Đỏ mắt tìm sân chơi cho trẻ em

09:06, 01/06/2013
.

(QNg)- Nghỉ hè là dịp để trẻ em được nghỉ ngơi, giải trí sau một năm học tập căng thẳng. Thế nhưng ở tỉnh ta, từ thành thị đến nông thôn, việc tìm nơi cho các em vui chơi đúng nghĩa không đơn giản chút nào.

TIN LIÊN QUAN


Tự phát và quá tải?

Thời gian gần đây, nhiều em nhỏ ở thành phố Quảng Ngãi mong đến tối để cha mẹ đưa đến Quảng trường để được đạp xích lô hay những chiếc xe đạp nhỏ xinh xắn. Mô hình tự phát này bắt đầu ăn nên làm ra nên ngày càng nhiều người mở dịch vụ cho thuê xe. Tuy nhiên, việc tự phát này không mấy thuận lợi. Chỉ một thời gian ngắn, việc cho thuê xe ở khu vực Quảng trường bị chính quyền cấm. Thế là những người đã đầu tư chưa lấy lại vốn đã phải chạy tìm nơi khác để làm ăn hoặc vào các tuyến đường phía sau Quảng trường. “Chơi hoài những trò chơi ở siêu thị hay nhà sách tụi nhỏ cũng ngán, nhưng ra ngoài thì không biết chơi ở đâu”- một phụ huynh bức xúc.

 

Bể bơi Diên Hồng trở nên quá tải mỗi khi hè đến.
Bể bơi Diên Hồng trở nên quá tải mỗi khi hè đến.


Thấy được nhu cầu vui chơi của trẻ em thành phố ngày càng lớn, nhiều khu vui chơi do tư nhân đầu tư được mở ra, như khu vui chơi Thiên thần (khu đê bao Sông Trà), khu vui chơi Siêu thị Thành Nghĩa, Siêu thị Co.op Mart; và ngay cả trong các quán cà phê lớn cũng đầu tư một vài trò chơi cho trẻ em. Những khu vui chơi này, ban đầu đã thu hút nhiều trẻ em đến tham gia vui chơi. Tuy nhiên, những trò chơi còn đơn điệu, trùng lắp, không gian chơi chật chội nên số lượt trẻ em đến tham gia vui chơi cũng giảm dần.

Nhà thiếu nhi tỉnh, ngoài chức năng là trung tâm đào tạo công tác Đội, các lớp năng khiếu cho trẻ em, còn là nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em vào ban đêm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, khu vui chơi của Nhà Thiếu nhi đã xuống cấp. Các thiết bị trò chơi ở đây đã hư hỏng, không còn sử dụng được. Các trò chơi hiện tại trong khuôn viên Nhà thiếu nhi đều là do đơn vị liên kết đầu tư kinh doanh. Những thiết bị trò chơi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, chỉ lèo tèo vài chục em nhỏ đến chơi vào buổi tối. Hiện tại, Nhà Thiếu nhi có 8 phòng năng khiếu, nhưng do nội dung học chưa đa dạng, nên không thu hút được nhiều em đến đăng ký tham gia.

Ở các huyện đồng bằng, hầu như địa phương nào cũng có Trung tâm văn hóa thể thao. Ở các thôn cũng có nhà sinh hoạt văn hóa, hầu hết chỉ là sân trống, nhà rỗng, không có bất cứ một trò chơi nào được đầu tư. Trẻ em nông thôn chỉ biết tụ tập ở những bãi đất để đá bóng. Không ít trẻ em ở vùng quê, thị trấn thì “đốt” thời gian trong những quán games. Trẻ em miền núi thì tự sáng tạo ra những trò chơi là những chiếc xe trượt dốc vô cùng nguy hiểm… Tại KKT Dung Quất, hàng trăm trẻ em là con em của công nhân, kỹ sư của các nhà máy, xí nghiệp hầu như không có điểm vui chơi nào. Theo Công đoàn KKT Dung Quất, hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp lớn trên địa bàn có nhà trẻ cho con em công nhân, còn lại hầu như không có gì.

Bao giờ mới hết nỗi lo

Bể bơi Diên Hồng, những ngày đầu hè đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều phụ huynh đưa con mình đi tập bơi, tắm mát. Anh Nguyễn Thái Bảo, một phụ huynh ở phường Nguyễn Nghiêm đưa con đi bơi, tâm sự: Thành phố này, con trẻ được nghỉ học muốn cho chúng đi chơi cũng chẳng biết dẫn đi đâu ngoài siêu thị, hay đến Quảng trường đạp xe xích lô. Cha mẹ đi làm suốt ngày, con cái nghỉ hè nên cũng không biết gửi đi đâu chơi cho yên tâm.

 

Vòng đu quay – điểm giải trí còn lại duy nhất của Nhà Thiếu nhi Quảng Ngãi đã ngừng hoạt động nhiều tháng nay vì thiếu an toàn.
Vòng đu quay – điểm giải trí còn lại duy nhất của Nhà Thiếu nhi Quảng Ngãi đã ngừng hoạt động nhiều tháng nay vì thiếu an toàn.


Quảng Ngãi là địa phương ven biển, lại nhiều sông ngòi, ao đầm. Mùa nắng nóng, các em nhỏ lại thường rủ nhau đi tắm sông, tắm biển nên rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2012, toàn tỉnh có 22 trẻ dưới 16 tuổi bị chết đuối. Những vụ đuối nước xảy ra vào mùa hè có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân là các em thiếu sự quan tâm của gia đình, nhất là ở nông thôn và miền núi. Mặt khác, hầu như trẻ em không được trang bị kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước, cũng như các tai nạn thương tích khác.

Ngoài ra, việc thiếu sân chơi cho trẻ em vào mùa hè, cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các em tham gia các trò chơi nguy hiểm. Một nỗi lo khác đó là khi thiếu sân chơi lành mạnh, một bộ phận thanh thiếu niên đến với các quán games cùng những trò chơi nguy hiểm, bạo lực, dẫn đến phải bỏ học, thậm chí là phạm pháp.  Ngành giáo dục là đơn vị có trách nhiệm trong việc phối hợp với gia đình và Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên các địa phương tổ chức quản lý các em trong dịp hè thông qua hoạt động sinh hoạt hè, song dường như đây chỉ là hình thức. Hiện nay tỉnh ta có hơn 320 ngàn thanh thiếu nhi.

Có thể nói, đời sống của người dân ở tỉnh ta ngày càng phát triển nên nhu cầu tìm nơi vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích cho con em mỗi dịp nghỉ hè là rất lớn, nhưng rồi bao năm nay họ vẫn phải “đỏ mắt” đi tìm.
 

Chị Phạm Thị Quyên – Quyền trưởng Ban Thanh Thiếu nhi - Trường học, Phó Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh:
Sau khi kết thúc năm học, các em học sinh về với địa phương thì có Đoàn cơ sở và Hội đồng Đội ở địa phương phối hợp cùng với gia đình quản lý, tổ chức cho các em sinh hoạt hè. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên các địa phương không thể tổ chức các hoạt động phong phú cho các em được. Hiện nay, hầu hết các điạ phương, nhất là ở nông thôn và miền núi không nơi nào có điểm vui chơi, giải trí cho các em nên Đoàn thanh niên và Hội đồng Đội ở xã chỉ cố gắng trong điều kiện có thể để tập hợp các em ít nhất 1 lần/tháng để sinh hoạt, vui chơi.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin thành phố Quảng Ngãi:
Gần chục năm thành lập thành phố, nhưng việc đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cũng như các thiết chế văn hoá cho người dân thành phố nói chung, cho trẻ em nói riêng còn rất hạn chế. Sân chơi, bãi tập cho trẻ em vào mùa hè hầu như không có. Trẻ em chỉ biết quanh quẩn ở những sân chật hẹp trong khuôn viên Nhà sinh hoạt văn hóa của thôn, tổ dân phố, ngoài đường. Thậm chí, một số phường có sân bóng cho trẻ em, nhưng giờ họ đã cho thuê để làm các sân bóng nhân tạo. Trẻ em muốn vào đá bóng phải bỏ tiền.

Anh Hồ Tuấn Anh - Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Quảng Ngãi:
Là trung tâm thiếu nhi của tỉnh nhưng hiện nay, Nhà Thiếu nhi chỉ ghi danh các lớp năng khiếu cho trẻ em vào dịp hè. Còn các trò chơi ngoài sân là của các đơn vị liên kết đầu tư tạo điều kiện vui chơi cho các em. Tuy nhiên, do ít trò chơi nên cũng không thu hút được nhiều em nhỏ. Cả tỉnh chỉ có 1 nhà thiếu nhi, lại xuống cấp nên việc thu hút bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi toàn tỉnh không đáp ứng được. Chúng tôi mong muốn, mỗi huyện cũng cần được đầu tư xây dựng Nhà thiếu nhi với các trò chơi cũng như các lớp năng khiếu nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm những tài năng nhí.

Chị Võ Thị Phương Thảo, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi:
Mỗi dịp hè là gia đình vất vả lắm. Ngày thường thì các cháu học ở trường, vợ chồng đi làm, giờ nghỉ hè các cháu ở nhà, ông bà lại ở xa nên không thể gửi các cháu được. Cũng không thể để chúng ở nhà một mình vì chúng sẽ ra đường đá bóng hay vui chơi với bạn hàng xóm, xe cộ rất nguy hiểm. Đóng cửa cho ở trong nhà cũng không yên tâm vì các cháu lại xem ti vi hoặc chơi games suốt ngày. Muốn gửi con đến các điểm vui chơi nhưng không có chỗ nào để đi. Sắp tới, chúng tôi phải tìm chỗ đăng ký cho cháu học thêm để có thể yên tâm đi làm.

Trần Nguyễn Trân Châu, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Quảng Phú (TP Quảng Ngãi):

Em rất ít được đến các khu vui chơi, vì bố mẹ bảo các khu vui chơi ít trò chơi và không an toàn. Mùa hè, chủ yếu em chơi cùng với các bạn cùng lứa trong xóm với các trò chơi như: Chơi chuyền, nhảy dây,…thời gian còn lại em đọc sách mượn ở thư viện trường và đi học thêm. Em và các bạn rất mong có khu vui chơi rộng rãi, gần nhà để được vui chơi thỏa thích mà không sợ xe qua lại, vì bình thường chúng em toàn phải chơi ở ngoài đường.

 

Xuân Thiên – Minh Hiếu
 


.