Dịch vụ cho người lao động ở KKT-KCN: Bao giờ lấp đầy khoảng trống?

10:04, 28/04/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi hiện có 2 khu công nghiệp (KCN Tịnh Phong, Quảng Phú) và  Khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Các KKT-KCN này thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) vào sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho khoảng 23 nghìn lao động. Chính vì thế, phát triển dịch vụ và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực còn bỏ trống.  

TIN LIÊN QUAN


DỊCH VỤ: NHẾCH NHÁC

Ở KKT Dung Quất, hiện nay chưa có siêu thị, trung tâm dịch vụ để thoả mãn nhu cầu mua sắm cho nhiều đối tượng. Thay vào đó là các quán cơm bình dân, quán cà phê xập xệ và nhiều quán ăn uống tạm bợ. Một số nhà hàng, khách sạn "mọc" lên nhưng giá cao, không hợp túi tiền eo hẹp của công nhân. Trong khi đó, nhiều DN lại chưa xem trọng việc ăn ở, sinh hoạt của công nhân.

Công nhân rất cần tạo điều kiện để tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao.  Trong ảnh: Hội trại “Ngày hội công nhân” được LĐLĐ tỉnh tổ chức tại KKT Dung Quất năm 2011.
Công nhân rất cần tạo điều kiện để tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao. Trong ảnh: Hội trại “Ngày hội công nhân” được LĐLĐ tỉnh tổ chức tại KKT Dung Quất năm 2011.


Anh Nguyễn Thanh Tâm (quê Đức Chánh, Mộ Đức) làm tại KKT Dung Quất, tâm sự: "Hai vợ chồng làm công nhân ở đây được gần 3 năm cũng là 3 năm thuê nhà trọ. Mọi dịch vụ khám chữa bệnh, học hành của con cái... chúng mình đều phải tự lo. Giờ giấc đi làm của mình phụ thuộc vào công ty nên không thể chủ động đưa đón con. Nếu công ty có nhà tập thể, nhà mẫu giáo thì mình yên tâm làm việc hơn".

Không chỉ anh Tâm và những công nhân ở KKT Dung Quất mà cả những cán bộ các công ty, nhất là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều cho rằng, nhà đầu tư hạ tầng đã "bỏ quên" gói dịch vụ xã hội cho NLĐ, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài. Do đó, đối với hàng trăm chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công ty công nghiệp nặng DoosanVina... thì TP Quảng Ngãi hay các thành phố lớn khác là nơi họ chọn để nghỉ ngơi, mua sắm.


Vấn đề nhà ở cho NLĐ luôn bị nhiều DN "bỏ lơ". Và, câu chuyện nan giải về chỗ ăn chốn ở cho công nhân vẫn là chuyện dài kỳ chưa có hồi kết.

Trên thực tế tại KKT Dung Quất, số đơn vị lo chỗ ở cho công nhân không nhiều. Chỉ có khoảng 25% NLĐ có chỗ ở tương đối, còn lại là ăn ở tạm bợ, chủ yếu là ở nhà thuê trong dân, không đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt và an ninh trật tự. Với những DN, tập đoàn lớn thì may ra NLĐ mới có được chỗ ở đàng hoàng. Nhưng việc thiếu vắng các dịch vụ thiết yếu như trường học, siêu thị, khu giải trí... cũng đã khiến NLĐ không chọn KKT Dung Quất làm nơi sinh sống, mà đó chỉ đơn thuần là nơi làm việc mà thôi.

Riêng tại các KCN, xây dựng nhà ở cho công nhân là chuyện ở... thì tương lai. Không những thế, việc tiếp cận với các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng là niềm mơ ước của công nhân. Ông Lê Hồng Hà-Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Khi quy hoạch KCN, chủ đầu tư luôn dành từ 3-5% diện tích đất của KCN để xây dựng khu dịch vụ. Tuy nhiên, diện tích này thường bị lãng quên do không có DN nào "dám" đầu tư. Điều này cũng dễ hiểu, khi khả năng sinh lời từ các khu dịch vụ là không cao. Bởi, đối với công nhân, thu nhập trung bình chỉ khoảng 2,3 triệu đồng mỗi tháng, thì việc tiếp cận các dịch vụ "đạt chuẩn" là điều xa xỉ đối với họ.

THIẾU CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA
 

 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1780/QĐ-TTg, ngày 12/10/2011, phê duyệt Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao (con số này vào năm 2020 là 70%).

Khi được hỏi về đời sống văn hóa tinh thần của NLĐ, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đã phản ánh những phong trào hoạt động có hiệu quả do tổ chức công đoàn phối hợp với DN thực hiện. Nhưng khi tìm hiểu về các thiết chế văn hóa trong DN, thì hầu hết cán bộ công đoàn đều khó trả lời. Công nhân làm việc trong các KKT-KCN, ngoài giờ làm là gắn bó với nhà trọ hoặc về quê. Rất ít DN quan tâm đến nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của NLĐ, nên thiết chế văn hóa rất thiếu thốn.

Công ty công nghiệp nặng DoosanVina là điển hình về việc xây dựng thiết chế văn hóa. Cách làm của DN này là đưa thiết chế văn hóa vào các ký túc xá công nhân. Trong các dãy nhà tập thể dành cho công nhân, công ty bố trí tương đối đầy đủ các phương tiện nghe, nhìn, internet, khu vui chơi giải trí... Đặc biệt, mô hình nhà mẫu giáo cho con công nhân, thư viện, phòng đọc, câu lạc bộ ngoại ngữ... tại công ty được đầu tư phát triển khá đồng bộ, thu hút đông đảo công nhân tham gia. Đây cũng là DN có trách nhiệm trong việc phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thu hút sự tham gia của hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên, số DN làm được như Công ty DoosanVina trong các KKT-KCN không nhiều.

Ông Trần Quang- Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất, cho biết: Ở các KKT-KCN trên địa bàn tỉnh, các thiết chế văn hóa vẫn còn hạn chế. Ngay cả những nơi đã xây dựng các mô hình về thiết chế văn hóa thì thu hút NLĐ cũng rất khó khăn. Các hoạt động văn hóa hướng đến NLĐ phần lớn mang tính "mùa vụ", NLĐ là người hưởng thụ một cách thụ động chứ chưa được phát huy khả năng sáng tạo văn hóa trong không gian sống của mình.

Còn theo ông Lê Hồng Hà thì, việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn. Vì chưa có cơ chế bắt buộc DN đầu tư vào các KCN phải xây dựng các thiết chế văn hóa. Trong khi đó, kinh phí được ngân sách hỗ trợ cho việc này còn nhiều hạn hẹp. Thế nên, không biết đến bao giờ NLĐ ở các KKT-KCN của tỉnh mới được cung cấp các dịch vụ tối thiểu, để họ an tâm làm việc.
      

*Bà Ngô Thị Kim Ngọc-Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: "Đầu tư cho con người là cách giúp DN phát triển bền vững".
Phát triển dịch vụ và xây dựng thiết chế văn hóa cho NLĐ tại các KKT-KCN hiện nay vừa thiếu, lại vừa yếu. Những năm gần đây, chế độ tiền lương được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp, nên cuộc sống của công nhân còn lắm khó khăn. Do đó, công nhân rất cần được hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Để góp phần ổn định đời sống cho công nhân, giúp họ yên tâm làm việc, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh sớm có cơ chế cấp đất, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xây dựng khu dịch vụ và các thiết chế văn hóa. Ngoài ra, các DN cũng cần phải quan tâm nâng cao hơn nữa đời sống cho NLĐ. Bởi đầu tư cho con người là cách giúp DN phát triển bền vững.

*Ông Trần Cao Tánh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao Dung Quất: "Nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ chưa được các DN  xem trọng".
Hằng tháng, Trung tâm Văn hoá-Thể thao Dung Quất tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể thao nhưng chưa "với" tới được NLĐ, bởi khu vực họ ở quá xa trung tâm. Ngoài ra, các DN cũng ít tạo điều kiện để NLĐ tham gia. Việc không đáp ứng được các dịch vụ thiết yếu cho cả hàng chục ngàn công nhân tất yếu nảy sinh nhiều vấn đề xã hội và an ninh trật tự phức tạp. Với số lượng NLĐ đông đảo (hơn 13.000 người) đang làm việc, sinh sống, có thể xem KKT Dung Quất như một "thị trường đầy tiềm năng" mà nếu biết khai thác có thể đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các nhà đầu tư, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và KKT Dung Quất.

*Chị Đoàn Thị Thúy Hoanh-Uỷ viên BCHCĐ Công ty SX- TM- DV Tam Minh: "Điều kiện cơ sở vật chất để xây dựng các sân chơi cho NLĐ của DN còn khó khăn".
Lãnh đạo và Công đoàn công ty luôn quan tâm đến đời sống của NLĐ. Đến nay công ty đã bố trí cho khoảng 15 lao động ở miễn phí tại khu tập thể, ưu tiên cho những công nhân ngoài tỉnh. Ngoài ra, số lao động còn lại đều ở KKT Dung Quất nên họ không có nhu cầu về nhà ở tập thể. Thời gian qua, công ty thường xuyên tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền cho NLĐ tham gia giao lưu với những đơn vị khác. Tuy nhiên, vì điều kiện cơ sở vật chất của công ty còn chật chội, nên công ty vẫn thiếu sân chơi văn hóa-thể thao cho NLĐ. Công ty rất mong các cấp, ngành hỗ trợ đất và kinh phí để chúng tôi nhanh chóng xây dựng khu vui chơi, giải trí cho công nhân.

*Anh Nguyễn Thành Văn-Công nhân ở KKT Dung Quất: "Công nhân phải tự tìm sân chơi".
Vào dịp lễ, Tết, công ty có tổ chức cho anh em vui chơi giao lưu với nhau, còn lại thì anh em phải tự tìm nơi giải trí hoặc về nhà phụ giúp gia đình. Sau giờ làm việc, anh em cũng muốn tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao để thư giản, nhưng vì không có địa điểm nên anh em chỉ còn biết... nhậu. Điều này làm tụi mình vừa tốn tiền, vừa mất sức khỏe, nhưng không nhậu thì cũng chẳng biết làm gì.

*Anh Nguyễn Tuấn-Công ty Chế biến gỗ XK Tân Thành: "Mong có trường mẫu giáo cho con công nhân".
Vợ chồng mình được công ty tạo điều kiện cho chỗ ở nên cuộc sống tương đối ổn định. Chỉ có điều đứa con đầu lòng của mình được 6 tháng tuổi phải nhờ ông bà nội trông giúp. Như vậy cũng là may mắn rồi. Nhiều công nhân khác cùng hoàn cảnh thì họ phải đi-về  hằng ngày để chăm sóc con rất vất vả. Vài năm nữa chắc vợ mình phải nghỉ việc, để về quê chăm sóc, lo cho con ăn học. Vì ở đây không có trường học cho con em công nhân.



NGUYỄN TRIỀU -XUÂN THIÊN
 


.