Thực hiện chính sách với người có công: Nhiều người phải chờ!

12:07, 23/07/2012
.

(QNg)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có hai buổi đối thoại trực tiếp với người có công với cách mạng ở huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh. Có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề chính sách còn vướng mắc lâu nay được người có công phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, người có công vẫn chưa có được đáp án thỏa đáng nhất, vì phải chờ hướng dẫn từ... Trung ương.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều vấn đề…

Trong các buổi đối thoại, các câu hỏi người có công nêu ra xoay quanh các nội dung như: Xem xét và giải quyết chế độ cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học chưa công bằng; việc giải quyết miễn, giảm học phí cho con em của người có công cách mạng còn quá chậm; các hồ sơ công nhận là thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn khá phức tạp, gây ra nhiều phiền toái…

Đặc biệt là, những vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ cho thương binh, liệt sĩ, người bị tù đày và đặc biệt là cựu thanh niên xung phong (TNXP). Tuy chính sách đối với các đối tượng này đã có nhưng để được hưởng thì các đối tượng liên quan được yêu cầu phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động cách mạng. Vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn cựu TNXP đã bị thất lạc giấy tờ nên các cơ quan liên quan không thể giải quyết chế độ chính sách cho họ.

Có nhiều ý kiến, kiến nghị được đưa ra từ các đối tượng chính sách trong buổi đối thoại với người có công với cách mạng. Trong ảnh: Đối tượng chính sách đặt câu hỏi với các cấp có thẩm quyền tại buổi đối                  thoại ở huyện Đức Phổ.
Có nhiều ý kiến, kiến nghị được đưa ra từ các đối tượng chính sách trong buổi đối thoại với người có công với cách mạng. Trong ảnh: Đối tượng chính sách đặt câu hỏi với các cấp có thẩm quyền tại buổi đối thoại ở huyện Đức Phổ.


Ngoài việc không được hưởng chế độ chính sách dành cho thương binh, liệt sĩ, người bị tù đày, cựu TNXP, chế độ cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học (có nhiều TNXP hoạt động trong vùng bị rải chất độc hóa học) họ cũng chưa được hưởng. Hiện nay, tỉnh ta có trên 8 ngàn người là TNXP qua các thời kì chưa được hưởng chế độ nào, 938 người chưa được công nhận là thương binh và 77 liệt sĩ chưa được công nhận vì không tìm lại được giấy tờ, không nhớ đơn vị chiến đấu. Nhiều người ở vùng xa xôi, hẻo lánh không nắm được thông tin để làm thủ tục chính sách...

Ngoài ra, vấn đề mà người có công cũng quan tâm và có nhiều phản ánh là việc giải quyết hồ sơ chậm, nhất là công tác giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học. Tỉnh ta có trên 20 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (kể cả người tham gia kháng chiến và không tham gia kháng chiến). Các nạn nhân chất độc da cam thường mắc nhiều loại bệnh tật mãn tính khác nhau, phải điều trị dài hạn nên sức khỏe yếu, tuổi thọ giảm. Họ bị hạn chế trong sinh hoạt, lao động, học tập, khó có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục...

Nhưng hiện nay, mới chỉ có 4.495 đối tượng được giám định, công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 54/NĐ-CP. Các đối tượng còn lại  vẫn chưa có được chế độ ưu đãi nào. Theo Sở LĐ - TB&XH, hiện có trên 4.000 hồ sơ xin khám, giám định còn tồn đọng chưa được giải quyết… Điều khó khăn và bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải là việc triển khai thực hiện các thủ tục giấy tờ rất phức tạp.

Nhiều phản ánh cho rằng công tác triển khai hướng dẫn thực hiện ở một số địa phương chưa cụ thể. Quy định về thủ tục hồ sơ và quy trình xét duyệt phải qua nhiều cấp (xã, huyện, tỉnh) và phải yêu cầu niêm yết công khai danh sách đối tượng trong vòng 15 ngày trước khi trình Hội đồng xét duyệt chính sách xã xét duyệt từng hồ sơ nên tốn rất nhiều thời gian của người được hưởng chế độ.

Việc giải quyết chế độ trợ cấp đối với người lưu giữ Bằng Tổ quốc ghi công và thờ cúng liệt sĩ (không phải là thân nhân chủ yếu của liệt sĩ), hỗ trợ kinh phí xây bia, vỏ mộ đối với những trường hợp liệt sĩ được gia đình quản lý, an táng ở nghĩa trang họ tộc, gia đình; giải quyết chính sách về nhà ở cho người có công (toàn tỉnh còn khoảng trên 2.000 hộ gia đình người có công đang có khó khăn về nhà ở)… là những vấn đề cũng được nhiều đối tượng là người có công và thân nhân của người có công nêu ra trong các buổi đối thoại.

Chưa có đáp án cho từng trường hợp cụ thể

Trả lời các câu hỏi được đặt ra trong buổi đối thoại, các cấp có thẩm quyền cho biết, hiện nay vẫn còn có một số trường hợp có tham gia cách mạng kể cả lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ cách mạng bị thương hoặc hy sinh nhưng chưa được xem xét giải quyết vì không còn lưu giữ hoặc không có giấy tờ gốc (như phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy báo tử…). Đây là đề nghị hết sức chính đáng và bức xúc của đối tượng. Vấn đề này, Sở LĐ - TB&XH đã tổng hợp báo cáo, kiến nghị trực tiếp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết theo hướng vận dụng như quy định tại Nghị định số 28/CP, căn cứ vào 2 người xác nhận và gắn trách nhiệm của Hội đồng xét duyệt chính sách ở cấp xã trong việc chịu trách nhiệm đối với đối tượng đề nghị giải quyết.

Việc xét duyệt hồ sơ cho người nhiễm chất độc hóa học còn chậm, vì quy định về chính sách có bổ sung, mở rộng về điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nên số lượng hồ sơ đề nghị khám, giám định để giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học tăng nhiều. Trong khi đó, khả năng của Hội đồng giám định y khoa tỉnh không thể giải quyết khám, giám định, kết luận kịp thời đối với số lượng lớn hồ sơ có yêu cầu khám, giám định, kết luận bệnh. Quy định về danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học; tiêu chí để khám, giám định, kết luận bệnh chưa thật đầy đủ, khoa học và còn nhiều bất hợp lý. Bên cạnh đó, các hướng dẫn cũng chưa quy định cụ thể về tình trạng dị dạng, dị tật đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến nên các địa phương lúng túng trong việc hướng dẫn xác lập và xét duyệt hồ sơ...

Với những câu trả lời bao quát, chung chung người có công vẫn chưa thể tìm kiếm một câu trả lời để có thể tìm được hướng giải quyết cho vấn đề của mình.

Tuy các buổi đối thoại trực tiếp người có công với cách mạng tại 2 huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh đã phần nào giải tỏa được mong mỏi của người có công, là dịp để người có công trực tiếp trình bày những thắc mắc, bức xúc của mình, nhưng cũng cho thấy rất nhiều vấn đề còn vướng mắc không chỉ từ chính đối tượng thụ hưởng mà còn từ các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là những thiếu sót từ các quy định, hướng dẫn khiến các đơn vị, cơ quan trực tiếp giải quyết chế độ chính sách lúng túng. Như vậy, mặc dù đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận không nhỏ của các đối tượng chính sách, nhưng các buổi đối thoại vẫn chưa thể giải quyết triệt để các kiến nghị của người có công.
 

*Ông Đinh Xuân Sâm - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH: Qua 2 buổi đối thoại trực tiếp với người có công ở hai địa phương, Sở LĐ - TB&XH nhận thấy có nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết. Đầu tiên là tập trung những kiến nghị về những vấn đề bất hợp lý để có văn bản phản ánh lại với trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách cho người có công phù hợp hơn. Thứ hai, về trách nhiệm của các ngành, cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách đối với người có công trong tỉnh, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện những vụ việc còn tồn đọng. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài Sở sẽ trực tiếp giải quyết…

*Ông Nguyễn Thế Huynh - Phó Trưởng Phòng LĐ - TB&XH huyện Sơn Tịnh: Bản thân là người trực tiếp thực hiện các chính sách cho người có công ở tuyến huyện, tôi thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác giải quyết chế độ chính sách, nhất là trong công tác giải quyết chế độ cho người bị tù đày, TNXP và người bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, nhiều đối tượng người có công hiện nay vẫn chưa có nhà ở ổn định, đời sống khó khăn, trong khi đó mức hỗ trợ xây mới nhà ở cho họ lại không phù hợp với giá cả thời điểm hiện tại, gây khó khăn cho các đối tượng… Thông qua đối thoại trực tiếp đã giúp cho người có công được đề đạt trực tiếp những ý kiến của mình, nhưng những vướng mắc vẫn chưa thật sự được tháo gỡ một cách triệt để.

*Ông Lê Hữu Trí ở xã Phổ Văn (Đức Phổ): Việc Nhà nước thực hiện các chính sách đãi ngộ với người có công khiến chúng tôi rất cảm kích. Điều này góp phần giúp cuộc sống của chúng tôi thêm đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần được Nhà nước và các cấp có thẩm quyền giải quyết. Thông qua đối thoại trực tiếp chúng tôi được thể hiện tiếng nói của mình để góp phần sửa chữa, bổ sung những thiếu sót. Mặc dù vậy, thời lượng của buổi đối thoại lại không nhiều trong khi chúng tôi có rất nhiều vấn đề cần làm rõ nên vẫn chưa được thỏa mãn lắm.
 
*Bà Mai Thị Minh Huề ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh): Tôi rất vui khi được tham gia đối thoại trực tiếp với các cấp lãnh đạo, được nêu lên những ý kiến của cá nhân và của nhiều đối tượng chính sách trong xã về các vấn đề chính sách ưu đãi cho người có công. Nhất là các vấn đề được nhiều người thắc mắc như giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học, chế độ hưu trí cho người tham gia chiến đấu ở chiến trường, nâng chế độ phụ cấp hàng tháng để đáp ứng đời sống ngày càng cao… Tuy nhiên, các câu trả lời vẫn còn chung chung, chưa giải quyết được câu hỏi chúng tôi đặt ra, mong rằng ở các buổi đối thoại tiếp theo chúng tôi sẽ nhận được những câu trả lời thỏa đáng hơn.

 

 

Xuân Hiếu
 


.