(QNg)- Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 5/12/2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1/2013. Thông tư này đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, tính thực thi của Thông tư này không cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Quảng Ngãi hiện có khoảng 8.000 cơ sở kinh doanh buôn bán thức ăn đường phố. Hầu hết những người kinh doanh loại hình này đều là những người lao động nghèo. Nếu áp dụng thông tư này thì phần lớn họ không đảm bảo đủ các điều kiện để kinh doanh.
Có hiệu lực trên giấy
Mấy ngày qua, những người bán hàng rong, nước giải khát, thức ăn nhẹ vẫn hoạt động bình thường ở các ngả đường của thành phố Quảng Ngãi cũng như ở trung tâm các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi về các quy định trong Thông tư số 30 của Bộ Y tế thì hầu hết người bán đều không biết một số nội dung cơ bản của Thông tư này. Đó là phải khám sức khỏe định kỳ, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, có đủ nước sạch, bàn cao cách mặt đất 60cm, hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ nguyên liệu…
Hàng rong tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Tại cổng Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi, hàng chục quán hàng rong vẫn "bao vây" bệnh viện. Đa số các mặt hàng đều bày bán trong điều kiện không được che đậy, người bán không sử dụng găng tay, xuất xứ hàng hóa cũng số không… Chị Lê Thị Xuân, chủ quán cơm cho hay: "Tôi chưa biết gì về quy định này và cũng chưa được cơ quan nào phổ biến. Quy định gì thì cũng chừa đường sống cho dân nghèo chúng tôi chứ".
Còn chị Nguyễn Thị Mười, ở phường Trần Hưng Đạo, như thường lệ, cứ 10 giờ sáng chị có mặt trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi để bán "bánh da lợn" cho học sinh. Toàn bộ "đồ nghề" của chị chỉ là chiếc thùng sắt nhỏ, đặt gọn trên chiếc xe đạp cũ. Khi bán hàng, chị thản nhiên dùng tay bốc bánh, không găng tay. Chị cho biết đã bán trước cổng trường này gần 10 năm rồi. Nhờ gánh hàng rong này mà chị mới có điều kiện chăm lo cho con cái. Khi chúng tôi hỏi và liệt kê các quy định của Thông tư số 30, chị tỏ ra lo lắng: "Nếu áp dụng như quy định trong Thông tư này thì không chỉ hàng ăn của tôi mà các cơ sở khác trên địa bàn tỉnh cũng không thể đáp ứng được".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại đa số chủ quán ăn vỉa hè, hàng rong đều cho rằng: Cuộc sống còn khó khăn nên không có điều kiện về vốn để thuê ki-ốt, cửa hàng và cũng không thể trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ, che chắn thực phẩm như Thông tư số 30 quy định. Anh Hùng, một người bán dạo cá viên chiên, trên đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi cho biết anh đã mưu sinh với xe hàng rong này từ hơn 13 năm nay nhưng chưa bao giờ đi khám sức khỏe và cũng không thể chứng thực được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm đang bán nếu cơ quan chức năng kiểm tra. "Lo làm tối mặt tối mũi mà không đủ tiền nuôi con, thời gian đâu đi khám sức khỏe. Tôi mua nguyên liệu, có gì bán nấy chứ hóa đơn làm gì có"- Anh Hùng giãi bày.
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, hầu hết những người bán hàng rong, quán ăn vỉa hè ở thành phố Quảng Ngãi hay ở trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh đều không thể đáp ứng theo quy định của Thông tư số 30.
Áp dụng phải có lộ trình
Theo đại đa số ý kiến người dân, việc Bộ Y tế "siết chặt" quản lý thức ăn đường phố là điều đáng mừng, thể hiện nếp sống văn minh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Song, để kiểm soát bằng Thông tư số 30 có hiệu lực từ ngày 20/1/2013 là điều không dễ. Thức ăn đường phố lâu nay đã gắn liền với tập quán ăn uống của người dân Việt Nam. Đối với những lao động nghèo, hàng rong vừa rẻ vừa tiện là chỗ "bấu víu" trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ở một khía cạnh khác, hàng rong đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nghèo khác. Song để giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng thì việc quản lý hàng rong cũng cần có biện pháp khoa học hơn nhằm giúp cho người lao động nghèo có kế sinh nhai.
Hiện nay, ngoài hơn 8.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được theo dõi quản lý thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm hàng ăn, nước uống di động. Năm 2012, chỉ có hơn 4.720/8.000 cơ sở có giấy cam kết đảm bảo VSATTP được UBND xã, phường chứng nhận. Riêng tại địa bàn thành phố Quảng Ngãi hiện có hơn 1.330 cơ sở thức ăn đường phố do các xã, phường quản lý. Tuy nhiên, chỉ có 900 cơ sở có giấy cam kết đủ điều kiện ATTP. Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Quảng Ngãi đã tăng cường 2 đợt kiểm tra với hơn 2.230 cơ sở trong năm 2012, nhưng tỷ lệ đạt chất lượng chỉ với 1.465 cơ sở. Việc xử lý vi phạm của các cơ sở này cũng còn bỏ ngỏ, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền là chủ yếu.
Ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hiện Chi cục đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về vấn đề ATTP trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện ngay thông tư này sẽ rất khó, đòi hỏi phải có lộ trình. Để người kinh doanh và cả người tiêu dùng "thấm" nội dung quy định này cần sự kiên trì hợp tác giữa các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương mới mong thay đổi tập quán của người dân. "Cái khó nhất hiện nay là, việc các xã, phường chưa vào cuộc quyết liệt, việc xử lý cũng còn nể nang. Hàng rong thì có số lượng quá lớn và xuất hiện dày đặc tận mọi ngóc ngách, hoạt động bất kể thời gian nào. Trong khi đó, cơ quan chức năng chuyên trách về quản lý thì không đủ lực để kiểm soát"- ông Oai nhấn mạnh.
Tuy vậy, nhưng ông Oai vẫn khẳng định: Trong thời gian đến sẽ đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các đối tượng buôn bán hàng rong trên địa bàn phụ trách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, những người buôn bán hàng rong nâng cao nhận thức, nhằm hạn chế các vụ ngộ độc do thức ăn đường phố gây ra.
* Ông Nguyễn Thái Sơn- Chánh Thanh tra, Sở Y tế: Cần có lộ trình. Việc thực thi Thông tư số 30 phải có lộ trình. Lúc đầu nên tập trung tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức hành vi, sau đó mới xử phạt. Từ trước đến giờ việc xử lý các cơ sở thức ăn đường phố chưa được làm "mạnh tay". Chúng tôi cũng chưa đủ lực để kiểm tra, xử lý. Thông tư đi vào cuộc sống, thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả ý thức của người kinh doanh và người tiêu dùng. Chế tài xử phạt phải căn cứ theo Nghị định 91/2012 của Chính phủ. * Bà Phan Thị Khánh Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi: Cần có giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh. Đa số hộ kinh doanh thức ăn đường phố đều có đời sống khó khăn. Việc kiểm soát loại hình này cần tính đến giải pháp hỗ trợ, quy hoạch bố trí hợp lý địa điểm kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố cũng như tạo điều kiện giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp. Vừa qua, thành phố Quảng Ngãi đã giải tỏa hơn 60 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở khu vực đê bao sông Trà Khúc vì không đảm bảo ATVSTP, nhưng cùng với đó là hàng chục hộ phải thất nghiệp, không thể tiếp tục mưu sinh. Do vậy tính thực thi của Thông tư số 30 đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể trong một sớm một chiều có thể làm ngay được. * Ông Võ Văn Thảo-Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp: Tính khả thi không cao. Trong Thông tư số 30 có một số điều khó áp dụng. Thứ nhất, tại khoản 1, Điều 7 có quy định: Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm, hè đường phố…). Nhưng hiện nay, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại khoản 3, Điều 8 có quy định nghiêm cấm sử dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, nên sẽ "chỏi" nhau, gây khó cho cơ quan quản lý. Thứ 2, thông tư quy định nguyên liệu thực phẩm phải có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với quy định này, người bán khó mà đáp ứng được. Thứ 3, việc quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người kinh doanh cũng khó áp dụng; quy định trang phục người bán phải ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng cũng không cụ thể… Chính vì vậy để quy định đi vào cuộc sống, chúng ta phải tính đến quyền lợi và trách nhiệm, nếu không khi áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. * Bà Nguyễn Thị Bộ, thôn Tân Long, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh): Thức ăn đường phố vừa túi tiền với người lao động nghèo. Chúng tôi là dân lao động, không thể vào hàng quán sang trọng để ăn uống. Mỗi ngày, tôi buôn bán ở chợ tạm, thu nhập thấp nên chỉ dám ăn bát cơm, tô hủ tiếu chỉ với 8- 10 nghìn đồng. Theo tôi, không thể cấm người bán hàng rong mà chỉ kiểm tra nhắc nhở thường xuyên để họ chấp hành và buôn bán đảm bảo vệ sinh mà thôi. * Anh Trần Long - người bán hàng rong: Phải đối phó khi kiểm tra. Hằng ngày, tôi mưu sinh bằng xe nước giải khát lưu động tại thành phố Quảng Ngãi. Nếu áp dụng quy định nguyên liệu dùng để chế biến phải có hoá đơn, chứng minh được nguồn gốc thì mặt hàng nước giải khát như: Nước sâm lạnh, dừa, nước mía… chắc phải dẹp tiệm. Chúng tôi mua bán các mặt hàng rong này làm gì có hóa đơn. Giờ tới đâu hay tới đó, người bán cứ bán, người mua cứ mua, hễ có gặp kiểm tra thì... chạy. |
KIM NGÂN