(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 27/2013/QĐ-UBND về việc thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh và đã đạt được một số kết quả tích cực. Song, qua một thời gian áp dụng, chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần có sự thay đổi, với cách tiếp cận mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trọng dụng người tài
Gần 3 năm trước, bác sĩ Trần Văn Minh, quê xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tốt nghiệp Đại học Y dược Huế đã tình nguyện về công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Với sự nhiệt tình, ham học hỏi, bác sĩ Minh đã có nhiều đóng góp vào hoạt động chuyên môn của bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, chỉ sau 8 tháng làm việc, nhận thấy bác sĩ Minh có hướng phát triển, tâm nguyện gắn bó lâu dài với bệnh viện, nên lãnh đạo cơ quan quyết định cử anh đi học chuyên khoa định hướng tâm thần tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Y tế là lĩnh vực thu hút nhân lực chất lượng cao nhiều nhất tỉnh. |
Điều này đã giúp bác sĩ Minh yên tâm công tác, phát huy được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để đóng góp cho bệnh viện. Tương tự, bác sĩ Đỗ Văn Đông cũng về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghĩa Hành theo diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Trong 3 năm qua, bác sĩ Đông có nhiều đóng góp tích cực cho cơ quan và huyện Nghĩa Hành.
Trong 3 năm qua, Sở Y tế là nơi thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao theo Quyết định của UBND tỉnh nhiều nhất tỉnh, với 152 người. Ông Huỳnh Từ - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế), đánh giá: Với nền tảng kiến thức vững chắc, sự năng động, sáng tạo cùng với môi trường làm việc thuận lợi, các bác sĩ, dược sĩ nhanh chóng thể hiện năng lực chuyên môn, góp phần đáng kể vào chất lượng khám, chữa bệnh tại từng đơn vị và sự phát triển hệ thống y tế công lập phục vụ nhân dân trong tỉnh.
Theo thống kê của UBND tỉnh, kể từ khi ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến nay, tỉnh đã thu hút 181 người; trong đó có 11 thạc sĩ y khoa, 20 thạc sĩ ngành khác, 6 bác sĩ chuyên khoa I, 1 bác sĩ nội trú, 67 bác sĩ đa khoa, 15 bác sĩ y học cổ truyền, 23 bác sĩ y học dự phòng, 2 bác sĩ răng hàm mặt, 26 dược sĩ đại học và 10 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các ngành khác. |
Sau thời gian triển khai thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Qua đánh giá của các cơ quan sử dụng công chức, viên chức thu hút, các đối tượng được thu hút nhanh chóng thể hiện năng lực đã được nhà trường trang bị và năng lực thực tế vào công tác chuyên môn, từng bước đáp ứng có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đối với các đối tượng được thu hút vào các cơ quan trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị có nhận nguồn nhân lực thu hút để giao nhiệm vụ, bố trí, sắp xếp, phân công người giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng được thu hút về làm việc.
Bộc lộ những bất cập
Sau 3 năm triển khai chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực, thì thực tế áp dụng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Huỳnh Từ, đối tượng thu hút phần lớn là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường loại giỏi, thạc sĩ và tương đương, bác sĩ, dược sĩ, dù có tinh thần nhiệt tình, nhưng chưa có kinh nghiệm, nên cần phải có thời gian dài công tác mới có kinh nghiệm, thực tiễn để nâng cao tay nghề trong khám và điều trị.
Việc hỗ trợ kinh phí một lần làm nhiệm vụ ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, miền núi, hải đảo, cơ sở y tế có lây nhiễm, các cơ sở khó thu hút như: Bệnh viện Lao, Tâm thần, Trung tâm pháp y đều giống nhau, nên việc thu hút bác sĩ đa khoa về tuyến huyện, miền núi và các cơ sở trên rất khó khăn. “Để khắc phục bất cập này, việc hỗ trợ kinh phí ở các nơi khó thu hút cần có sự khác biệt. Ví dụ, số tiền hỗ trợ về “nơi khó” có thể cao hơn các nơi khác từ 1,2 đến 1,6 lần, tùy nơi tình nguyện về công tác. Thời gian cam kết gắn bó công tác tại cơ quan, đơn vị phải từ 10 năm trở lên, chứ không chỉ là 5 năm như quy định hiện tại”, ông Từ đề xuất.
Theo chính sách thu hút tại Quyết định 27, thì các đối tượng thu hút đều được hỗ trợ kinh phí một lần sau khi nhận nhiệm vụ về công tác tại tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế, có đối tượng thu hút về bố trí công việc không qua thi tuyển, không được hưởng chính sách (tập trung đối tượng là thạc sĩ, đại học loại giỏi các chuyên ngành khác, trừ ngành y), bởi vì xét thấy các đối tượng này khá đông, đáp ứng đủ các yêu cầu thu hút, nhưng nhu cầu bố trí có hạn. Hơn nữa, nhằm tiết kiệm ngân sách, nên khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục ngành nghề thu hút hằng năm, đưa ra cụ thể các đối tượng thu hút có hỗ trợ kinh phí và không hỗ trợ kinh phí một lần.
Cũng theo quy định, thì tất cả các đối tượng thu hút được hỗ trợ về đất ở. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn 131 đối tượng (tập trung là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ) có nhu cầu về đất ở, nhưng chưa được giải quyết. Hiện nay, Sở Y tế, Sở TN&MT đã phối hợp và đề nghị UBND các huyện, thành phố làm thủ tục cấp đất theo quy định. Riêng quy định hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi chưa có nhà còn chung chung, chưa có quy định mức hỗ trợ kinh phí cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tấn Châu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một chính sách được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử mức hỗ trợ của chính sách vẫn chưa đủ để có thể thu hút nhiều chuyên gia giỏi về phục vụ cho sự phát triển của tỉnh như: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, người tài.
Bài, ảnh: NG.TRIỀU
Ông Lê Quang Yến - Nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy: Người tài cần môi trường tốt để cống hiến
NG.TRIỀU (thực hiện) |