học, bố trí máy quạt, máy điều hòa, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em”, thầy Thành cho biết thêm.

Còn tại Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, đây là năm thứ ba tổ chức học bán  trú cho học sinh. Năm học 2017 - 2018, trường có 270 học sinh, trong đó số lượng học sinh có nhu cầu học bán trú tăng đột biến. Do đó, nhà trường đã huy động kinh phí xây dựng thêm nhà ăn, phòng ngủ, lắp đặt thêm máy điều hòa tại các phòng ngủ cho học sinh; mở rộng nhà ăn, với tổng diện tích 160m2. Nỗ lực là vậy, nhưng so với nhu cầu hiện nay, trường chưa đáp ứng điều kiện bán trú cũng như tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh.

Với Trường Tiểu học Trần Phú cũng vậy, do thiếu cơ sở vật chất, nên trường chỉ tổ chức bán trú 9/25 lớp cho 3 khối 1,2,3. Riêng khối lớp 1 năm nay tăng đột biến, với 420 học sinh. “Tuy nhu cầu học bán trú lớn, nhưng do cơ sở trường có hạn, nên trường chỉ giải quyết bán trú cho 3 lớp khối 1”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú Nguyễn Quyền cho hay.

Không như các trường ở trung tâm thì một số trường vùng ven của thành phố điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh càng khó khăn gấp bội.
 
Hiện TP.Quảng Ngãi có 369/607 lớp thuộc 37 trường tiểu học có tổ chức dạy hai buổi/ngày (chiếm 60%). Tuy nhiên, chỉ có 60/607 lớp tổ chức bán trú, mới chỉ đạt hơn 10% so với nhu cầu hiện nay.
Nỗi lo mất an toàn

Khi gửi con bán trú tại trường cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh gần như giao con mình cho nhà trường trong việc quản lý học tập, ăn uống, vui chơi đến các hoạt động liên quan khác. Với học sinh bậc tiểu học, nhất là học sinh đầu cấp, ý thức tự chăm sóc bản thân của các em còn nhiều hạn chế. Các em chưa thể kiểm soát được các hành vi của mình, nhất là việc giữ an toàn cho bản thân.

Bảo mẫu Đoàn Thị Bích Đào ở Trường Tiểu học Chánh Lộ, cho biết: “Học sinh ở bậc tiểu học rất hiếu động, nghịch ngợm nên quản lý các em phải có kỹ năng, kinh nghiệm. Bên cạnh có bảo mẫu theo dõi, trường còn cử cán bộ công đoàn, giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên phối hợp trong việc quan sát, theo dõi sát sao các em, để kịp thời uốn nắn, tập cho các em tuân theo nền nếp quy định, hạn chế những tai nạn thương tích không đáng có”.

Thực tế thời gian qua, tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố do nghịch ngợm nên bị thương tích, dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Do đó, việc quản lý, chăm sóc học sinh bán trú là vấn đề cần được các trường lưu tâm.

Cùng với đó là nỗi lo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngộ độc thức ăn tập thể. Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Văn Oai, cho biết: Tại các trường không bắt buộc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, nhưng đều phải có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP. Hầu hết các trường đều có hợp đồng với một số đơn vị cung cấp thực phẩm rau củ quả, thịt, trứng... Tuy nhiên, khó có thể khẳng định nguồn thực phẩm nào sạch, an toàn. “Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, các trường cần lựa chọn nơi cung cấp thực phẩm uy tín, có giấy chứng nhận. Bởi ngoài điều kiện vệ sinh, thì nguồn nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo, về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con trẻ”, ông Oai chia sẻ.

Cần tăng thêm trường, lớp bán trú

Trường lớp bán trú không đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay, nên nhiều phụ huynh đi làm cả ngày đang có con học tiểu học rất lo lắng vì không biết gửi con ở đâu. Chị Đặng Thúy Lan, ở phường Trần Phú, chia sẻ: “Hiện tại, vợ chồng tôi đều phải làm cả ngày. Chúng tôi muốn gửi con học bán trú, nhưng trường nơi con tôi học không xét vào lớp bán trú, trong khi đó lại bố trí lịch học hai buổi trong ngày, nên gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón cháu đi học”. Hiện nay, do yêu cầu tổ chức học chương trình 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, nên nhu cầu bán trú lại càng bức thiết hơn.

Thực tế hiện nay, nhu cầu học bán trú là rất lớn, trong khi đó nguồn lực, cơ sở vật chất thì có hạn, vì thế một số phụ huynh phải lo chạy gửi con em tại nhà người quen, hay gửi con đến nhà cô giáo chăm giúp. Đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài đòi hỏi ngành giáo dục và các cấp chính quyền cần có giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và nâng cao chất lượng học tập, chăm sóc học sinh bậc tiểu học.
              

Bài, ảnh: KIM NGÂN


 

Cần xã hội hóa công tác bán trú

 

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động bán trú tại các trường tiểu học hiện nay, Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Anh, cho biết: Ngành đã thấy rõ những hạn chế đó, nhưng chưa thể thực hiện được.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông NGUYỄN VĂN ANH: Hiện nay, việc tổ chức dạy học bán trú được thực hiện ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chất lượng giữa các trường không phải như nhau, đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc học sinh tại trường. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng toàn diện của việc dạy học bán trú đang là một vấn đề cấp thiết. Tỷ lệ trường dạy 2 buổi/ngày còn thấp, do gặp khó khăm về giáo viên. Nếu dạy 2 buổi/ngày thì phải tăng giáo viên, nhưng khung biên chế giáo viên của thành phố chưa thể tuyển thêm.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bán trú còn thiếu, chưa đảm bảo, một số trường chỉ mới được đầu tư phòng ở bán trú.  Nguyên nhân do nguồn ngân sách nhà nước chưa thể đầu tư để đáp ứng nhu cầu học bán trú ngày càng cao cho học sinh tiểu học trên địa bàn. Một số trường huy động sự đóng góp của phụ huynh, doanh nghiệp... để đầu tư thêm, nhưng không phải nơi nào cũng nhận được sự đồng thuận đóng góp từ phụ huynh học sinh.

PV: Vậy ngành giáo dục thành phố có những giải pháp gì trong công tác này?

Ông NGUYỄN VĂN ANH: Thực tế hiện nay, chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể tự giải quyết được tất cả mọi khó khăn, thách thức mà đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, ban ngành có liên quan. Trước hết, cần có  sự phối hợp thống nhất, đồng thuận từ các bậc phụ huynh. Có như thế, mới có thể chung sức tạo dựng một môi trường bán trú đảm bảo chất lượng một cách toàn diện nhất cho thế hệ tương lai của đất nước.

Về lâu dài, việc đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức chăm sóc bán trú cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, vì nguồn ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng. Hiện nay, Phòng GD&ĐT thành phố đang tham mưu UBND thành phố tăng cường kêu gọi xã hội hóa xây dựng thêm trường, lớp bán trú cũng như các trang thiết bị phục vụ bán trú. Hiện tại đã có một đơn vị tư nhân xin chủ trương mở trường tư thục bậc tiểu học chất lượng cao. Thành phố cũng đã có chủ trương xây dựng một trường tiểu học công lập tại trung tâm thành phố, nhằm giảm tải học sinh cho các trường, đáp ứng nhu cầu học bán trú ngày càng cao.

TRÍ PHONG (thực hiện)

 


 


.