“Góp vốn” xây dựng nông thôn mới: Bao nhiêu là vừa?

07:08, 12/08/2012
.

(QNg)- Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”. Nguồn lực để thực hiện chương trình này là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Dù thế, việc “rạch ròi” mức đóng góp của dân trong xây dựng nông thôn mới cũng cần phải được bàn kỹ, nói rõ…

TIN LIÊN QUAN


Nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, được xác định gồm: Ngân sách trung ương và địa phương; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; nguồn vốn tín dụng; vốn đầu tư của doanh nghiệp; các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân; vốn huy động từ cộng đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác.

90 – 10 hay bao nhiêu?

Thông lệ, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang áp dụng hình thức “góp vốn” 90 – 10. Có nghĩa là ngân sách 90% - nhân dân đóng góp 10%. Tuy nhiên, người dân nông thôn cho rằng, mức đóng góp này dân khó có thể kham nổi. Bởi vì, vốn xây dựng nông thôn mới rất lớn, khi nhân với 10% thì vẫn nằm ở con số mỗi xã cũng vài chục tỉ đồng. Ví dụ như xã Bình Dương (Bình Sơn) – địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí cần thiết để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 200 tỷ đồng; tỷ lệ 10% mà dân phải “góp” là 20 tỷ đồng. Số tiền này nếu chia đều cho số lao động của xã là 2.000 người thì mỗi lao động phải “góp” 10 triệu đồng trong vòng 8 năm, từ nay cho đến 2020.

Đường Trường Sơn Đông rộng mở góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Sơn Mùa (Sơn Tây).
Đường Trường Sơn Đông rộng mở góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Sơn Mùa (Sơn Tây).


Nhiều địa phương, nhân dân “góp vốn” bằng cách hiến đất để làm đường, trường, trạm. Đó cũng được công nhận là hình thức đóng góp tiền của vào xây dựng nông thôn mới. Trong phong trào này, huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn đang “tạm dẫn đầu”. Thế nhưng, không phải ai có “tinh thần” cũng đều được toại nguyện góp theo kiểu đóng góp này. Bởi lẽ, chỉ những mảnh vườn, khoảnh sân nằm sát công trình đường dự kiến mở, trạm dự xây và trường dự lập thì mới có cơ hội để hiến đất. Còn lại, dù có đất và có cả ý nguyện hiến đất nhưng đất không nằm ở vị trí thuận lợi thì có muốn cũng không thực hiện được.

Về việc “góp vốn” trong nhân dân, Quyết định 695/QĐ-TTg quy định: Không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Căn cứ tình hình thực tế chỉ vận động nhân dân bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị hội đồng nhân dân xã thông qua.

Còn về “trách nhiệm góp vốn” của ngân sách, cũng không phải luôn “cứng nhắc” ở 90% tổng số vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 quy định rõ: Ngân sách hỗ trợ 100% đối với tất cả các xã cho: công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã. Các xã nghèo thuộc 6 huyện nghèo của tỉnh là Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà được hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách Nhà nước cho tất cả các công trình, dự án điện, đường, trường, trạm. Các xã còn lại, hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước để xây dựng đường giao thông nông thôn, xây trường, trạm y tế…

“Khoan sức dân”

Sau hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Sự đổi thay đó hầu như đều “dựa vào sức dân”, “khơi dậy sức dân” là chính. Ở nhiều nơi, người dân hiến đất, đóng góp để xây dựng điện, đường, trường, trạm. Cá biệt có địa phương vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Điển hình là xã Bình Dương (Bình Sơn), Hành Thuận, Hành Minh (Nghĩa Hành).

Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: “Trở ngại lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới là thiếu kinh phí. Vì thế, để Chương trình Mục tiêu quốc gia này đi đúng hướng, về đích đúng hạn thì việc “khoan sức dân”, “lấy sức dân để lo cho dân” là đặc biệt quan trọng”.  Thế nhưng “sức dân” không phải ở đâu và lúc nào cũng sẵn có! Dẫu biết rằng, theo Quyết định 800/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, xác định: Chủ thể xây dựng nông thôn mới là nông dân; dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính.

Theo lộ trình mà nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện quy hoạch, số vốn xây dựng nông thôn mới lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng cho mỗi giai đoạn từ nay đến 2015; từ 2015 đến 2020. Việc lấy kinh phí ở đâu để thực hiện “mơ ước” này là vấn đề được nhiều ngành, nhiều cấp đang nỗ lực “bàn”.

Theo tính toán, xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2020 cần từ 200 - 500 tỷ đồng/xã, trong khi nguồn vốn nông thôn mới chỉ bố trí được tối đa khoảng 100 tỷ đồng/xã, số còn lại sử dụng lồng ghép các nguồn khác. Với 6 huyện nghèo được hưởng lợi Nghị quyết 30a thì tiến trình xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Với các huyện còn lại xoay xở hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để xây dựng nông thôn mới là điều rất khó trở thành hiện thực. Vì thế, bài toán “khoan sức dân”, “dựa vào sức dân” lại càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Ông Phạm Cao Trận – Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đã vận động nhân dân trong huyện: “Mục đích cốt yếu và sâu xa nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là để phục vụ lợi ích nhân dân. Không chỉ đóng góp bằng tiền theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong quá trình kiến thiết hạ tầng cơ sở, công trình, dự án đi qua đất nhà nào, gia đình ấy nên đồng tình ủng hộ. Tốt nhất là nên hiến đất hoặc chỉ lấy phần đền bù rất nhỏ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công”.

Mục tiêu chung đến năm 2015 có 20% số xã cơ bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại lựa chọn các tiêu chí cụ thể trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện. Đến  năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là ước mơ lớn của nông dân Quảng Ngãi. Mơ ước ấy chỉ thành hiện thực khi có đủ vốn để thực hiện. Và việc góp đủ vốn để cùng với Nhà nước thực hiện thành công chương trình này chính là mức đóng góp “vừa đủ” để biến ước mơ thành hiện thực.
 

*Ông Võ Việt Chính – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh: “Không nên cào bằng”.
Kết quả của việc xây dựng mô hình nông thôn mới toàn diện chỉ có thể có từ những kết quả của nhiều ngành, nhiều cấp và cần có sự đầu tư công sức thỏa đáng. Trong đó, huy động sức dân đóng góp là nguồn lực to lớn và lẽ dĩ nhiên mức đóng góp phải phù hợp với điều kiện của kinh tế nhà nông trong từng thời điểm. Không nên “cào bằng”, “bổ đầu chia xôi” mà phải vận động người có điều kiện kinh tế khá hơn đóng góp nhiều hơn; người khó khăn có thể đóng góp sức lao động tham gia vào xây dựng công trình hạ tầng.

*Ông Nguyễn Chí Tuyển– Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBMTTQVN tỉnh: “Phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật”.
Đóng góp xây dựng nông thôn mới là những nội dung theo quy định của pháp luật phải công khai để dân biết, bàn và quyết định trực tiếp, đồng thời thực hiện vai trò giám sát quá trình quản lý, sử dụng. Do vậy, hình thức đóng góp, mức đóng góp phải được bàn thảo kỹ, có sự đồng tình, nhất trí, tuyệt đối không nên ép buộc nhân dân. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng cần hướng dẫn để dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền dân chủ trong đóng góp, giám sát việc sử dụng vốn góp. Quá trình thực hiện, chính quyền còn phải tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân, nhằm tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn xây dựng công trình.

*Bà Huỳnh Thu Hồng – Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Bình Sơn: “Đề ra “tỉ lệ” đóng góp là cần thiết”.
Cùng thụ hưởng những lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới thì cần phải có sự đóng góp trên phương diện công bằng, dân chủ. Có thể là chỉ đề ra mức tối thiểu; không khống chế mức tối đa. Cơ quan có thẩm quyền cấp trên cũng cần đưa ra tỉ lệ cần thiết để chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động trong đóng góp. Khi đưa ra tỉ lệ, cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, đảm bảo phù hợp tình hình kinh tế, khả năng đóng góp của dân, đảm bảo người dân chấp nhận, ủng hộ.

*Ông Nguyễn Thanh Trà– xã Bình Dương (Bình Sơn): “Cán bộ không “cắt xén” thì dân sẽ tin, sẵn sàng đóng góp”.
Nhân dân xã Bình Dương rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Người dân trong xã đã đóng góp nhiều tiền của, công sức làm giao thông nông thôn, xây trường, cầu cống… Sở dĩ chúng tôi tin tưởng và luôn sẵn sàng đóng góp chung tay là do cán bộ địa phương không “tơ hào”, “cắt xén” tiền của dân. Khi dự định thực hiện công trình, dự án, chính quyền phải bàn với dân, tham khảo ý kiến để tạo sự đồng thuận, nhất trí. Từ đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình sẽ được nâng cao và việc đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng không còn là lạ hay khó khăn

*Chị Hồ Văn Lan, thôn Trà Niêu, xã Trà Phong, Tây Trà: “Nghèo góp công, giàu góp của”.
Ở miền núi, thu nhập của người dân không bao nhiêu. Cuộc sống còn đang phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì không có tiền đóng góp xây dựng công trình, dự án được. Thế nhưng, nhiều người ở địa phương mình, nếu chính quyền muốn xây trường hay đường trên đất của họ thì họ sẵn sàng hiến thôi. Mình nghĩ xây dựng nông thôn mới thì “người nghèo góp công, người giàu góp của”. Các hộ dân cần thông cảm và hiểu rõ việc xây dựng đường rộng, trường to là xây cho dân,  tự nguyện đóng góp. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì điện, đường, trường, trạm mới nhanh được.

 


THANH NHỊ
 


.