(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, lần đầu tiên Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội nghị với sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú xã Hành Tín Tây là hợp tác xã đầu tiên của huyện Nghĩa Hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sau một năm hoạt động, HTX đã tạo được mối liên kết từ việc thu mua thức ăn, cung cấp dịch vụ thú y, xây dựng vùng giống trong dân, xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất rau sạch ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). |
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Trước việc một số trang trại và người dân chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thiếu sự kiểm soát, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, nhất là gây bất lợi cho các nhà chăn nuôi chân chính. Với người chăn nuôi nhỏ lẻ thì không xác định được thị trường bán sản phẩm mà chủ yếu là do thương lái... Chính vì những lý do đó mà HTX ra đời với mục đích là tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý. HTX đã từng bước xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, như gà sạch, bò sạch, heo sạch... Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bền vững thì HTX cần tạo cơ hội tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm...
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10.2.2014 với nhiều ưu đãi và được xem là quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy, khuyến khích các DN tìm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có DN nào đăng ký dự án để được hỗ trợ. Nguyên nhân là do dự án không đáp ứng các điều kiện để được hỗ trợ về sự phù hợp quy hoạch, quy mô diện tích, công suất, yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tỷ lệ lao động địa phương được sử dụng... hoặc các ưu đãi đó chưa thực sự đủ hấp dẫn để khuyến khích các DN đầu tư.
Doanh nghiệp có vai trò nòng cốt trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như đẩy mạnh CCHC, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để huy động cao các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Tăng cường mời gọi DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với xây dựng cánh đồng lớn; đẩy mạnh liên kết “4 nhà”... Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 5,7%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản; giá trị sản phẩm thu được/ha đất canh tác cây trồng đạt trên 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp chưa có sự chuyển biến, đột phá rõ rệt và chưa thật sự vững chắc, chưa tạo lập được mối liên kết trong sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. Nông dân sản xuất theo tự phát, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá và ngược lại” gây thiệt hại cho người sản xuất.
Có thể nói, hiệu quả không cao, nhiều rủi ro, cùng những bất cập và thiếu kịp thời trong cơ chế chính sách đã gây nhiều khó khăn trong việc mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều DN thẳng thắn chia sẻ “những rào cản” khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Ngãi, đó là nguồn vốn, là nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về “thực phẩm sạch”, “nông sản sạch” chưa đồng nhất... Để “tháo gỡ” những rào cản này, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen canh tác của người nông dân để sản xuất theo chuỗi, theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Đây được xem là yếu tố tiên quyết để nông sản khu vực nông thôn phát triển theo hướng hàng hóa.
Để DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trước hết lãnh đạo tỉnh phải đi đầu, tuyên truyền vận động bà con nhân dân sử dụng các loại phân bón hợp lý, nhất là tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất tối thiểu là 50% vô cơ và 50% hữu cơ. Khi sản xuất được phân bón hữu cơ thì đương nhiên ra được nông sản hữu cơ và chính người nông dân sẽ sử dụng nông sản hữu cơ sạch. Tôi nghĩ tỉnh nên có chương trình, dự án đầu tư khoa học kỹ thuật, nghiên cứu một cách cụ thể tác động của phân bón, nước vào đất như thế nào; có chính sách, dự án giúp bà con đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư về giống, về phân bón, kênh mương nội đồng... Hiện nay, chúng tôi đang thăm dò thái độ của các cơ quan quản lý nhà nước, thăm dò người dân và đặc biệt là thăm dò người tiêu dùng xem thử họ sử dụng như thế nào và sau đó sẽ có những triển khai trên quy mô lớn. Đặc biệt là, năm 2017, Tập đoàn Quế Lâm sẽ thành lập chi nhánh tại Quảng Ngãi và sẽ tham gia vào từ công đoạn sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Người nông dân làm được với Quế Lâm thì chỉ lo việc sản xuất, còn đầu vào là Quế Lâm đầu tư. Và tôi nghĩ rằng, với phương pháp này người nông dân ở Quảng Ngãi và Quế Lâm sẽ gắn bó lâu dài. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang xây dựng khu sản xuất rau sạch, diện tích 5ha ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) theo mô hình nông nghiệp cao. Tất cả nhà lưới, nhà vòm có khả năng chống bão, phù hợp với thời tiết ở miền Trung. Làm nông nghiệp ở vùng nhiều mưa bão như ở Quảng Ngãi rất đau đầu, không dễ chút nào và chúng tôi đã phải suy nghĩ ra đường hướng, có thể áp dụng công nghệ cao nhưng duy trì, bảo quản tài sản đó được là khó và đầy thử thách. Tuy nhiên, khó khăn mà chúng tôi gặp phải là ý thức của người tiêu dùng chưa cao, người dân vẫn quen với việc mua rau là phải rẻ, vì thế khi chúng tôi làm nông sản có giá trị cao hơn, đơn giá cao hơn thì ít người tiêu dùng chấp nhận. Do đó, để thay đổi được suy nghĩ, nhận thức của người nông dân, người tiêu dùng về sản xuất và sử dụng thực phẩm sạch thì tỉnh phải tính toán để làm sao đó DN đầu tư vào nông nghiệp yên tâm hơn và thu hút được nhiều DN tham gia vào việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh nhiều hơn. Là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, nên việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là vấn đề quan trọng. Hiện nay, huyện đã liên kết và hợp tác đầu tư được với một số tổ chức, DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, số DN đầu tư ở huyện chưa phải là nhiều và chưa đạt theo mong muốn. Để phát triển bền vững khu vực nông thôn, nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân, trước hết cần nâng cao nhận thức cho người dân về việc sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn để bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với đó huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. |
Bài, ảnh: THANH THUẬN